(Baothanhhoa.vn) - Sầm Nưa chào đón chúng tôi bằng cái se lạnh như mùa thu miền Bắc cùng những cơn mưa bất chợt như đất trời Tây Nguyên, Việt Nam. Thủ phủ của tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, nên khí hậu mát mẻ quanh năm. Đáng mến hơn là cách những người dân Sầm Nưa, Hủa Phăn đối đãi với những người bạn Thanh Hóa, Việt Nam trong lần đầu gặp mặt.

Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2022), 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2022) và 55 năm ký kết hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn (2-5-1967 - 2-5-2022)

Mến thương đất và người Sầm Nưa

Sầm Nưa chào đón chúng tôi bằng cái se lạnh như mùa thu miền Bắc cùng những cơn mưa bất chợt như đất trời Tây Nguyên, Việt Nam. Thủ phủ của tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, nên khí hậu mát mẻ quanh năm. Đáng mến hơn là cách những người dân Sầm Nưa, Hủa Phăn đối đãi với những người bạn Thanh Hóa, Việt Nam trong lần đầu gặp mặt.

Mến thương đất và người Sầm Nưa

Thị xã Sầm Nưa hôm nay.

Chuyến công tác đầu tháng 7 đến giờ vẫn đọng lại nhiều dư vị. Ấn tượng hơn cả vẫn là mảnh đất và con người Sầm Nưa, mà nếu không có dịp sang tận nơi, nói chuyện trực tiếp và cảm nhận, thì chắc chắn tất cả chỉ đơn thuần là những thông tin lịch sử, ngoại giao đọc được trên sách báo hay xem qua truyền hình.

Thị xã Sầm Nưa yên bình với những nếp nhà hai tầng xây theo lối kiến trúc riêng, không phải là những ngôi nhà ống thường thấy như ở đô thị Việt Nam, tạo nên diện mạo phát triển cho vùng đất vốn thuộc tỉnh nghèo của Lào. Hệ thống đường giao thông đi lại khá thuận tiện, không mất nhiều thời gian hay công sức để chúng tôi đến thăm những địa chỉ đã vạch ra trong lịch trình. Dừng chân ở trung tâm thị xã, các công trình nổi trội như: Trụ sở Ủy ban Chính quyền tỉnh, Công viên Hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn và đặc biệt là Tháp Ngọc - biểu tượng của tỉnh Hủa Phăn hiện ra bên bờ sông Nặm Xăm. Lại nói đến con sông Nặm Xăm, công trình kè sông do tỉnh Thanh Hóa viện trợ tỉnh bạn đầu tư, xây dựng khiến cảnh đẹp đôi bên bờ cũng trở nên hiện đại hơn.

Mến thương đất và người Sầm Nưa

Tháp Ngọc - biểu tượng của tỉnh Hủa Phăn bên cạnh công trình Nhà tiếp khách hữu nghị do tỉnh Thanh Hóa viện trợ cho tỉnh Hủa Phăn theo thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016-2020.

Men theo bờ Nặm Xăm, tôi đến được khu chợ Sầm Nưa nổi tiếng. Tại đây, những sản vật địa phương được bày bán bên nhiều mặt hàng “made in Viet Nam” và một số nước lân cận. Ấn tượng hơn cả là những xấp vải thổ cẩm. Vải thổ cẩm do phụ nữ Sầm Nưa dệt thủ công qua lời giới thiệu của chị Súc Ban Chai, cán bộ Sở Ngoại vụ Hủa Phăn - người giúp chúng tôi liên hệ công tác trong những ngày ở lại thị xã, đây là loại vải đẹp có tiếng của Lào, được nhiều chị em yêu thích, lựa chọn để may ra những chiếc váy truyền thống. Những chiếc chân váy truyền thống làm từ vải thổ cẩm là trang phục không thể thiếu trong đời sống của phụ nữ Lào. Nữ cán bộ, nhân viên, kể cả người dân khi đến làm việc trong các cơ quan Nhà nước đều mặc trang phục truyền thống này, chị Súc Ban Chai nói thêm.

Mến thương đất và người Sầm Nưa

Kè sông Nặm Xăm - công trình tỉnh Thanh Hóa viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Hủa Phăn.

Đêm xuống, Sầm Nưa càng hiện rõ là một thị xã yên bình. Hàng quán không quá nhiều nên cuộc sống về đêm hầu như kết thúc rất sớm. Từ trên cao nhìn xuống, ánh đèn không đỏ rực vùng trời như những thị xã, thành phố sầm uất của Việt Nam. Con đường đồi khúc khuỷu tuy đã trải nhựa, đi lại không hề vất vả nhưng có phần hơi tối. Chị Súc Ban Chai còn nói cho chúng tôi biết một điều đặc biệt ở đây, người dân tham gia giao thông không bao giờ bấm còi. Lưu lượng xe ít, tất cả đều tự giác nhường nhau lối đi. Tiếng còi xe duy nhất tôi nghe thấy trên suốt hành trình 5 ngày ở Hủa Phăn là khi xe qua khúc cua gấp trên con đường dẫn từ huyện Viêng Xay đến huyện Sầm Tớ của tỉnh.

Những người dân bản địa nhiệt tình, hiền lành và thật thà khiến người đối diện lần đầu gặp đã cảm mến. Đó là chị Súc Ban Chai, cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh Hủa Phăn đã dành 2 ngày, kể cả ngày cuối tuần để đưa chúng tôi đi thăm tất cả các công trình trên đất Sầm Nưa, vừa là hướng dẫn viên, vừa là phiên dịch viên trong tất cả các cuộc làm việc. Đôi lúc, chị nói đùa: “Bọn em là VIP lắm mới được chị dẫn đi thế này đấy nhé”. Là một trong những cán bộ cấp trưởng phòng, từng có thời gian theo học Học viện Ngoại giao tại Hà Nội, nói và viết thành thạo tiếng Việt, chị Súc được tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động đối ngoại của tỉnh với các tỉnh bên kia biên giới của Việt Nam.

Mến thương đất và người Sầm Nưa

Gặp gỡ cựu chiến binh Bun Phon Nhoong Sổm Pheng, nguyên Phó chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn.

Cũng như chị Súc, những cán bộ và người dân Sầm Nưa, Hủa Phăn mà chúng tôi gặp đều dành một tình cảm đặc biệt cho Bác Hồ, cho Việt Nam, trong đó có Thanh Hóa. Tham gia một buổi lễ buộc chỉ cổ tay, liên hoan cho con trai chuẩn bị sang Việt Nam học đại học của một gia đình người Sầm Nưa, những người dân bản địa dù chưa quen biết vẫn nhiệt tình tiếp đón chúng tôi. Câu đầu tiên chúng tôi thường được hỏi đó là: “Bạn là người Lào hay người Việt?”, chắc bởi nét hao hao giống nhau giữa hai dân tộc. Và không khó để bắt gặp những người Lào nói thông thạo tiếng Việt trong hàng trăm người đang dự tiệc, vì vậy không cần tới phiên dịch viên, chúng tôi vẫn có thể trò chuyện và hỏi thêm nhiều thứ về quê hương các bạn. Trong câu chuyện đó, chúng tôi còn được nghe những lời khen dành cho biển Sầm Sơn, ẩm thực Thanh Hóa và những kỷ niệm đẹp của nhiều cựu sinh viên Hủa Phăn khi còn học Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Cao đẳng Y tế Thanh Hóa. Sự hiểu biết lẫn nhau khiến sợi dây liên kết giữa những vị khách xứ Thanh với người Sầm Nưa dường như đã hình thành từ lâu.

Song, để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả có lẽ là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào được treo trang trọng tại nhiều cơ quan Nhà nước của tỉnh Hủa Phăn; những món quà do Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa trao tặng đặt trong trụ sở Ủy ban Chính quyền tỉnh; những công trình gắn cờ hai nước, gắn biển Hủa Phăn - Thanh Hóa xuất hiện ở nhiều nơi trên đất Sầm Nưa. Tất cả thể hiện rõ nhất mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển từ trong lịch sử đến thời hiện tại.

Nghe những câu chuyện bằng tiếng Việt từ người bạn Sầm Nưa, thử một chút bia Lào, thứ thức uống tạo nên thương hiệu ẩm thực đất nước Triệu Voi, men say của bia hòa lẫn trong men say của mảnh đất và con người bản địa. Đó là điều mà chắc hẳn bất cứ ai ghé thăm thị xã này cũng phải lưu lại trong tim.

Bài và ảnh: Nguyễn Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]