(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị 01 ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” thì vai trò, trách nhiệm của người dân đã được nâng lên rõ rệt, họ chính là những “cột mốc sống” nơi phên dậu Tổ quốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lan tỏa phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia

Trong những năm qua phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị 01 ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” thì vai trò, trách nhiệm của người dân đã được nâng lên rõ rệt, họ chính là những “cột mốc sống” nơi phên dậu Tổ quốc.

Lan tỏa phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia

Anh Lâu Văn Lâu, ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu (Mường Lát) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu kiểm tra đường biên, cột mốc 304.

Thanh Hóa có 213,6km đường biên giới trên bộ tiếp giáp với nước CHDCND Lào, trong nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các lực lượng tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường đối ngoại Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân khu vực biên giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn những khó khăn đó là: Hoạt động của các loại tội phạm hình sự, nhất là tội phạm về ma túy; hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo; vi phạm quy chế biên giới... có những diễn biến, phức tạp. Trên biển, các hoạt động chấp pháp, uy hiếp, xua đuổi tàu cá của ngư dân ta, sử dụng thuốc nổ khai thác thủy, hải sản, an ninh nông thôn, tranh chấp ngư trường; trộm cắp, khiếu kiện đông người..., đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới của tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong hơn 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị và các lực lượng khu vực biên giới đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với Nhân dân, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin”, “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên đến các bản vùng sâu, vùng xa khu vực biên giới để tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo “kẻ xấu” làm những việc vi phạm đến pháp luật; nâng cao tinh thần cảnh giác trong bảo vệ đường biên mốc giới của quốc gia. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường biên, cột mốc trên địa bàn tỉnh đã được 19 hộ gia đình, 90 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ.

Chúng tôi gặp chị Phan Thị Náy - vợ anh Phan Văn Cấu, người dân tộc Dao ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, khi chị đang chuẩn bị cho chồng cơm nắm và nước uống đi rừng. Chị Náy cho biết: Mỗi tháng một lần chị lại dậy sớm hơn mọi khi để nấu cơm, nấu nước cho anh Cấu lên đỉnh núi Kéo Táp, cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển để thăm cột mốc 286. Đây là cột mốc mà cha anh - già làng Phan Văn Xiết, tình nguyện bảo vệ, chăm sóc như người thân của gia đình mình trong suốt hơn 30 năm qua. Trước khi qua đời năm 2019, già Xiết đã trao lại nhiệm vụ thiêng liêng này cho anh và các cháu trong dòng họ để tiếp tục đảm nhận trông coi. Anh Cấu chia sẻ với tôi: Được tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà là tâm nguyện của bố anh và là truyền thống của gia đình anh từ đời ông nội.

Đứng chân trên địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh, Đồn Biên phòng Quang Chiểu quản lý, bảo vệ 46,7km đường biên giới với 22 mốc quốc giới (từ 283 - 304) trên địa bàn 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh, phía ngoại biên tiếp giáp với huyện Viêng Xay và huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Trên địa bàn 2 xã có 22 bản, với 2.022 hộ/9.409 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Kinh, Mường, Mông, Dao và Khơ Mú; trình độ dân trí không đồng đều, sự hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. Với phương châm 5 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, cùng bảo vệ đường biên, cột mốc” và 4 bám “bám chính quyền, bám đường lối chính sách, bám dân, bám địa bàn”, đảng ủy, ban chỉ huy đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ vận động Nhân dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trên địa bàn có nhiều cá nhân tự nhận bảo vệ đường biên, cột mốc, ngoài gia đình anh Cấu người dân tộc Dao, còn có gia đình anh Lâu Văn Lâu, người dân tộc Mông ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát hơn 5 năm nay, cứ mỗi tháng 2 lần anh lại băng rừng, lội suối để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 304, đây cũng chính là cột mốc mà cha anh là già làng Lâu Văn Hự, năm nay đã gần 100 tuổi đã tình nguyện bảo vệ trong nhiều năm qua. Năm 2016, biết mình tuổi cao, sức yếu, già làng Hự đã báo cáo Đồn Biên phòng Quang Chiểu xin trao lại nhiệm vụ thiêng liêng cho người con trai thứ 5 của già làng là anh Lâu Văn Lâu tiếp tục đảm nhận trọng trách lớn lao này.

Chúng tôi cũng đã lên xã Tam Chung huyện Mường Lát gặp anh Giàng A Chìa, người dân tộc Mông ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát đã có thời gian hơn 20 năm tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Dù thời tiết nắng nóng hay mưa rét, cứ mỗi tháng một lần, những dấu chân của anh đã quá đỗi thân quen, in đậm trên cung đường hơn 10km đường rừng lên để kiểm tra, bảo vệ đường biên, cột mốc... Ngoài việc phát quang những cây cỏ xung quanh cột mốc, Giàng A Chìa đã kiểm tra tỉ mỉ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu khác thường ở đường biên, cột mốc báo cáo ngay cho Đồn Biên phòng Tam Chung. Không chỉ tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, A Chìa còn là tuyên truyền viên tích cực đến từng hộ gia đình trong bản Ón để nói cho từng người dân về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc, kiên quyết đấu tranh với mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền biên giới, vượt biên trái phép, đốt nương, làm rẫy.

Với 30 năm âm thầm tuần tra biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc và giúp bà con phát triển kinh tế, già làng Hà Văn Chốn ở xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn đã nhận được hàng chục giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng. Với già, phần thưởng lớn nhất chính là sự quan tâm ủng hộ của Nhân dân trong bản và sự tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Mìn để già được bảo vệ cột mốc, bảo vệ biên giới của Tổ quốc thân yêu... Là bộ đội xuất ngũ về địa phương, già làng Hà Văn Chốn vẫn mang trong mình phẩm chất của người lính, ý thức bảo vệ biên giới vẫn thôi thúc ông không ngừng nghỉ. Ở bản Yên, ông đã tuyên truyền cho con cháu, dòng họ và bà con Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các hiệp định, hiệp nghị quy chế biên giới, hơn thế nữa già còn lập ra đội tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc.

Hiện nay trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa có nhiều tấm gương đã tự nguyện bảo vệ cột mốc, họ là những người uy tín, là những tấm gương để con cháu noi theo, tạo sức lan tỏa của phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, như: Già làng Lục Văn Quý ở bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát; già làng Vi Văn Dong ở bản Cháo, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa; già làng Lang Minh Huyến ở bản Khẹo, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân... Họ là “cầu nối” của Ðảng, Nhà nước đến bà con khu vực biên giới, là tai, là mắt trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Bài và ảnh: Minh Hiếu


Bài và ảnh: Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]