(Baothanhhoa.vn) - 56 năm đã trôi qua nhưng trong tâm khảm của người cựu binh Lê Xuân Giang - nhân chứng sống của những ngày khói lửa, bom rơi trong trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông. Qua thời gian, những “thước phim tư liệu” vô giá chất chứa tâm tư, tình cảm của người cựu binh năm ấy ngày càng giá trị, truyền cảm hứng, niềm tự hào cho các thế hệ tiếp nối.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ký ức người lính Hàm Rồng

Ký ức người lính Hàm Rồng

Tấm ảnh cầu Hàm Rồng năm xưa luôn được cựu binh Lê Xuân Giang lưu giữ cẩn thận trong suốt những năm qua.

56 năm đã trôi qua nhưng trong tâm khảm của người cựu binh Lê Xuân Giang - nhân chứng sống của những ngày khói lửa, bom rơi trong trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông. Qua thời gian, những “thước phim tư liệu” vô giá chất chứa tâm tư, tình cảm của người cựu binh năm ấy ngày càng giá trị, truyền cảm hứng, niềm tự hào cho các thế hệ tiếp nối.

“Thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục”

Sau khi tốt nghiệp lớp 10, chàng thanh niên Lê Xuân Giang đã hăng hái lên đường tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Vào bộ đội, anh là lính trắc thủ ra-đa của Trung đoàn Hàm Rồng và trực tiếp chiến đấu trên đồi C4 với nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng. 10 năm trong quân ngũ (1965-1975) với biết bao kỷ niệm. Ngày hôm nay, khi 56 năm đã trôi qua, nhắc về đồng đội, về Hàm Rồng, đến bom đạn của chiến tranh, người lính già không khỏi bồi hồi. Ông kể: “Trong ký ức của tôi, Hàm Rồng là một chiếc cầu mang trên mình nó nhiều kỳ tích mà cho đến nay chưa ai lý giải được hết. Chỉ tính riêng việc cầu Hàm Rồng trụ vững giữa mưa bom bão đạn của giặc Mỹ suốt gần 8 năm trời đã là một kỳ tích thật sự kỳ diệu rồi. Cuộc đời đã dành cho tôi một vị trí của người lính ở Hàm Rồng từ ngày tôi mới vào quân ngũ và giữ rịt tôi ở đó suốt cuộc chiến tranh. Hai chữ Hàm Rồng từng ngày, từng ngày thấm vào cuộc đời, biến tôi thành con người của Hàm Rồng từ lúc nào tôi cũng không biết nữa”.

Cuộc oanh kích Cầu Hàm Rồng trong hai ngày 3 và ngày 4-4-1965 là cuộc oanh kích đầu tiên của Không quân Mỹ nhằm vào một chiếc cầu kiên cố ở miền Bắc Việt Nam. Đây còn là trận mở màn cho một chiến lược ném bom mới, chiến lược ném bom ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, nơi chúng cho là điểm xuất phát các cuộc tấn công của Quân giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Trong hai ngày 3 và ngày 4-4-1965, quân và dân Hàm Rồng đã tập trung tiêu diệt từng chiếc F105D bổ nhào ném bom vào cầu, bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng an toàn, lập kỷ lục bắn rơi nhiều máy bay nhất trong trận đánh ở một chiếc cầu mà sau này không ở một chiếc cầu nào có thể đạt được. Tham vọng biến cầu Hàm Rồng thành “điểm tắc” của nước Mỹ lúc bấy giờ đã tan thành mây khói. Thế nhưng, chúng vẫn không từ bỏ dã tâm đánh phá cầu Hàm Rồng, sau trận đánh ngày 3 và ngày 4-4, chúng lại mở những cuộc tấn công ác liệt hơn.

“Thời ấy, giặc đánh phá ác liệt là vậy, thế nhưng, người lính không biết sợ chết là gì, chỉ có tâm huyết một điều cống hiến cả bản thân để phục vụ Tổ quốc. Tôi vẫn còn nhớ như in, mỗi một trận đánh đi qua, người lính chúng tôi lại rút ra một câu khẩu hiệu vừa để động viên, làm sức mạnh chiến đấu vừa để răn mình” - ông Giang bồi hồi nhớ lại.

Rồi ông kể rành rọt về Hàm Rồng trong chiến dịch ngày 21, 22, 23-9-1966. Trong chiến dịch đó, giặc Mỹ huy động rất nhiều máy bay công kích liên tục, nhưng cầu Hàm Rồng vẫn được bảo vệ an toàn. Trong 3 ngày, Bộ đội Hàm Rồng đã chiến đấu liên tục, bền bỉ đập tan chiến thuật công kích Lá rụng nhiều tầng với quy mô lớn của Hải quân Mỹ, bắn rơi 8 máy bay bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Nhớ lại giây phút cùng đồng đội đến bên mâm pháo của khẩu đội 4 sau khi kết thúc trận đánh, ông Giang rưng rưng nước mắt. Gạt ngang giọt nước mắt, ông kể: “Ngày 3-9-1967, địch lại dùng loại bom bi quả ổi để ném vào trận địa của ta (loại bom này chứa 365 bi con). Khẩu đội 4 có 6 chiến sĩ thì hy sinh 4 người. Mặc dù trận đánh đã kết thúc nhưng pháo vẫn bắn liên hồi. Khi chúng tôi chạy đến hầm thì cả khẩu đội vẫn ngồi theo một đội hình. Pháo thủ số 1 Nguyễn Bá Chữ đã hy sinh nhưng chân anh đang đặt trên cò pháo nên pháo vẫn vãi đạn. Nhìn máu các anh tràn trên mâm pháo, chúng tôi không cầm được nước mắt. Sau trận này, câu khẩu hiệu “Thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục” lại được đồng đội hô vang như một lời thề quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Hàm Rồng - chiếc cầu huyền thoại

Theo cựu binh Lê Xuân Giang, Hàm Rồng ngay trong cuộc đụng độ đầu tiên với không quân Mỹ trong hai ngày 3 và ngày 4-4-1965 đã lập một kỳ tích trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, hai ngày bắn rơi 47 máy bay. Nhưng Hàm Rồng không chỉ có trận đầu đánh thắng mà Hàm Rồng còn có gần 3 nghìn ngày đêm chiến đấu kiên cường, vượt qua mọi gian khổ hy sinh quyết tâm bảo vệ bằng được cầu Hàm Rồng với tình cảm thiêng liêng, vì miền Nam ruột thịt. Vì thế ở Hàm Rồng có câu ca: “Hàm Rồng là máu là xương/ Là niềm tin của bốn phương gửi về”.

Hàm Rồng còn là cây cầu được mang tên ngày sinh Bác Hồ, cầu 19-5. Tình cảm của quân và dân Hàm Rồng luôn luôn hướng về Bác Hồ, hướng về thủ đô. Quân dân Hàm Rồng hứa với nhau: Quyết bảo vệ cầu Hàm Rồng an toàn để được đón Bác đi qua cầu vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt.

Tình cảm ấy, niềm tin ấy khắc sâu trong tim của từng chiến sĩ Hàm Rồng. Nhiều pháo thủ bị thương nặng ngất đi, khi tỉnh dậy câu đầu tiên hỏi đồng đội là: Cầu có việc gì không?. Từ tình cảm thiêng liêng ấy, quân và dân Hàm Rồng đã lập được một kỳ tích đưa Hàm Rồng trở thành chiếc cầu được bảo vệ vững chắc lâu nhất trong lịch sử chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Hơn 10 năm bám trụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, cựu binh Lê Xuân Giang cùng đồng đội đã bắn rơi 117 máy bay, bắt sống 4 phi công. Tinh thần anh dũng của các chiến sĩ đã làm nên chiến thắng Hàm Rồng huyền thoại.

“Bất kỳ một người lính nào sau chiến tranh còn được trở về đều nghĩ rằng mình là người may mắn. Tôi cũng là một người lính được trở về, cũng tự cho mình là người may mắn. Trong ký ức của người lính Hàm Rồng năm ấy, Hàm Rồng như là một lẽ sống, là tình yêu, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tâm hồn và công việc sáng tác của tôi những năm tháng đã qua. Cho đến bây giờ, mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời này đã cho tôi được làm một người lính Hàm Rồng”, ông Giang chia sẻ.

Mỗi khi có dịp, ông lại say sưa kể lại câu chuyện và những kỷ niệm trong trận đánh về một thời chiến đấu hào hùng của cha ông. Qua đó, thế hệ trẻ hôm nay càng thêm hiểu biết về lịch sử và biết ơn những cống hiến và hy sinh của ông cha ngày trước để có được nền độc lập, tự do như hôm nay. Chiến tranh đã lùi xa, chịu bao trận bom rơi của địch, cây cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã như một minh chứng hùng hồn cho ý chí quật cường của người dân Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung.

Hoàng Lan


Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]