(Baothanhhoa.vn) - Coi trọng cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, những năm gần đây Thanh Hóa đã vươn lên nhóm đầu của cả nước trong thu hút đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả từ thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước

Coi trọng cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, những năm gần đây Thanh Hóa đã vươn lên nhóm đầu của cả nước trong thu hút đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cải cách đồng bộ

Ngay sau khi Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Tỉnh đã ban hành 162 văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, trong đó có các nghị quyết, chương trình, kế hoạch lớn, như: Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về CCHC; quy định về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; chương trình xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh...; ban hành các chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; chỉ thị về tăng cường các biện pháp nâng cao chỉ số CCHC; quy định thực hiện “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết TTHC...

Từ năm 2011, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành và tổ chức thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh. Công tác theo dõi, đánh giá chỉ số CCHC đối với cấp sở, cấp huyện được thực hiện từ năm 2014, trung bình hàng năm đối với cấp sở đạt 87,14 điểm và 81,86 điểm đối với cấp huyện (tổng điểm tối đa 100 điểm). Từ năm 2014 - 2019, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành 6 cuộc khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước, với 7.667 cuộc phỏng vấn được thực hiện. Kết quả, trên 80% tổ chức, công dân hài lòng

Trong giai đoạn này, nhiều mô hình, sáng kiến đã được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, như: Quy định công khai kết quả giải quyết TTHC, công khai xin lỗi, “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết TTHC; quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; quy định xác định chỉ số CCHC; ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh... Hoạt động kiểm tra CCHC được thực hiện thường xuyên, liên tục. Thông qua hoạt động kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC Nhà nước, Thanh Hóa đã tập trung triển khai và đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các nội dung: Từ cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công đến hiện đại hóa hành chính... Từ đó mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, tạo sự thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng được cải thiện. Tính đến năm 2019, PCI Thanh Hóa xếp thứ 24 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm 2018, cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ của Thanh Hóa trong công tác CCHC, thu hút đầu tư.

Đột phá từ CCHC

CCHC đã được tỉnh Thanh Hóa xác định là 1 trong những khâu đột phá quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 quyết nghị. Trong 5 năm qua, thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thanh Hóa đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đưa vào sử dụng, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 623 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 177 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp tỉnh, cấp huyện. Các chỉ tiêu quan trọng trong CCHC được cải thiện; thời gian thực hiện các TTHC được rút ngắn so với quy định của Trung ương, góp phần giảm thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, như: Thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh giảm 30% so với quy định (còn 24 ngày); cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giảm 40% (còn 3 ngày); cấp giấy phép quy hoạch giảm 51% (còn 22 ngày); thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường giảm 36% (còn 20 ngày). Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, công tác CCHC đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đã có sự bứt phá ngoạn mục, có bước phát triển toàn diện. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn này dự kiến đạt 12,5%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII (12%), gấp 1,54 lần so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 133.816 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015.

Tiếp tục khắc phục những

tồn tại, hạn chế

Tuy đã đạt những kết quả tích cực và quan trọng, song trong công tác CCHC vẫn bộc lộ những mặt còn hạn chế. Đó là: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, vận hành cổng dịch vụ công của tỉnh chậm so với yêu cầu; số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích chưa nhiều; một số lĩnh vực có hồ sơ giải quyết quá hạn. Công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát giải quyết TTHC, nhất là TTHC trong các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công chưa triệt để; đầu tư các nguồn lực cho việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhất là cấp huyện, cấp xã còn hạn chế. Các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) được cải thiện, nhưng chưa đạt kỳ vọng; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) không ổn định và xếp thứ hạng thấp.

Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi là cơ bản, với khát vọng mạnh mẽ vươn lên, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Do đó Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ tới vẫn là “Khâu đột phá về đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư”. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Trung ương và của tỉnh về CCHC; trọng tâm là đẩy mạnh cải cách TTHC với mục tiêu “4 tăng” (ứng dụng công nghệ thông tin; công khai minh bạch; trách nhiệm trong thực thi công vụ; sự hài lòng của tổ chức, công dân); “2 giảm” (giảm thời gian giải quyết TTHC; giảm chi phí thực hiện TTHC); “3 không” (không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc; không trễ hẹn); nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết TTHC cho doanh nghiệp và người dân; hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư. Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém, để nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI; phấn đấu các chỉ số PCI, PAPI đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Việt Linh


Việt Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]