(Baothanhhoa.vn) - 50 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức hào hùng về những ngày cùng đồng đội giấu mình trong cát, ngụp lặn hàng giờ trên biển… để đánh chìm tàu dầu 15.000 tấn của Mỹ sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Quang Khải (sinh năm 1952).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gặp người anh hùng nhấn chìm tàu dầu 15.000 tấn của địch

50 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức hào hùng về những ngày cùng đồng đội giấu mình trong cát, ngụp lặn hàng giờ trên biển… để đánh chìm tàu dầu 15.000 tấn của Mỹ sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Quang Khải (sinh năm 1952).

Gặp người anh hùng nhấn chìm tàu dầu 15.000 tấn của địch

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Quang Khải bên danh hiệu Nhà nước trao tặng.

Xung phong nhập ngũ

Được sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi về thôn Thanh Nga, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa vào một chiều tháng Tư lịch sử. Nhìn thái độ cởi mở, vui vẻ của ông Khải, ít ai nghĩ rằng ông đã từng là chiến sĩ đặc công nước, là người đã cùng đồng đội lập nên những kỳ tích hiếm có trong lịch sử.

Cũng như bao thanh niên thời lúc bấy giờ, 16 tuổi (đang học lớp 9/10) chàng trai ấy đã gác bút nghiên, làm đơn xung phong lên đường nhập ngũ. “Mặc dù thuộc diện ưu tiên chưa phải đi đợt này vì anh trai tôi đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Nhưng chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, bà con nhân dân phải sống trong khổ cực nên tôi chỉ mong được góp một phần công sức của mình cho quê hương đất nước. Tháng 6-1968, tôi được gia nhập vào Đội 1, Đoàn 126, quân chủng Hải quân, Bộ quốc phòng. Ở đây, tôi được đào tạo trở thành đặc công nước”, ông Khải bộc bạch.

Ngay từ nhỏ, nhà gần sông nên ông đã giỏi bơi lội, và luôn dành giải Nhất trong các cuộc thi bơi lội của làng. Để vào được Đoàn 126, phải trải qua nhiều cuộc thi rất khắt khe, thế nhưng ông Khải đã xuất sắc vượt qua những bài kiểm tra nghiêm ngặt ấy.

Gặp người anh hùng nhấn chìm tàu dầu 15.000 tấn của địch

Người anh hùng đặc công nước Trần Quang Khải nhớ lại những ngày tháng hào hùng.

Câu chuyện như chạm vào khí thế hào hùng một thuở của người lính, ông cứ nói, cứ tuôn trào với nhiều cảm xúc của một thời không thể nào quên. Ông kể: Để tiếp tế cho hơn 3 vạn quân Mỹ và hàng vạn quân ngụy đang bị giam chân ở mặt trận đường 9 – Khe Sanh, địch coi tuyến đường biển Cửa Việt - Đông Hà là “cái dạ dày” cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm của chúng. Bộ chỉ huy hải quân Mỹ - ngụy đã ra lệnh cho các đơn vị vận tải của chúng chỉ được sử dụng tàu dưới 4.000 tấn vào cảng Cửa Việt dỡ hàng. Các tàu có trọng tải lớn hơn phải neo đậu ngoài biển, cách bờ từ 1-5 hải lý, chờ xà lan và tàu nhỏ ra lấy hàng. Tuyệt đối không được vào cảng.

Trước tình hình đó, Đoàn 126 được giao nhiệm vụ là lực lượng chủ lực, tấn công làm tắc nghẽn tuyến giao thông trọng yếu này của địch. Với quyết tâm “Đánh thắng địch trong cảng, trên sông, nhất định sẽ đánh thắng địch trên biển”… Vì vậy, Ban chỉ huy Đoàn 126 đã xây dựng kế hoạch, tuyển chọn các chiến sĩ có sức khỏe tốt, bơi lặn giỏi từ các đội đang chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, để tổ chức huấn luyện chuyên sâu, chủ yếu là tập bơi, tập đánh tàu trên biển. Vị trí huấn luyện là vùng biển Nhật Lệ (Quảng Bình). Sau khóa huấn luyện, ông Trần Quang Khải là một trong những người đạt thành tích xuất sắc nhất trong đội.

Kình ngư của biển

Ngày 5-9-1969, được cơ sở và trinh sát báo về có một tàu lớn đỗ ngoài khơi, cách Cửa Việt 3 hải lý về hướng Đông Nam, đang chờ xà lan và tàu nhỏ ra lấy hàng. Vì vậy, Đảng ủy và chỉ huy Đoàn 126 lập tức lên kế hoạch đánh tàu này. Với phương châm: “Quyết tâm cao, bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và đánh thắng. Dùng lực lượng nhỏ, trang bị gọn nhẹ, áp dụng kỹ thuật đặc công, bí mật thọc sâu xuống bờ Nam sông Cửa Việt, bơi ra biển, áp mìn vào mạn tàu địch và hẹn giờ nổ”.

Gặp người anh hùng nhấn chìm tàu dầu 15.000 tấn của địch

Anh hùng đặc công nước Trần Quang Khải bên những kỷ vật thời chiến.

Nhớ lại những ngày tháng hào hùng ấy, ông say sưa kể: “Cửa sông Cửa Việt rộng khoảng 200-300m, sâu từ 4-6m; cách bờ 1km có độ sâu lớn hơn. Đang vào mùa mưa, nên lưu lượng nước đổ về đây rất lớn, tạo nhiều vòng xoáy nguy hiểm. Ngoài lực lượng bố phòng trên bộ, trên sông, nơi cửa biển, cách bờ chừng 5-8km thường xuyên có tàu tuần dương Mỹ mang số hiệu 73 hoạt động. Nơi cửa sông có tàu tuần tiễu ven biển, tàu cuốc, tàu quét mìn và tàu cứu thương của ngụy. Phía nam Cửa Việt, sát mép biển có 2 lô cốt và nhiều đài quan sát... Trước đó, địch đã xây dựng thêm 5 ngọn đèn pha, nên đêm đến khu vực cửa sông sáng như ban ngày. Vả lại, đây là trận đánh trên biển đầu tiên của Đoàn 126 nên mọi người ai cũng lo lắng. Nhiều đồng chí trong đơn vị có ý kiến sẽ tổ chức lễ truy điệu sống cho anh em chúng tôi, nhưng chúng tôi đã gạt đi và quyết tâm lên đường”, ông Khải nhớ lại.

Tổ trực tiếp đánh địch gồm 3 người: ngoài ông Khải còn có ông Trần Xuân Hỗ và Tổ trưởng Bùi Văn Hy. Còn tổ gùi vũ khí và bảo vệ có 4 người. “Đêm đầu, hành quân vào vị trí tập kết, ém quân. Đêm thứ 2, bơi ra tiếp cận mục tiêu, gắn mìn. Đêm thứ 3, rút quân về bờ bắc. Thời gian gắn mìn phải trước 1h sáng. Toàn bộ thời gian thực hiện không được quá 5 ngày. Đó là mệnh lệnh!”, ông Khải cho biết.

Sau khi nhận nhiệm vụ, 18h30’, ngày 6-9-1969, mọi người vượt đò Cửa Tùng sang bờ Nam, chọn phương án men theo mép biển. 22h cùng ngày, tất cả đã đến bờ bắc Cửa Việt nhận vũ khí, rồi đeo phao, kéo vũ khí xuống nước vượt sông Cửa Việt sang bờ Nam. Mỗi người mang theo ống thở, khí tài lặn, hai thủ pháo, hai lựu đạn, dao găm… Riêng ông Khải và ông Hỗ nhận thêm hai quả mìn rùa nặng 6,8kg của Liên Xô sản xuất. Đây là loại vũ khí rất lợi hại của đặc công nước, có ghép bốn mươi tám mảnh nam châm hình móng ngựa, có sức hút 100kg. Khi mìn đã áp vào sườn tàu, rút chốt an toàn, đúng giờ sẽ nổ, nếu chưa đến giờ nổ mà bị tháo gỡ, mìn cũng tự phát nổ, bởi nó có ngòi chống tháo. Lúc này, trời mưa to, nước chảy mạnh, sóng lớn, đèn pha chiếu rất sáng. Tổ đánh tàu của ta đến giữa sông thì đụng chiếc tàu cuốc đang đi từ biển vào. Đề đảm bảo an toàn trận đánh, ba người đành bơi trở lại bờ Bắc. Sau khi tàu của địch chạy qua, tổ đánh lại tiếp tục vượt sông.

Đúng 3h sáng ngày 7-9, ông cùng đồng đội bám được bờ Nam Cửa Việt, rồi tìm đường xuống Vĩnh Hòa Phương. Tại đây, ông Khải được giao nhiệm vụ cất giấu vũ khí, ông Hỗ làm nhiệm vụ cảnh giới, còn tổ trưởng Hy đi tìm chỗ ẩn nấp.

Ông Khải nhớ lại: “Khoảng 8h sáng cùng ngày, một trung đội lính ngụy tuần tra qua làng, chúng phát hiện cồn cát có dấu vết lạ, liền ra sức lùng sục. 12h chúng dừng lại ăn trưa, cách chỗ tôi ẩn nấp chỉ khoảng 1,5m. Lúc đó, tôi đã xác định, sẽ một phen sống chết với kẻ thù. Thế nhưng, nhờ sự ngụy trang khéo léo, chúng đã không phát hiện ra chúng tôi. 14h chiều chúng mới rút lui”.

Đến 18h, tổ đánh tàu đội cát, lần đường ra mép nước và bơi ra biển. Song vừa bơi đến vị trí cách tàu khoảng 1km thì một cơn dông nổi lên, sóng to, gió lớn. Nơi của sông dòng nước chảy xiết, nên mọi người đành quay vào bờ, tìm chỗ giấu vũ khí, giấu người. Sáng hôm sau, một số người dân đi lượm củi đã phát hiện ra các chiến sĩ đánh tàu. Sau khi biết được đây là quân giải phóng, các chiến sĩ được nhân dân che chở, mang cơm nước cho ăn... Nhưng để đề phòng bất trắc, họ đã lặng lẽ chuyển vị trí trú quân sang nơi khác.

17h ngày 8-9, ông Khải cùng ông Hỗ mang theo vũ khí, đeo phao, lần theo mép nước ra biển (tổ trưởng Hy ở lại cảnh giới). Lặn hụp dưới nước, vật lộn với sóng gió hơn 3h liền, đến 20h15’, hai anh em mới bám được giây neo của tàu. Chiếc tàu USS Noxubee có trọng tải 15.000 tấn, có nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu cho các đơn vị ngụy quân ở mặt trận đường 9. Chiếc tàu này được Mỹ trang bị hiện đại, có thiết bị chống người nhái, chống đặc công nước và được canh gác rất nghiêm ngặt.

Nhấn chìm tàu dầu 15.000 tấn của địch

Câu chuyện về những trận đánh cảm tử và những khó khăn, gian khổ của Đoàn đặc công hải quân 126 cứ tuôn chảy theo mạch kể của người Anh hùng đặc công nước, ông kể tiếp: “Mặc dù biết trước đây là tàu cực lớn, nhưng tôi vẫn bị “choáng” bởi nó cao 15m, rộng 20m và dài 100m. Ánh sáng đèn pha làm mặt biển quanh tàu sáng như ban ngày. Anh Hỗ luồn về bên trái mạn tàu, tôi luồn sang phải. Cả 2 tìm khoang chứa dầu rồi cạo hà, áp mìm. Mỗi quả mìn cách nhau 3m, dưới độ sâu 0,5m so với mực nước biển. Vừa gắn xong mìn, chúng tôi bị địch phát hiện, chúng lập tức cho nổ súng báo động. Đạn tiểu liên AR15 và lựu đạn lập tức ném xuống quanh tàu như mưa. Trước tình hình đó, cả 2 nhanh chóng rời tàu, bơi vào bờ”.

Biết có đặc công nước thâm nhập đánh tàu, Mỹ-ngụy nhanh chóng huy động 2 máy bay trực thăng, 1 máy bay C130, 5 tàu tuần tiễu từ Cửa Việt ra vùng biển có chiếc tàu dầu neo đậu, kết hợp với tàu tuần dương và khu trục Mỹ ngoài khơi vào sục sạo, truy tìm. Pháo sáng bắn lên sáng cả một vùng biển, đạn các loại từ trên tàu, trên máy bay xỉa xuống… Trên bờ, từ Cửa Việt ra Cửa Tùng, địch bủa quân vây muôn ngã. Chiếc tàu chở dầu của địch hốt hoảng bỏ chạy về phía Cửa Việt. Khoảng 22h, bỗng 2 tiếng nổ vang trời phát ra, ngọn lửa cao đến cả trăm mét, sáng rực cả mặt biển.

Sau khi bị quân địch điên cuồng trút đạn. Sức ép làm các chiến sĩ của ta nghẹt thở, choáng váng rồi chìm nghỉm xuống nước. Sợi dây liên kết đồng đội bị đứt, mỗi người văng một nơi, mất liên lạc, cứ như vậy họ để nước cuốn trôi đi… Họ lạc nhau, đói, khát, ẩn giấu mình dưới sự lùng sục, truy quét của địch, người nọ tưởng người kia đã hy sinh. Một ngày sau, cả ba chiến sĩ đã gặp nhau ở điểm quy định bên bờ Bắc Cửa Việt rồi cùng trở về căn cứ. Ông Khải bị thương vào đùi còn ông Hỗ bị sức ép, ù tai.

Ông Khải bảo: “Sự kiện tàu dầu 15.000 tấn của Mỹ bị đánh đắm này được hơn 70 tờ báo của các nước đưa tin, bình luận với những dòng tít “kinh hoàng”, “ngoài sức tưởng tượng”… Có tờ báo còn đặt câu hỏi: Bằng cách gì mà Việt cộng có thể thâm nhập, cài đặt mìn vào tàu khi mà rađa trên tàu quét 24/24h và thiết bị theo dõi của tàu có thể nhìn thấy từng con cá đang bơi dưới biển?”.

Sau trận đánh ấy, ông Khải lại cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu và lập chiến công ở nhiều trận đánh khác. Rồi được cấp trên cử sang Liên Xô đi học… Năm 1990, ông về hưu mang quân hàm Thiếu tá với cương vị là Phó Chủ nhiệm chính trị, Lữ đoàn 299, quân đoàn I. Trở lại quê nhà, ông lại miệt mài truyền “lửa” cho thế hệ trẻ thông qua các trường học, các địa phương. Những chiến công lừng lẫy của Hải quân nhân dân Việt Nam, nhất là trong trận đánh chìm tàu dầu 15.000 tấn của địch ở cửa sông Cửa Việt như một thước phim quay chậm được ông tái hiện lại, để lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc mãi như ngọn lửa cháy cùng lịch sử dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa, các đồng đội của ông người còn, người mất nhưng với người lính đặc công nước Trần Quang Khải miền ký ức về những trận đánh, những con đường làm nên nhiều ký tích như huyền thoại vẫn đậm sâu trong trái tim ông.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Hữu Quyền - 20:55 01/05/19

 Trả lời

Tuyệt vời, chúc ông và các đồng đội luôn mạnh khỏe.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]