(Baothanhhoa.vn) - Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi về phường Nam Ngạn để được gặp gỡ, trò chuyện cùng bác Hoàng Xuân Cành, Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn của một thời đạn lửa. Bác Cành năm nay 77 tuổi, cái tuổi khiến bác quên đi một vài ký ức xa xưa nhưng duy cái cảm xúc về một thời đạn bom ác liệt ở chiến trường Hàm Rồng – Nam Ngạn năm 1965 thì vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ.

Gặp lại Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn ngày ấy

Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi về phường Nam Ngạn để được gặp gỡ, trò chuyện cùng bác Hoàng Xuân Cành, Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn của một thời đạn lửa. Bác Cành năm nay 77 tuổi, cái tuổi khiến bác quên đi một vài ký ức xa xưa nhưng duy cái cảm xúc về một thời đạn bom ác liệt ở chiến trường Hàm Rồng – Nam Ngạn năm 1965 thì vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ.

Gặp lại Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn ngày ấy

Bác Hoàng Xuân Cành thăm phòng truyền thống nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ phường Nam Ngạn.

Làng Nam Ngạn trước năm 1963 thuộc xã Đông Giang (Đông Sơn). Năm 1963, xã Đông Giang sáp nhập vào thị xã Thanh Hóa và thành lập 3 tiểu khu Nam Ngạn, Nghĩa Phương và Đông Sơn. Năm 1981, tiểu khu Nam Ngạn trở thành phường Nam Ngạn. Tiểu khu Nam Ngạn nằm sát cầu Hàm Rồng, được coi là trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Trước âm mưu mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, chi bộ Nam Ngạn xác định phải tăng cường nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, đưa tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của đảng viên và Nhân dân lên cao độ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bác Cành nhớ lại: Năm 1965, bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, Thị ủy, Ủy ban Hành chính thị xã Thanh Hóa chỉ đạo tiểu khu Nam Ngạn thành lập Đại đội dân quân Nam Ngạn để trực chiến và trực tiếp chiến đấu. Khu đội dân quân Nam Ngạn cũng được thành lập gồm 1 trung đội nam và 1 trung đội nữ, mỗi trung đội gồm 24 người ở độ tuổi thanh xuân. Nhiệm vụ của 2 trung đội là tham gia sản xuất, luyện tập bắn súng và trực tiếp chiến đấu với máy bay tầm thấp. Chiều 2-4-1965, khi lực lượng thanh niên tiểu khu Nam Ngạn đang làm đồng thì nhìn thấy máy bay trinh sát của Mỹ bay rất thấp qua khu vực cầu Hàm Rồng. Ngay lập tức, 2 trung đội được chi bộ Nam Ngạn gọi về triển khai nghị quyết từ thời bình sang thời chiến. Đêm 2-4, Ban Chỉ huy phòng không thị xã Thanh Hóa ra lệnh cho tất cả các đơn vị triển khai trận địa sẵn sàng chiến đấu. Chi bộ Nam Ngạn lãnh đạo và huy động hàng nghìn nam, nữ thanh niên, dân quân tự vệ cùng với bộ đội đào đắp công sự, hầm hào trú ẩn, san lấp đường giao thông để phục vụ chiến đấu.

Ngày ấy, bà Nguyễn Thị Hằng là Khu đội trưởng Khu đội dân quân Nam Ngạn, bác Hoàng Xuân Cành là Khu đội phó. Bác Cành được giao nhiệm vụ trực tiếp huấn luyện cho anh em trung đội nam và trung đội nữ về cách bắn máy bay tầm thấp. Bác Cành kể: “Sáng 3-4-1965, cả 2 trung đội được lệnh triển khai trận địa trực chiến đấu, tôi là người chỉ huy trận địa phía Nam. Đúng như dự đoán của ta, gần 9 giờ sáng địch đánh cầu Đò Lèn, đồng thời cho máy bay trinh sát cầu Hàm Rồng. Khi máy bay Mỹ xuất hiện ở độ cao tầm 500m, tôi ra lệnh bắn và từ đó luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Buổi trưa, máy bay Mỹ không ném bom bắn phá do mặt trời đứng bóng chiếu xuống dòng sông không nhìn rõ cầu Hàm Rồng. Đến 13 giờ cùng ngày, cuộc tấn công cầu Hàm Rồng của địch bắt đầu. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hàm Rồng – Nam Ngạn đã đoàn kết một lòng, bắn rơi 17 máy bay Mỹ”.

Bác Cành vẫn nhớ rất rõ: Thất bại trong ngày thứ nhất, ngày hôm sau (4-4-1965), Mỹ điên cuồng trút hàng nghìn tấn bom đạn xuống Hàm Rồng và những vùng phụ cận. Được lệnh của Ban Chỉ huy phòng không thị xã Thanh Hóa, người già và trẻ nhỏ phải sơ tán hết, chỉ có lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở lại. Do dự báo đúng tình hình, ngày hôm sau sẽ ác liệt hơn rất nhiều so với những gì đã diễn ra, Khu đội dân quân Nam Ngạn đã thành lập trung đội 3 - trung đội hậu cần để phục vụ chiến đấu. Ròng rã suốt nhiều giờ, lưới lửa phòng không nhiều tầng của ta đã giáng trả những đòn đích đáng ở mọi tầng, mọi hướng, làm cho bọn giặc lái phải hốt hoảng, ném bom bừa bãi và tháo chạy. Đúng 17 giờ, trận chiến đấu vô cùng ác liệt kết thúc.

Mặc dù thất bại trong cuộc thử lửa ở Hàm Rồng – Nam Ngạn, song đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng mục tiêu đánh phá. Bác Cành còn nhớ: Những ngày cuối tháng 5-1965, Mỹ cho máy bay trinh sát, thăm dò và ném bom oanh tạc một số địa điểm quan trọng. Ngày 26-5-1965, nhiều tốp máy bay Mỹ xuất hiện bắn phá các trận địa pháo cao xạ, các tàu hải quân và cầu Hàm Rồng. Dân quân tiểu khu Nam Ngạn bố trí sát bờ sông ngay lập tức tổ chức lực lượng phối hợp chiến đấu ngăn máy bay địch sà xuống tầm thấp. Đạn trên tàu hết, dân quân Nam Ngạn tiếp tục vác đạn, chở thuyền tiếp tế cho tàu ta đánh địch. Những đồng chí được phân công phục vụ chiến đấu đã không sợ hy sinh để cứu chữa, vận chuyển thương binh, tử sĩ, chuyển đạn cho bộ đội... Những đường đạn hiệp đồng của bộ đội chủ lực với những người con gái, con trai Nam Ngạn đã hạ liên tiếp 2 chiếc máy bay của giặc Mỹ. Đến chiều ngày 26-5-1965, đế quốc Mỹ buộc phải ngừng đợt tấn công Nam Ngạn - Hàm Rồng. Nam Ngạn ngày ấy, gia đình nào cũng có người tham gia chiến đấu, có gia đình có tới 4 người con tham gia rất anh dũng như gia đình cụ Ngô Thọ Lạn. Các chiến sĩ nữ như Khu đội trưởng Khu đội dân quân Nam Ngạn Nguyễn Thị Hằng bị thương vẫn không rời vị trí chỉ huy; chị Lê Thị Dung hy sinh dũng cảm trên tàu khi hiệp đồng chiến đấu với hải quân ta. Đặc biệt sư thầy Đàm Xuân, trụ trì chùa Mật Đa đã cùng với bà con làng Nam Ngạn tích cực tham gia nấu cơm, nấu nước đưa lên trận địa tiếp tế cho bộ đội. Sư thầy còn trực tiếp tham gia vào việc chăm sóc thương binh, cho dân quân lấy cánh cửa chùa ra làm cáng cứu thương; sân chùa vừa là sở chỉ huy, vừa là nơi sơ cứu thương binh.

Sau thắng lợi vang dội ngày 3 và 4-4 và trận chiến đấu kiên cường phối hợp bắn máy bay Mỹ của dân quân Nam Ngạn và bộ đội hải quân ngày 26-5-1965, Khu đội dân quân Nam Ngạn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Năm 1966, Đại đội dân quân Nam Ngạn và chị Ngô Thị Tuyển được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; chị Nguyễn Thị Hằng được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc; liệt sĩ Ngô Thọ Sáu và liệt sĩ Lê Thị Dung được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Nhiều tập thể và cá nhân khác được tặng huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại.

Bài và ảnh: Minh Khôi


Bài và ảnh: Minh Khôi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]