(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi gặp các cựu nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc) đúng dịp các bà hẹn gặp nhau ở nhà bà Trịnh Thị Cần sau nhiều năm xa cách để ôn lại kỷ niệm thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Những nữ dân quân năm xưa bây giờ đều đã ngoài 60 tuổi, có người ở xa với con, nhưng được gặp nhau, những ký ức hào hùng, hãnh diện lại ùa về. Chiến tích của 14 cô gái trong trung đội vang dội khắp nơi được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng huy hiệu, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, báo chí trong nước và quốc tế khen ngợi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất của đời tôi”

Chúng tôi gặp các cựu nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc) đúng dịp các bà hẹn gặp nhau ở nhà bà Trịnh Thị Cần sau nhiều năm xa cách để ôn lại kỷ niệm thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Những nữ dân quân năm xưa bây giờ đều đã ngoài 60 tuổi, có người ở xa với con, nhưng được gặp nhau, những ký ức hào hùng, hãnh diện lại ùa về. Chiến tích của 14 cô gái trong trung đội vang dội khắp nơi được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng huy hiệu, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, báo chí trong nước và quốc tế khen ngợi.

“Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất của đời tôi”

Bà Hoàng Thị Mợi (thứ 5 từ trái qua phải) cùng với đồng đội chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Hội LHPN tỉnh, huyện và xã Hoa Lộc.

Thành lập ngày 1-6-1967, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc làm nhiệm vụ trực chiến ở khu đất cồn bãi Đông Ngàn làm căn cứ bảo vệ bầu trời, kho thóc và tuyến vận chuyển từ Bắc vào Nam bằng đường sông và đường biển. Theo kế hoạch, trung đội được huấn luyện trong 11 ngày cả lý thuyết và thực hành về cách sử dụng súng 12,7mm. Nhưng mới học lý thuyết được hơn 5 ngày thì cấp trên đã biên chế cho trung đội 3 khẩu súng. Ngày 16-6-1967, trung đội đang luyện tập thì xuất hiện hai tốp máy bay của địch từ biển Lạch Trường bay vòng vào trận địa. Khi tốp thứ hai bay vào trận địa, cự ly cách 500m, chưa kịp cắt bom thì Trung đội trưởng Hoàng Thị Mợi hô lớn: “Bắt mục tiêu thứ hai. Bắn!”. Chiếc máy bay A4D trúng đạn, loạng choạng lao xuống đất.

Chiến công bắn rơi máy bay A4D của trung đội làm nức lòng quân dân cả nước, nhiều đoàn báo chí trong và ngoài nước đã về để ghi lại chiến tích hào hùng của trung đội. Nhiều nhà báo nước ngoài tỏ ra ngỡ ngàng, bởi trước đó các cô gái chưa từng biết sử dụng vũ khí, nhưng bằng ý chí quyết tâm cùng với nhiệt huyết tuổi trẻ đã làm nên những điều không tưởng: Bắn rơi chiếc máy bay tối tân nhất của quân đội Mỹ.

Những ngày tháng nằm dề dưới bùn nước trực chiến máy bay của Mỹ, ăn rau dại hoặc có những đêm trời mưa ướt nhẹp, bụng đói cồn cào, đường trơn mà các cô vẫn chân trần, đầu đội mũ cọ đi trong đêm dưới sức công kích của hàng chục máy bay giặc, liều mình làm nên những chiến công vang dội. Đó là biểu hiện cao quý về đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng, về tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; là kết quả rực rỡ của phong trào thi đua “phụ nữ ba đảm đang”, phong trào “giết giặc lập công”... Ngay sau chiến công đó, trung đội được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng Huy hiệu của Người cho mỗi thành viên.

Bà Hoàng Thị Mợi, cựu Trung đội trưởng nữ dân quân Hoa Lộc xúc động cho biết: “Tôi vẫn nhớ như in lời của Bác Hồ trong thư khen gửi cho trung đội: “Bác rất vui lòng khen các cháu đã chiến đấu giỏi và bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Bác gửi tặng mỗi cháu một huy hiệu. Bác mong các cháu hãy phát huy những điểm tốt: chăm học, chăm làm, sản xuất giỏi, đánh giặc giỏi cùng với bà con địa phương giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa...”. Từ những lời khen ngợi, động viên của Bác, chị em chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, không sợ khó, không sợ khổ, càng hăng say luyện tập để nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục 2 lần nữa bắn rơi máy bay Mỹ, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, báo chí trong và ngoài nước biết đến. Cá nhân tôi được Đảng, Nhà nước, Chính phủ cử đi báo cáo điển hình ở trong và ngoài nước. Tôi được đi cùng với đoàn của Chính phủ tuyên truyền về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ tại Việt Nam ở các nước, như: Triều Tiên, Trung Quốc, 15 bang của Liên Xô cũ... Hồi đó, các đoàn lãnh đạo, phóng viên các nước khâm phục chiến công của Việt Nam lắm, trong đó có chiến công của nữ dân quân Hoa Lộc. Qua phiên dịch, tôi đã thực hành lại các thao tác bắn súng, kể về những gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi khiến bạn bè, phóng viên các nước thêm hiểu, tin tưởng và ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chính nghĩa này. Khắp mọi nẻo đường ở các nước bạn đón đoàn Việt Nam sang thăm đều hô vang khẩu hiệu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”... khiến trong tôi cảm xúc tự hào, hãnh diện về Đảng, về Bác Hồ, dân tộc Việt Nam càng được nhân lên”.

Trong thời gian bà Mợi đi báo cáo điển hình ở nhiều nơi, bà Trịnh Thị Cần, Trung đội phó đã thay bà Mợi được đến gặp Bác Hồ, báo cáo với Bác về chiến công, tinh thần chiến đấu của Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc. Tiếc không được gặp Bác, bà Mợi luôn phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và mong ước được gặp Bác một lần. Năm 1969, sau khi nhận được tin Bác ốm, bà Mợi đại diện cho đơn vị điển hình được cấp trên cử ra túc trực bên Bác. Theo bà Mợi kể, 19 ngày ra thăm Bác nhưng bà chỉ được nhìn thấy Bác ít phút rồi lại luân phiên cho người khác và bà tiếp tục làm nhiệm vụ ở vòng ngoài. Ít phút được gặp Bác nhưng trong hoàn cảnh chia ly khiến trái tim bà Mợi thắt lại, bà Mợi luôn tự nhủ, đây là vinh dự lớn nhất rồi, mình phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa. Với những cố gắng đó, giai đoạn năm 1970-1975, bà Mợi là ĐBQH, bà từng tham gia công tác đoàn của xã, xã đội phó và luôn tuyên truyền, vận động Nhân dân địa phương tích cực học tập, lao động, sản xuất làm giàu cho quê hương theo lời dạy của Bác.

54 năm trôi qua, người còn, người mất, người ở xa nhưng tình cảm các nữ dân quân Hoa Lộc năm xưa vẫn thường xuyên hướng về nhau. Điều đáng mừng là thế hệ con, cháu của các bà đều trưởng thành và phát huy truyền thống yêu nước, tích cực học tập, lao động sản xuất, có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Chiếc Huy hiệu Bác Hồ và bức thư Bác Hồ khen ngợi, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc đã gửi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ cho nhiều người được xem, được biết về những thành tích của trung đội.

Bài và ảnh: Lê Hà


Bài và ảnh: Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]