(Baothanhhoa.vn) - Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng của quê hương Thanh Hóa anh hùng, trong nhiệm kỳ qua, được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của HĐND, UBND, các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, công tác mặt trận và các phong trào thi đua yêu nước do mặt trận phát động, chủ trì tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của mặt trận trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng của quê hương Thanh Hóa anh hùng, trong nhiệm kỳ qua, được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của HĐND, UBND, các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, công tác mặt trận và các phong trào thi đua yêu nước do mặt trận phát động, chủ trì tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của mặt trận trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân là đồng bào công giáo tiêu biểu. Ảnh: Hoài Linh

Các cuộc vận động (CVĐ) và các phong trào thi đua yêu nước, nhất là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” đã được triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, hướng về khu dân cư (KDC), huy động tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia của nhân dân. Trong 5 năm (2014-2019), MTTQ các cấp đã vận động nhân dân hiến 250 ha đất, đóng góp 150.000 ngày công; huy động nguồn lực từ nhân dân là 4.100 tỷ đồng, góp phần quan trọng để có 763 thôn, bản, 296 xã, 2 huyện được công nhận NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 16,3 tiêu chí/xã. Hoạt động an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, đã tranh thủ được sự ủng hộ của các cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và của toàn xã hội để chăm lo cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động hỗ trợ người nghèo đạt trên 128 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ người nghèo làm mới 3.282 căn nhà, sửa chữa 675 căn nhà; hỗ trợ sản xuất trên 7 tỷ đồng, khám, chữa bệnh 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ trên 6 tỷ đồng giúp học sinh nghèo học tập và hỗ trợ khó khăn đột xuất, tặng quà tết cho hộ nghèo...

Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được tổ chức với nhiều hoạt động nhân dịp Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7) đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Công tác cứu trợ được MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai kịp thời. Quỹ Cứu trợ của tỉnh đã tiếp nhận 50,379 tỷ đồng, hỗ trợ làm 592 nhà bị cháy do hỏa hoạn và bị sập, cuốn trôi do mưa, lũ; hỗ trợ 333 gia đình có nạn nhân bị chết và bị thương do thiên tai; hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khắc phục thiên tai với tổng số tiền trên 41 tỷ đồng.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) hàng năm được tổ chức rộng khắp với nhiều hoạt động phong phú, thực sự là ngày hội của nhân dân, nhiều KDC vui mừng được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh về tham dự ngày hội.

Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhận tiền hỗ trợ đồng bào Thanh Hóa bị thiệt hại do lũ lụt. Ảnh: Hoài Linh

MTTQ các cấp đã thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của MTTQ và góp phần vào thành công cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; các hội nghị tiếp xúc cử tri, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ngày càng có nhiều tiến bộ và đổi mới. Công tác giám sát, phản biện xã hội dần đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả. MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức hàng trăm cuộc giám sát; phối hợp thường xuyên, hiệu quả với HĐND, Đoàn ĐBQH tổ chức giám sát nhiều nội dung, toàn diện trên các lĩnh vực với nhiều hình thức khác nhau, đã phát huy ngày càng tốt hơn vai trò giám sát của nhân dân. Qua đó, đã có tác động làm chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật ở các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động đề xuất, tổ chức các hội nghị phản biện xã hội dự thảo các văn bản về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền đưa ra các quyết định đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp đã phát huy tốt vai trò trong công tác tham mưu, phối hợp tổ chức để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại trực tiếp với nhân dân ở cấp tỉnh. 100% đơn vị cấp huyện và nhiều xã, phường, thị trấn tổ chức được đối thoại định kỳ, đối thoại theo chuyên đề, đối thoại khi có vụ việc phức tạp ở cơ sở, kịp thời giải quyết những vướng mắc, những vấn đề bức xúc nảy sinh trong nhân dân. MTTQ đã ngày càng thể hiện rõ nét vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các CVĐ và công tác mặt trận, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình và có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, hàng năm được Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và xuất sắc toàn diện, nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, hoạt động MTTQ các cấp trong tỉnh còn có những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong công tác giám sát, phản biện xã hội; tập hợp, phản ánh kiến nghị của nhân dân, tham gia giải quyết những vướng mắc nảy sinh ở cơ sở.

Kế thừa truyền thống của MTTQ Việt Nam, với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Hiệu quả”, phát huy kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, vào công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước và tỉnh nhà. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát dân, sát cơ sở, sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của từng địa phương, đơn vị. Tập trung thực hiện tốt 5 chương trình trọng tâm: Tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; cùng với tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và từng địa phương, tập trung tuyên truyền về truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng của miền đất và con người xứ Thanh. Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các CVĐ, các phong trào thi đua yêu nước sát hợp với từng địa phương, với chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức thành viên, chú ý biểu dương, nhân rộng các gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình tiên tiến góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong thời kỳ mới.Nâng cao vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ thực hiện giám sát và phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường tập hợp, vận động đồng bào Thanh Hóa đang sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước hướng về xây dựng quê hương, xây dựng hình ảnh người Thanh Hóa thân thiện, nghĩa tình, cần cù lao động sáng tạo, sống có kỷ cương, kỷ luật. Tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp và ban công tác mặt trận ở KDC, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tạo đồng thuận cao trong nhân dân để khai thác lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hướng tới xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Nguyễn Văn Tuấn

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế

Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, kế hoạch phát động phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, LĐLĐ tỉnh đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua đến các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động (CNVC&NLĐ). Kết quả tổ chức các phong trào thi đua do công đoàn phát động góp phần khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ CNVC&NLĐ đã tạo ra hàng nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi hàng trăm tỷ đồng. Những kết quả đạt được không những thể hiện công sức lao động, tiềm năng, trí tuệ sáng tạo của NLĐ, mà còn thể hiện tinh thần yêu lao động trong đội ngũ CNVC&NLĐ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng công việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Để phong trào tiếp tục đạt kết quả cao trong thời gian tới, theo tôi, công tác thi đua - khen thưởng phải được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Các phong trào thi đua phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; phải có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nội dung thiết thực để tạo sức lan tỏa rộng khắp, toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu. Trong công tác thi đua - khen thưởng luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, công tác khen thưởng, phát hiện nhân tố mới, cách làm hay để rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Ngô Tôn Tẫn

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Giáo hội Phật giáo tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động

Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Với phương châm “Ðạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tuyên truyền, vận động các chức sắc, tăng, ni, phật tử tu tập giữ gìn đạo hạnh, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ðảng, Nhà nước và MTTQ các cấp phát động.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cùng với đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trong tỉnh nói chung, tăng, ni, phật tử nói riêng, đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến gương mẫu” theo 5 nội dung do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề ra. Các sư trụ trì luôn đi đầu trong phong trào, cụ thể hóa các nội dung, tăng cường hoạt động xây dựng cảnh quan cũng như lập lại trật tự nền nếp bảo đảm sự trang nghiêm nơi thờ tự; động viên cư sỹ, phật tử tham gia công tác từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người nghèo và công tác khuyến học được chính quyền, nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ. Đến nay, đã có 60 chùa/tổng số 138 ngôi chùa có sư trụ trì ở 27 huyện, thị, thành phố đạt chùa cảnh tinh tiến gương mẫu cấp tỉnh. Trung bình mỗi năm Giáo hội Phật giáo tỉnh đã quyên góp ủng hộ trực tiếp hàng tỷ đồng và nhiều quà tặng khác cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần cùng tăng, ni, phật tử hoàn thành tốt công việc phật sự, đóng góp công sức của mình xây dựng nông thôn mới, xây dựng ngôi nhà chung đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

Thượng tọa Thích Tâm Đức

Trưởng Ban Trị sự Giáo hội

Phật giáo tỉnh Thanh Hóa

Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững

Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Hưởng ứng chương trình phối hợp thống nhất hành động đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Từ việc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình SXKDG giúp đỡ các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, trong 5 năm, đã giúp 24.972 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh từ 2,5 - 3%/năm.

Để phong trào nông dân thi đua SXKDG phát triển bền vững, theo tôi, trong thời gian tới, các cấp hội nông dân trong tỉnh, các thành viên MTTQ cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM; các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động. Chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, cơ quan, doanh nghiệp giải quyết tốt vấn đề đất đai, nguồn vốn, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, tăng thu nhập cho người nông dân; đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - xã hội. Tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, liên kết, liên doanh, tham gia tổ hợp tác, HTX, thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có chỉ dẫn địa lý và từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Xây dựng mối liên kết “6 nhà”: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư vốn và nhà phân phối để hình thành chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại.

Trần Bình Quân

Ủy viên BCH Hội Nông dân Việt Nam,

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

“Xóa nghèo bền vững dựa vào cộng đồng” – mô hình mới cần nhân rộng

Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Để người nghèo được thoát nghèo bền vững, góp phần vào chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Triệu Sơn đã xây dựng Đề án “Xóa nghèo bền vững dựa vào cộng đồng”. Toàn huyện đã thành lập được 24 câu lạc bộ (CLB) với 1.320 thành viên, trong đó số hộ nghèo và cận nghèo là 850 hộ, chiếm 76%; số tiền để hỗ trợ các hộ vay đầu tư vào sản xuất là 2 tỷ đồng. Sau hơn 5 năm tổ chức thực hiện, số hộ nghèo, cận nghèo trong các CLB giảm còn 183 hộ; nhiều hộ tự nguyện làm đơn xin rút ra khỏi hộ nghèo, nhiều CLB chỉ còn 10 – 15 thành viên là hộ nghèo, các hộ cận nghèo không tái nghèo. Hoạt động của đề án đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đầu năm 2019 xuống còn 5,17%.

Việc thực hiện Đề án “Xóa nghèo bền vững dựa vào cộng đồng” cùng với chính sách phát triển kinh tế của huyện đã và đang tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần to lớn trong giảm nghèo bền vững, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, MTTQ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện. Đề án đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổ chức hỗ trợ giúp đỡ người cao tuổi quốc tế HAI đánh giá là một điển hình mới cần nhân ra diện rộng, được các đoàn đến tham quan học tập.

Hà Hữu Khang

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Triệu Sơn

Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân

Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện (GSPB) xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ các cấp đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.

Từ thực tế hoạt động GSPB tại phường Quảng Thắng cho thấy, để làm tốt công tác GSPB, cùng với việc quan tâm, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác mặt trận, tạo điều kiện về kinh phí hoạt động cho ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng của cấp trên, theo tôi, mỗi cán bộ làm công tác mặt trận cần chủ động nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, chính sách để thực hiện nhiệm vụ GSPB xã hội đạt kết quả cao. Hàng năm, cần chủ động xây dựng kế hoạch giám sát trình cấp ủy phê duyệt. Tăng cường nắm bắt tình hình các tầng lớp nhân dân, qua đó lựa chọn một số vụ việc phức tạp, bức xúc, giải quyết kéo dài để nghiên cứu, giám sát và kiến nghị chính quyền quan tâm giải quyết; đồng thời giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc mà MTTQ đã kiến nghị. Có như vậy mới củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trần Thị Thủy

Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]