(Baothanhhoa.vn) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Trước khi trở thành một vị đại tướng lừng danh, ông là thầy giáo dạy lịch sử. Có lẽ, chính sự am hiểu sâu sắc lịch sử đã làm nên cốt cách của một vị tướng đầy nhân văn, một vị tướng huyền thoại, một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX. Ông là một trong những vị tướng hiếm hoi trên thế giới, được chính những tướng lĩnh đã từng đối đầu trên chiến trường phải cảm phục.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được lịch sử lưu danh, lòng dân tạc tượng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Trước khi trở thành một vị đại tướng lừng danh, ông là thầy giáo dạy lịch sử. Có lẽ, chính sự am hiểu sâu sắc lịch sử đã làm nên cốt cách của một vị tướng đầy nhân văn, một vị tướng huyền thoại, một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX. Ông là một trong những vị tướng hiếm hoi trên thế giới, được chính những tướng lĩnh đã từng đối đầu trên chiến trường phải cảm phục.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được lịch sử lưu danh, lòng dân tạc tượng

Tại Tổng Hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận. Ảnh: tư liệu

Vị đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Cuối năm 1941, sau khi ở nước ngoài về, Võ Nguyên Giáp được giao phụ trách công tác quân sự của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Lúc đó, ông tròn 30 tuổi. Ngày 22-12-1944, ông được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao tổ chức thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, đơn vị chủ lực tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 15-5-1945, Võ Nguyên Giáp được giao làm Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân. Tại Đại hội quốc dân Tân Trào, ông được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông được giao làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tháng 11-1946, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia khi mới 35 tuổi. Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đã lãnh đạo, chỉ huy quân đội ta tiến hành cuộc chiến tranh Nhân dân, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân từng bước vững mạnh. Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm đại tướng cho ông. Lúc này, ông mới 37 tuổi và là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Vị đại tướng tài đức, văn võ song toàn

Không chỉ lừng danh là một vị tướng thiên tài của thời đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được biết đến là một vị tướng tài đức, văn võ song toàn, một nhà chính trị vì dân. Đức độ, tài năng của ông đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của chính những tướng lĩnh đã từng đối đầu trên chiến trường. Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của Cách mạng Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, với tư cách là Tổng Tư lệnh, kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, ông đã quyết đoán đề nghị thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đề nghị này của ông đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch phê chuẩn. Phương án “đánh chắc, tiến chắc” trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng cao nhất, với sự hy sinh xương máu thấp nhất. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ và sự hy sinh, gian khổ của toàn quân, toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã thiết kế nên một thế trận giải phóng miền Nam với mưu kế kỳ diệu: Căng địch ra ở hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế - Đà Nẵng, phía Nam giữ địch ở Sài Gòn, làm cho địch bộc lộ sơ hở ở quãng giữa miền Trung và Tây Nguyên. Khi địch đã rơi vào thế trận của ta sắp đặt, ta bất ngờ phá vỡ Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ, ta giải phóng Huế, Đà Nẵng đẩy địch vào thế tan rã và sau đó ta tập trung toàn bộ lực lượng gồm 5 quân đoàn giải phóng Sài Gòn.

Có thể nói, những chiến thắng vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, mà Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên, đã tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử của dân tộc và thế giới. Những chiến tích ấy đã nâng ông lên tầm một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của mọi thời đại, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Mãi mãi được lưu danh trong lịch sử

Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương phản chiếu của gần trọn thế kỷ XX, thế kỷ dữ dội nhất và cũng bi hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Với tài thao lược, cùng với bản lĩnh cầm quân kiệt xuất, đại tướng đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lập nên những chiến công hiển hách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Từ trận Phay Khắt - Nà Ngần (1944) tới Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) - Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến cả thế giới nhận ra ông không chỉ có tài cầm quân, mà còn là nhà lý luận quân sự uyên thâm, tác giả hàng đầu về học thuyết quân sự Việt Nam hiện đại. Tư tưởng và lý luận của ông về vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng Quân đội Nhân dân, về khởi nghĩa vũ trang, về chiến tranh Nhân dân trong thời đại mới..., không chỉ được người Việt Nam mà nhiều lãnh tụ và tướng lĩnh trên thế giới nghiên cứu, học tập. Ông đã đưa chiến tranh Nhân dân Việt Nam trở thành nghệ thuật quân sự được cả thế giới ngưỡng mộ.

Đáng nói, người đứng đầu quân đội đã đánh bại hai đội quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế kỷ XX lại chưa hề được đào tạo qua trường lớp quân sự nào và chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của đại tướng, khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại..., đồng thời đánh giá ông là một trong số những người hiếm hoi có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử.

Năm 2006, “Thời báo châu Á” (Asia Times) số ra đặc biệt đã dành một bài viết dài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong loạt bài viết tôn vinh các “Anh hùng châu Á” - những nhân vật nổi tiếng làm thay đổi cục diện châu lục trong những thập kỷ gần đây. Bài báo viết: “Nhờ tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân đội Việt Nam đã chiến thắng lẫy lừng trong chiến dịch quân sự kéo dài 56 ngày đêm và tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp năm 1954, đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên của một lực lượng kháng chiến châu Á đánh thắng quân đội thực dân trong một trận chiến quy mô và làm tiêu tan huyền thoại về sự vô địch của phương Tây thời đó”.

Năm 1984, Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã bầu chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 danh nhân quân sự vĩ đại nhất thế giới. Đặc biệt, trong số 10 bức chân dung được tạc tượng bằng vàng và đặt trang trọng ở viện bảo tàng lớn nhất London, chỉ duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạc tượng khi vẫn đang còn sống.

Một nhà văn hóa lớn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà văn hóa lớn. Với cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Tổng Tư lệnh suốt 32 năm, ông đã rèn luyện cho Quân đội Nhân dân Việt Nam trở thành một đội quân cách mạng mang bản sắc văn hóa riêng, trong đó mỗi người lính đều thấm nhuần tư tưởng nhân văn của văn hóa Việt Nam. Ông thực sự là Chính ủy của các Chính ủy, một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn lấy dĩ công vi thượng làm phương châm để hành động. Lấy tình thương yêu đồng đội, đồng chí để làm lẽ sống, lấy chữ nhân, chữ nhẫn, chữ trí để làm phương châm ứng xử. Tư tưởng và con người của “anh Văn” đã góp phần hình thành, xây dựng, củng cố sức mạnh của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam.

Ông đã dành nhiều tâm sức cho việc viết hồi ký và lịch sử. Những tác phẩm của ông, như: “Từ nhân dân mà ra”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, “Những năm tháng không thể nào quên”,“Chiến đấu trong vòng vây”,“Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”..., đã giúp người đọc cả trong và ngoài nước hiểu sâu hơn về bản sắc, truyền thống văn hóa, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, về Tư tưởng Hồ Chí Minh, càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước và con người Việt Nam.

Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà sử học, bởi vậy ngay lúc đương thời, Võ Nguyên Giáp đã sớm nghiên cứu và viết về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại tướng chính là một trong những người đầu tiên đề xuất đưa Tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống để trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Vị “Đại tướng của lòng dân”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng văn võ song toàn, uy tín cao vợi. Bằng chính cuộc đời cao đẹp của mình, với những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho dân tộc và đất nước, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được khắc sâu trong lòng Nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỗ dựa tinh thần, là nơi gửi gắm niềm tin của Nhân dân, cán bộ, đảng viên khi còn sống và cả khi đã qua đời. Cuộc đời ông đúng như những câu thơ mà các tác giả Sơn Tùng - Hoàng Kính đã đề tặng: “Trọn đời vì nước vì dân/ Là thầy là tướng nghĩa nhân làm đầu/ Võ Văn Nguyên Giáp song toàn/ Như thần thấu suốt nhân gian cõi lòng”.

Cả cuộc đời của đại tướng bao giờ cũng quý trọng, học tập và phục vụ Nhân dân, học tập tinh hoa truyền thống của dân tộc, đại tướng tự nhận: "Tôi chỉ là giọt nước trong biển cả Nhân dân”, đại tướng bao giờ cũng đánh giá rất cao vai trò của Nhân dân, khi đánh giá công trạng vai trò của một vị tướng, có nhà báo nước ngoài hỏi “Vị đại tướng nào vĩ đại nhất”, đại tướng đã không ngần ngại trả lời “Nhân dân Việt Nam”. Khi hòa bình lập lại, đại tướng lúc nào cũng đau đáu vì dân, vì nước. Câu hỏi lúc nào cũng thường trực trong đại tướng, tại sao hòa bình rồi mà dân còn khó khăn, đất nước còn lạc hậu?. Vì vậy đại tướng được gọi là “Đại tướng của Nhân dân”, “Đại tướng của lòng dân”.

Trong những giờ khắc khó khăn của cuộc đời mình, ông luôn tin tưởng tuyệt đối vào người thầy Hồ Chí Minh, tin vào con đường mà dân tộc phải đi, đó là con đường theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, tin vào Nhân dân mình, tin vào sự công bằng của lịch sử. Tên tuổi, cuộc đời và những cống hiến vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho dân tộc và đất nước đã trở thành niềm tự hào, niềm kiêu hãnh không chỉ của Nhân dân Việt Nam mà còn trở thành thần tượng của các dân tộc trên thế giới.

Ngày 13-10-2013 (tức ngày 9-9 âm lịch), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về với đất mẹ tại Vũng Chùa, Quảng Bình thân yêu.

PGS.TS. Hoàng Thanh Hải


PGS.TS. Hoàng Thanh Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Đỗ Văn Tri - 18:50 23/08/22

 Trả lời

Bài viết xúc tích tuyệt vời về Đại tướng VÕ NGUYÊN GÍAP! Cảm ơn Tác Giả bài viết!

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]