(Baothanhhoa.vn) - Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài cuối: Chăm lo xây dựng đội ngũ

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Cán bộ thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) thăm hỏi tình hình sản xuất của người dân. Ảnh: Thanh Huê

Đột phá trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ

Xác định rõ việc điều động, luân chuyển cán bộ là nhằm từng bước thay đổi nhận thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; tăng cường cán bộ được đào tạo, rèn luyện thử thách qua thực tiễn, góp phần sắp xếp cán bộ một cách hợp lý hơn, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, thời gian qua, Thanh Hóa đã thực hiện khá đồng bộ công tác điều động, luân chuyển cán bộ.

Tháng 1-2014, khi đang là Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đông Sơn, đồng chí Mai Xuân Thế được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Đông Nam. Khi nhận nhiệm vụ mới, điều đồng chí trăn trở là làm sao đưa địa phương ngày càng phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Bằng trách nhiệm và khả năng của mình, đồng chí đã cùng ban chấp hành đảng bộ xã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo toàn diện các mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng nông thôn mới (XDNTM); đồng thời “xốc” lại tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức xã; phân công, gắn trách nhiệm cho từng đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ và thường vụ đảng ủy bám cơ sở, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ trong XDNTM; chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của xã Đông Nam đạt 18,2%/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 95 triệu đồng, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm xuống còn 4,89%. Xã đã về đích NTM năm 2016, sớm hơn so với dự kiến 3 năm.

Những ngày đầu khi mới nhận công tác về làm Bí thư Huyện ủy Quan Sơn, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến còn nhiều bỡ ngỡ khi bất đồng về ngôn ngữ trong mỗi lần gặp gỡ, tiếp xúc với bà con các dân tộc trong huyện, cùng với đó là điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn. Nhưng với bản lĩnh chính trị, quyết tâm đưa kinh tế - xã hội huyện nhà đi lên, đồng chí cùng với cấp ủy đề ra quy chế làm việc, tích cực xuống cơ sở tìm hiểu, thăm hỏi, vận động nhân dân lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Điển hình là đồng chí cùng với tập thể Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy nghiên cứu triển khai các đề án, kế hoạch để thực hiện các chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội mà đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, tình hình ở mỗi địa phương trên địa bàn huyện. Bước chuyển mình dễ dàng nhận thấy đó là, từ một huyện nghèo hàng năm phải trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước, đến nay huyện Quan Sơn đã tự chủ hoàn toàn về lương thực, cơ bản xóa được đói, số hộ nghèo giảm hàng năm từ 5-6%, nay chỉ còn 21% (theo chuẩn nghèo cũ); thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/năm, tăng hơn 10 lần so với năm 1997; tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 88%, cao nhất tỉnh; XDNTM đã đạt bình quân 9,28 tiêu chí, không có xã dưới 7 tiêu chí; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm...

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều cán bộ qua điều động, luân chuyển công tác đang phát huy tốt năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ tháng 6-2012 đến tháng 4-2018, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 1.772 lượt cán bộ ở các cấp, các ngành; trong đó thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về huyện 47 đồng chí; huyện lên tỉnh 43 đồng chí; huyện này sang huyện khác, ngành này sang ngành khác 8 đồng chí; cán bộ thuộc diện BTV cấp ủy cấp huyện và tương đương quản lý: Từ huyện về xã 301 lượt; xã lên huyện 151 lượt; từ xã này sang xã khác 382 lượt và giữa các cấp, các ngành 840 lượt. Đến nay có 22/27 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 81,48%) đã bố trí một trong ba chức danh chủ chốt không phải là người địa phương. Đối với cấp xã, toàn tỉnh có 421/635 xã, phường, thị trấn (chiếm 66,29%) bố trí một trong ba chức danh không phải là người địa phương. Cùng với điều động, luân chuyển cán bộ, theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW ngay từ năm 2008, BTV Tỉnh ủy đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng đề án, thí điểm thực hiện mô hình “nhất thể hóa” chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tại 10 xã, phường, thị trấn của 3 đơn vị (TP Thanh Hóa, 2 huyện Như Thanh và Thạch Thành) và hơn 300 mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố. Đến nay, toàn tỉnh có 23 đồng chí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, chiếm 3,32%, tăng 56,52% so với năm 2008; có 1.833 đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố (Quan Sơn 100% thôn, bản nhất thể hóa; Như Xuân 88,52% thôn, bản nhất thể hóa; Quảng Xương 85,16% thôn, bản nhất thể hóa; Quan Hóa 82,93% thôn, bản nhất thể hóa; Yên Định 77,18% thôn, bản nhất thể hóa...), chiếm 30,69%, tăng 79,7% so với năm 2008. Ở hầu hết các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang, đã thực hiện mô hình “nhất thể hóa” bí thư đảng ủy đồng thời là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.

Thực tế cho thấy việc sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Sơn Lê Thanh Hải: Luân chuyển chính là tạo môi trường cho cán bộ thể hiện năng lực, phẩm chất và uy tín cá nhân, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đời sống, để rèn luyện, tự khẳng định, trưởng thành. Thực hiện tốt việc đánh giá và điều động, luân chuyển cán bộ là hình thức kiểm tra, giám sát tốt nhất. Bởi khi bàn giao công việc, những việc làm được và chưa làm được, mặt mạnh, mặt yếu của cán bộ, những vi phạm sẽ được làm rõ. Từ đó, huyện nắm rõ thực trạng đội ngũ cán bộ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, uốn nắn.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ

Thực hiện chủ trương chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 22–NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020. BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo đó, hàng năm, cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có năng lực, trình độ; cán bộ trong quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ kế cận những nhiệm kỳ tiếp theo. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo: 50 tiến sĩ; 365 thạc sĩ (trong đó có 26 người đào tạo thạc sĩ ở các trường đại học nước ngoài); CK1 26 người; cử nhân 12 người (chuyên ngành công tác Đảng); cao cấp và cử nhân chính trị 2.757 người; trung cấp lý luận chính trị 13.119 người; bồi dưỡng cấp ủy huyện 296 người; bồi dưỡng lớp cán bộ nguồn của Trung ương 4 đồng chí; bồi dưỡng chuyên ngành 28 người; bồi dưỡng lãnh đạo các ban Đảng cấp tỉnh 268 người; bồi dưỡng lãnh đạo các ban Đảng cấp huyện 3.663 người...

Đến thời điểm này, 100% cán bộ, công chức cấp xã trong tỉnh đạt chuẩn về văn hóa, chuyên môn, chính trị; cơ cấu nữ, trẻ phù hợp. Trong đó: Cán bộ có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 53,5%, vượt 13,5% so với mục tiêu nghị quyết, trung cấp lý luận trở lên đạt 90,52%; công chức có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 61,7%, trung cấp lý luận trở lên đạt 47,1%. Cùng với đó, việc đưa trí thức trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo đề án của Chính phủ được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 5 đợt tuyển chọn 183 trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã thuộc các huyện 30a; đã có nhiều trí thức trẻ tình nguyện trưởng thành, đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh ngày càng được nâng cao, chất lượng tham mưu, đề xuất ngày một hiệu quả hơn. Đội ngũ cán bộ được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn và trưởng thành về nhiều mặt; nhiều đồng chí có sự đổi mới về tư duy, năng động, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán trong công việc được phân công, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một số bài học kinh nghiệm

10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tại Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Điều đó thể hiện ở năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khả năng nhận thức, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn. Những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đang từng bước được chỉnh đốn, khắc phục với tinh thần và thái độ quyết liệt, nghiêm túc. Song bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thẳng thắn chỉ rõ vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục quyết liệt. BTV Tỉnh ủy cũng rút ra ba bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết số 22-NQ/TW trong thời gian tới:

Một là, cấp ủy đảng và hệ thống chính trị các cấp phải nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; nâng cao chất lượng ra nghị quyết và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Hai là, phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố cơ sở yếu kém. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ; đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.


Nhóm phóng viên Xây dựng Đảng – Nội chính

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]