Thi đua để cải thiện vị trí xếp hạng
Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 được công bố cách đây hơn một tháng “buộc” các ban, sở, ngành cấp tỉnh phải nhìn nhận lại kết quả thực hiện của đơn vị mình. Từ đó, đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đối với từng nội dung, từng tiêu chí nhằm cải thiện vị trí xếp hạng trong năm tiếp theo.
Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Chỉ số CCHC năm 2024 của các ban, sở, ngành cấp tỉnh được đánh giá dựa trên 8 nội dung, 43 tiêu chí và 73 tiêu chí thành phần. 8 nội dung gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách thể chế; cải cách tài chính công; cải cách chế độ công vụ; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức. Có 20 ban, sở, ngành thuộc đối tượng đánh giá, xác định chỉ số CCHC. Trong đó, có 6 đơn vị là Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc và Thanh tra tỉnh không thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức thông qua điều tra xã hội học do không đủ số lượng mẫu hoặc trong năm không có hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Thang điểm đánh giá của 6 đơn vị này tối đa là 84 điểm (trừ 16 điểm điều tra xã hội học). Các đơn vị còn lại đánh giá theo thang điểm 100.
Theo kết quả công bố, chỉ số CCHC trung bình của các ban, sở, ngành năm 2024 đạt 85,41%, giảm (4,08%) so với năm 2023. Có 9/20 đơn vị đạt giá trị trung bình trên 90%. Đứng đầu bảng xếp hạng là Sở Tài chính với 90,05%, xếp cuối bảng xếp hạng là Sở Giáo dục và Đào tạo với 76,53%, thấp hơn 13,52% so với đơn vị đứng đầu. Mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực trong chỉ đạo, đẩy mạnh CCHC, song một số nội dung lại bộc lộ nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao như chế độ báo cáo không đúng định kỳ, chuyển đổi vị trí công tác chưa đúng quy định, chậm công bố quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính... dẫn đến số điểm đạt được thấp nhất.
Trong 8 nội dung đánh giá, nội dung “cải cách thể chế” có giá trị trung bình cao nhất với 98,28%. Đáng phấn khởi là, tất cả các đơn vị đều có kết quả trên 90%, đứng đầu là Sở Nội vụ với 96,72%, cuối bảng là Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp với 91,04%. Ở chiều ngược lại, nội dung “công tác chỉ đạo, điều hành” có giá trị trung bình thấp nhất, đạt 74,45% (giảm 3,83% so với năm 2023) và có sự phân hóa cao. “Công tác chỉ đạo, điều hành” giảm điểm là do một số đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc báo cáo định kỳ, chậm khắc phục tồn tại, hạn chế sau kiểm tra CCHC, không có sáng kiến áp dụng trong giải quyết thủ tục hành chính, chưa đa dạng các hình thức tuyên truyền... Nội dung “xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” đạt 92,8%. Đây là nội dung duy nhất trong năm 2024 tăng điểm (tăng 4,79% so với năm 2023).
Để có được kết quả trên, năm 2024, UBND tỉnh đã ưu tiên các nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; tập trung phát triển và hoàn thiện các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh. Các ban, sở, ngành cấp tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực trong điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng. Đơn vị đi đầu trong thực hiện nội dung này là Sở Nội vụ (97,8%) và Văn phòng UBND tỉnh (97,6%).
Năm 2024 là năm thứ 2 thực hiện điều tra xã hội học theo 2 kênh (đánh giá cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức) với 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp. Việc thực hiện đánh giá lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức được chia đều trong 7 tiêu chí; đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức được thực hiện bằng việc phát phiếu trực tiếp đến người dân. Có 14 đơn vị thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức với chỉ số trung bình đạt 79,63%, trong đó có 6/14 đơn vị đạt cao hơn giá trị trung bình, đứng đầu là Sở Kế hoạch và Đầu tư với 86,81%. 6 đơn vị gồm Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, Thanh tra tỉnh và Ban Dân tộc không thực hiện đánh giá, xếp hạng nội dung này do không phát sinh hồ sơ hoặc số lượng mẫu chưa đủ để thực hiện khảo sát.
Đối với việc thực hiện đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, tất cả 20/20 ban, sở, ngành đều thực hiện; giá trị trung bình đạt 63,42%, không có đơn vị nào đạt trên 90%. Kết quả chỉ số CCHC được công bố hằng năm đã phản ánh một cách khách quan việc triển khai nhiệm vụ CCHC của các ban, sở, ngành cấp tỉnh. Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp các đơn vị nhận biết được mặt mạnh để phát huy, mặt yếu để khắc phục. Từ đó, đánh giá, rút kinh nghiệm và xác định các giải pháp cụ thể để duy trì hoặc cải thiện vị trí xếp hạng của đơn vị mình trong những năm tiếp theo nhằm đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Bài và ảnh: Thu Vui
{name} - {time}
-
2025-04-07 15:57:00
Nỗ lực cải cách ngành tài chính
-
2025-04-07 13:56:00
Xây dựng nền hành chính hiện đại, hoạt động hiệu quả
-
2025-04-06 14:51:00
Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện nhiệm vụ sau tinh gọn
Hướng tới sự hài lòng của người dân
Phát huy vai trò của bí thư chi bộ
Nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”
100% chi bộ trực thuộc Đảng bộ Công ty Điện lực Thanh Hóa hoàn thành tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025-2027
Nâng cao vai trò của công đoàn để giảm ngừng việc tập thể
Bồi đắp niềm tin, tạo đồng thuận trong xã hội
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế
Sinh hoạt chính trị về triển khai thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới