(Baothanhhoa.vn) - Quản lý, trông nom, chăm sóc hơn 2.000 phần mộ và hướng dẫn tận tình từng người đến thăm viếng, tìm mộ liệt sĩ là công việc thầm lặng mỗi ngày của bác Ngô Thọ Chính, tổ trưởng tổ bảo vệ Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Hơn 30 năm gắn bó với công việc, bác Chính đã để lại nhiều thiện cảm với người dân và thân nhân liệt sĩ mỗi khi đến thăm viếng nơi đây.

Người quản trang làm theo lời Bác

Quản lý, trông nom, chăm sóc hơn 2.000 phần mộ và hướng dẫn tận tình từng người đến thăm viếng, tìm mộ liệt sĩ là công việc thầm lặng mỗi ngày của bác Ngô Thọ Chính, tổ trưởng tổ bảo vệ Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Hơn 30 năm gắn bó với công việc, bác Chính đã để lại nhiều thiện cảm với người dân và thân nhân liệt sĩ mỗi khi đến thăm viếng nơi đây.

Người quản trang làm theo lời BácBác Ngô Thọ Chính chăm sóc phần mộ các liệt sĩ.

Tìm gặp bác Chính không khó bởi dường như lúc nào bác cũng có mặt ở nghĩa trang. Ẩn sâu trong chiếc áo màu xanh ấy là biết bao chuyện đời, chuyện nghề của người đã nhận về mình trọng trách “canh giấc ngủ” cho các liệt sĩ quê hương. Hơn 30 năm trước, bác Chính là nhân viên Xí nghiệp công viên cây xanh thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa. Sau 1 năm làm việc tại xí nghiệp, thấy bác Chính là người điềm đạm, cẩn thận và tận tụy với công việc, công ty đã điều chuyển bác về làm bảo vệ, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng. Thời gian đầu tiếp nhận công việc, nơi đây là bãi sình lầy hoang vu, không điện, không tường rào bao quanh..., cả 2 khu mới có khoảng hơn 400 phần mộ. Sau 3 lần nâng cấp, hiện nay Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 phần mộ liệt sĩ Thanh Hóa hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và quân tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào.

Hòa theo dòng cảm xúc của câu chuyện chăm sóc nghĩa trang, bác Chính cho biết: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Ngạn anh hùng nên tôi thấu hiểu sự hy sinh xương máu của những người đã ngã xuống. Họ đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn, cho mình sống đến hôm nay nên tôi làm việc với cả cái tâm của mình để tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc”. Nhiều năm qua, mỗi khi thân nhân liệt sĩ mang hài cốt về nghĩa trang đều được bác hướng dẫn, giúp đỡ tận tình. Đặc biệt, những ngày đón hài cốt liệt sĩ từ nơi khác về, bác đã chuẩn bị chu đáo lễ nghi và các điều kiện khác theo quy định. Có lần đón hài cốt với số lượng lớn, bác đã nhường phòng ngủ của mình làm nơi để hài cốt các liệt sĩ và thức trắng đêm cùng gia đình nhang khói cho các liệt sĩ.

Hằng năm, cứ mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7), công việc của bác Chính càng thêm bận rộn khi các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng thân nhân các gia đình liệt sĩ tổ chức lễ cầu siêu, dâng hương, thắp nến tưởng nhớ, tri ân. Năm nay, toàn thành phố đang hướng về 74 năm Ngày thương binh, liệt sĩ – ngày mà cách đây 74 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào cả nước “...Họ là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào..., vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn những người con anh dũng ấy”. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, chừng ấy năm gắn bó với nghề, bác vẫn lặng thầm với công việc “canh giấc ngủ” cho các liệt sĩ. Trong khói hương trầm mặc, giữa không gian tĩnh lặng, người dân luôn thấy thấp thoáng bóng người nhỏ nhắn, trong bộ quần áo xanh lúc ở khu mộ này chỉnh sửa lọ hoa, lúc ở khu mộ kia lau chùi, tỉa chân nhang hay nhặt từng chiếc lá, dọn cỏ, cắt tỉa cây cảnh, thu gom rác làm sạch nghĩa trang. Hơn 30 năm qua, bác Chính đã thuộc lòng từng tên liệt sĩ, vị trí ngôi mộ, quê quán, địa điểm được quy tập tại nghĩa trang. Với những ngôi mộ khuyết danh, không người thân thăm viếng, bác xem như người thân, chăm sóc một cách chu đáo, tận tình. Bác Chính bộc bạch: “Mỗi lần chứng kiến cảnh thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng các phần mộ, cảm nhận được nỗi lòng thầm kín của họ, tôi luôn tự hứa với lòng mình sẽ chăm sóc các phần mộ chu đáo hơn nữa để gia đình các liệt sĩ được yên lòng và anh linh các anh hùng liệt sĩ thêm ấm áp. Tôi tự nhủ, khi nào còn sức khỏe, còn được địa phương trọng dụng thì tôi vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với công việc ý nghĩa này”. Làm công việc quản trang tuy không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự cần mẫn và có cái tâm. Phải là những người yêu nghề, tự hào với công việc quản trang như bác Chính mới có thể gắn bó lâu dài được.

Với những đóng góp của mình, bác Ngô Thọ Chính được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp lao động – thương binh và xã hội; được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Năm nay, bác Ngô Thọ Chính là tấm gương tiêu biểu được TP Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen nhân dịp sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sẽ tổ chức trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]