(Baothanhhoa.vn) - trân trọng tình cảm yêu mến, niềm tin mà Bác dành cho phụ nữ, bằng sự nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của bản thân trong việc tự giải phóng chính mình và góp phần xây dựng, kiến thiết quê hương, bà Lê Thị Thục, Giám đốc Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, luôn “vững tay chèo”, hướng đến những thành công, xứng đáng với danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bản lĩnh của “nữ thuyền trưởng” luôn “vững tay chèo”

trân trọng tình cảm yêu mến, niềm tin mà Bác dành cho phụ nữ, bằng sự nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của bản thân trong việc tự giải phóng chính mình và góp phần xây dựng, kiến thiết quê hương, bà Lê Thị Thục, Giám đốc Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, luôn “vững tay chèo”, hướng đến những thành công, xứng đáng với danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Bản lĩnh của “nữ thuyền trưởng” luôn “vững tay chèo”

Bà Thục luôn quan tâm đến công tác chăm lo đời sống, chủ động lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Bà Lê Thị Thục gắn bó với Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa từ những ngày tháng tuổi xuân rực rỡ nhất. Tốt nghiệp chuyên ngành cơ điện của một trường đại học có uy tín, bà Thục nhận quyết định về công tác tại Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa thuộc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương). Chẳng kém cạnh những “đấng nam nhi” sức dài, vai rộng, bà Thục khi ấy hăng hái đi theo các công trình sản xuất, trải mình trên khắp các nẻo đường, bất chấp điều kiện làm việc phải băng núi, vượt đèo tới những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của các huyện miền núi Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước... Năm 1985 – 1989, khi có chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ, sau nhiều lần luân chuyển vị trí công tác tại các đơn vị thuộc sở, bà Thục được giao nhiệm vụ làm đội trưởng đội đúc cột điện (Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa). Bà Thục cho biết: Thời kỳ đó, công nhân đội đúc cột điện đa số là nữ bộ đội và thanh niên xung phong (TNXP) về chuyển ngành, chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu công việc, Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa đã thành lập một trường đào tạo nhằm dạy nghề cho lớp bộ đội, TNXP chuyển ngành này. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của cả nước lúc bấy giờ còn rất khó khăn, nhu cầu xây lắp các công trình điện lực vô cùng ít ỏi nên sản phẩm cột điện của đội làm ra không có thị trường tiêu thụ, công nhân hầu như luôn ở trong tình trạng không có việc làm. Bà Thục ngậm ngùi hồi tưởng lại chặng đường gian khó: “Hơn 100 cán bộ, công nhân viên của đội đúc cột điện lúc ấy kéo nhau đi ký sổ gạo, cuộc sống thiếu thốn đủ điều”.

Với vai trò đội trưởng, trước hoàn cảnh khó khăn của cán bộ, công nhân trong đội, bà Thục vừa lo dạy học, đảm bảo quy trình sản xuất và ngày đêm trăn trở lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Bà Thục ném mình vào thị trường, lăn lộn khắp các xã, huyện, nghĩ đủ mọi cách, làm đủ mọi điều miễn sao có thể tạo thêm được việc làm, cải thiện thu nhập cho chị em. Bà ngược lên miền rừng núi mua mây về, dạy chị em đan thành các sản phẩm đổi cho người dân; nhập thảm đay, chiếu cói của các vùng trong tỉnh, học cách dệt chiếu Nga Sơn; nghĩ cách mua đá hộc để chị em tự đập, xếp lò nung vôi; đào đất làm gạch... Bà Thục kể: Nghĩa là thời điểm ấy, bằng mọi cách, tôi cố gắng tìm cho công nhân trong đội một kế sinh nhai tạm bợ trong lúc cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, đầu tư thử nghiệm đúc cột bê tông chữ H.

Bản lĩnh của “nữ thuyền trưởng” luôn “vững tay chèo”

Bà Thục tận tình hướng dẫn công nhân sản xuất trong phân xưởng.

Năm 1990, Công ty Điện lực Thanh Hóa mở rộng đầu tư lưới điện, cùng với sự quyết tâm bươn chải tìm kiếm và phát triển thị trường của bà Thục, sản phẩm cột bê tông chữ H và chữ K có điều kiện tiêu thụ tốt hơn. Bà Thục cho biết: Do đặc thù sản xuất cột bê tông phục vụ các công trình của ngành điện nên công trình đi tới đâu công nhân cũng phải đi theo tới đó. Theo công trình, điều kiện sản xuất, ăn ở, sinh hoạt gặp phải muôn vàn khó khăn. Có những lúc, bà Thục cùng chị em công nhân phải “nằm gai nếm mật”, cả ngày đội nắng, dầm mưa xách từng xô nước trộn xi măng rồi đêm xuống lại buông mình mệt nhoài ngủ lăn lóc dưới màn trời, chiếu đất mà lương vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Năm 1995, chuyển đổi mô hình sản xuất liên doanh, bà Thục đích thân đưa công nhân vào cùng Công ty Xây lắp điện 2 TP Hồ Chí Minh hợp tác sản xuất cột ly tâm. Năm 1999, xí nghiệp do “nữ thuyền trưởng” Lê Thị Thục “chèo lái” đã tiến hành cổ phần hóa, chính thức hoạt động với cái tên như hiện tại. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử hình thành và từng bước trưởng thành của Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa. Đây là đơn vị tiến hành cổ phần hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Khi ấy, giá trị sản lượng của công ty mới chỉ dừng lại ở con số 700 triệu đồng. Một năm sau cổ phần hóa, giá trị sản lượng tăng lên 3 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, giá trị sản lượng của Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa đều đặn tăng trưởng, đạt mức 40 tỷ năm 2005, tăng lên khoảng 100 tỷ vào năm 2018. Bà Thục trải lòng: “Vào những thời điểm công ty khó khăn nhất, anh chị em công nhân chỉ mơ ước làm sao duy trì được mức lương 500 nghìn đồng/tháng và có thể được về hưu”. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mức lương của công nhân làm việc tại Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa dao động bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Hằng năm, công ty đều tổ chức thi nâng bậc và nâng lương cho cán bộ, công nhân viên, đảm bảo hầu hết công nhân về hưu đều có thể nhận mức lương ở bậc 6.

Không chỉ hết mình với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bà Lê Thị Thục luôn năng động, sáng tạo, gương mẫu trong công tác xây dựng Đảng. Với cương vị là Thường vụ Đảng ủy Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa, Bí thư Chi bộ Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa, bà Thục thường xuyên quan tâm công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục đảng viên thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực triển khai chương trình hành động gắn với việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đặc biệt, bà Thục nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), gắn với Chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đối với công tác đoàn thể, bà Thục tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể hoạt động sôi nổi, tích cực tham gia hoạt động từ thiện xã hội, hỗ trợ người nghèo nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hằng năm, công ty dành 500 suất quà, mỗi suất bao gồm quà và tiền mặt với tổng giá trị khoảng 500 nghìn đồng/suất trao cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh với phương châm đến tận nơi, trao gửi tận tay. Đặc biệt, bà Thục nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân viên trong công ty, kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể yên tâm công tác.

Lắng nghe cái cách mà bà Lê Thị Thục nói về niềm đam mê, trăn trở với nghề khiến chúng tôi bỗng chốc quên đi độ tuổi thực của bà. Ở cái tuổi ấy, khi mọi thăng trầm, buồn – vui, sướng – khổ của đời người gần như đã trải đủ, bà có thể cho phép mình nhẹ nhàng đặt xuống những trăn trở, lo toan của công việc để an nhàn cùng con cháu. Tuy nhiên, đứng trước sự thôi thúc trong nhiệt huyết với nghề, trách nhiệm với người lao động, bà Thục có cách nhìn nhận của riêng mình. Bà thân tình chia sẻ: “Trong bất cứ công việc gì cũng vậy, một khi đã bắt tay vào làm là phải xác định làm vì đam mê, yêu mến, cống hiến hết mình. Quan trọng là phải có lương tâm, trách nhiệm và biết sắp xếp công việc sao cho khoa học, hợp lý, hiệu quả nhất. Tôi vui vì tôi đang tiếp tục được làm công việc đúng với niềm đam mê của mình. Đó là tất cả cuộc đời tôi”.

Đã hơn 10 năm kể từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu, bà Thục vẫn mải mê, gắn bó với công việc tại Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa. Nhìn bóng dáng người đàn bà tự tin, vững vàng giữa các phân xưởng sản xuất ngổn ngang chỉ toàn xi măng, sắt, thép khô cứng, mấy ai biết được rằng, thẳm sâu trong tâm hồn ấy vẫn luôn dồn nén, chất chứa những nỗi niềm rất riêng. Bản lĩnh ấy nếu không được rèn luyện, đắp đổi qua thực tiễn sống, lao động sản xuất và được soi chiếu trong hệ tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp Hồ Chí Minh thì dễ gì làm nên được.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]