(Baothanhhoa.vn) - Hôm nay là ngày người đàn ông vĩ đại nhất thế giới bóng đá bước sang tuổi 80. Dù đã giã từ sự nghiệp gần nửa thế kỷ, song tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của Edson Arantes do Nascimento - biệt danh Pele, vẫn luôn hấp dẫn giới mộ điệu trên hành tinh xanh.

Người đưa “Ginga” đi chinh phục thế giới

Hôm nay là ngày người đàn ông vĩ đại nhất thế giới bóng đá bước sang tuổi 80. Dù đã giã từ sự nghiệp gần nửa thế kỷ, song tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của Edson Arantes do Nascimento - biệt danh Pele, vẫn luôn hấp dẫn giới mộ điệu trên hành tinh xanh.

Người đưa “Ginga” đi chinh phục thế giới

Dù có dành cả ngày, thậm chí cả tuần thì cũng không đủ thời gian để đọc và xem hết những thước phim tư liệu về ông. Thôi thì chúng ta hãy dành ra 2 tiếng đồng hồ để nhấm nháp bộ phim kể về quãng thời gian từ thơ ấu đến thời niên thiếu của Pele và hành trình chinh phục World Cup 1958 của ông và đồng đội - phim Pele: Birth of a Legend - sự ra đời của một huyền thoại.

Là bộ phim tiểu sử về người được mệnh danh là “Vua bóng đá”, những tưởng chỉ cái tên thôi cũng đủ tạo nên sức hấp dẫn cho bộ phim, song tiếc là kể từ khi được khởi chiếu năm 2016 đến nay, bộ phim chỉ nhận được phản ứng tiêu cực của khán giả và chỉ trích của các nhà phê bình phim. Tổng hợp đánh giá trên trang Rotten Tomatoes dựa trên 29 tiêu chí, bộ phim chỉ đạt điểm trung bình là 5/10. Trên trang Metacritic, bộ phim có số điểm trung bình là 39/100. Các diễn viên trẻ đóng vai Pele thậm chí bị chê là “rất nhạt nhẽo và không hòa nhập”.

Song, trong 2 tiếng dõi theo “cốt chuyện vô cùng nhạt nhòa” về hành trình của một cậu bé nghèo ở khu ổ chuột, hạ quyết tâm giành chức vô địch World Cup để gột rửa thất bại được ví là “Hiroshima của người Brazil” - của đội tuyển quốc gia ở Chung kết World Cup 1950, chúng ta sẽ được biết thêm về “Ginga” - linh hồn của bóng đá Brazil”.

“Ginga” đã có sẵn trong huyết quản của Pele từ khi còn là một chú nhóc nghèo đói, còi cọc, hàng ngày quần thảo quả bóng cuộn bằng vải vụn và nilon với bạn bè trên những bãi đất trống mù bụi, tại vỉa hè và lòng đường của khu phố ổ chuột nhếch nhác. “Ginga” trong những lần cậu bé học theo cha mình tâng những quả xoài, cho đến khi cây xoài không còn quả nào nữa. “Ginga” được coi là tội đồ trong thất bại dẫn đến cơn sang chấn tâm lý của toàn dân tộc Brazil trên “Thánh đường” Maracana. “Ginga” là tác nhân đánh gục ý chí của chàng thanh niên Pele trước ngưỡng cửa của sự nghiệp.

Và rồi, chàng thanh niên 17 tuổi ấy, đã hồi sinh “Ginga”, và lấy đó làm năng lượng, làm đức tin và là vũ khí “quốc bảo” để bóng đá Brazil chinh phục thế giới. Chúng ta sẽ thấy chàng thanh niên ấy nhảy múa với quả bóng bằng tất cả tình yêu, đam mê và những kỹ năng di truyền trong huyết quản. Mỗi động tác khống chế bóng, qua người, ghi bàn đều đẹp như một tác phẩm nghệ thuật múa, hoặc một bài võ cổ truyền. Đó chính là tinh thần của “Ginga”, biểu hiện của “Ginga” và bản sắc của “Ginga” - đó là điều làm nên bóng đá Brazil chứ không phải thứ bóng đá nặng về chiến thuật, công thức và khô khan như một thế hệ HLV người Brazil đang cố bắt chước - kể từ sau thất bại của “Ginga” ở World Cup 1950.

“Ginga” giúp chàng trai 17 tuổi và đồng đội chinh phục ước mơ, lấy lại vị thế và lòng tự tôn dân tộc sau chức vô địch World Cup. Kể từ đó, “Ginga” trở lại là linh hồn bất diệt của bóng đá Brazil.

Vậy “Ginga” là gì? Chúng ta hãy đọc thêm cuốn sách “Ginga - linh hồn của bóng đá Brazil” của tác giả Fernando Marseille. Theo tác giả, từ “Ginga” xuất phát từ ngôn ngữ Kikongo vốn là tiền thân của ngôn ngữ Angola ngày nay. Vào thế kỷ thứ 16, người Bồ Đào Nha đã mang đến những nô lệ da đen khi xâm chiếm thuộc địa tại Brazil. Những người da đen chống đối đã sáng tạo nên môn võ Ginga. Môn võ này sử dụng nhiều các động tác lắc hông và chân với những bước di chuyển mạnh mẽ, uyển chuyển đầy mê hoặc trong nhịp trống Samba. Từ đó, Ginga và Samba đã ngấm vào huyết quản, trở thành một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Brazil. Nói như De Brito trong bộ phim - khi “khai sáng” cho chàng trai trẻ Pele về “Ginga”: “Nó nguyên thủy, nhưng nó có một lịch sử lâu dài và giàu có...”.

Ngày nay, chúng ta đã bao lần được chứng kiến những nghệ sĩ bóng đá Brazil trình diễn “Ginga” đầy mê hoặc trên sân cỏ. Đó là những cú “xe đạp chổng ngược” của Rivaldo, cú lắc hông chích bóng ảo diệu của Ronaldinho hay những pha vờn bóng của Neyma, trước đó nữa là tuyệt phẩm “Lá vàng rơi” của Zico, những động tác giả ma thuật của Garrincha...

Hiểu một cách đơn giản, “Ginga” là cách mà những nghệ sĩ bóng đá Brazil truyền bá thứ bóng đá vị nghệ thuật riêng và duy nhất. Hãy cùng chờ đợi và hy vọng những truyền nhân tiếp theo kể từ khi “Ginga” được phục sinh bởi người đàn ông vĩ đại, Pele.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]