(Baothanhhoa.vn) - Bên cạnh những chỉ số “đẹp” lần lượt được công bố, Thanh Hóa khá “hụt hẫng” khi Chỉ số PCI năm 2022 tiếp tục giảm sâu, tụt xuống vị trí thứ 47/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm trung bình của cả nước. Đây là thách thức rất lớn đối với Thanh Hóa trong hành trình chinh phục mục tiêu nằm trong top 10 của cả nước về Chỉ số PCI vào năm 2025.

Thanh Hóa: Xác lập kỷ lục mới trên bảng xếp hạng cải cách hành chính (Bài 2): Chỉ số PCI - Nhìn lại để điều hành tốt hơn

Bên cạnh những chỉ số “đẹp” lần lượt được công bố, Thanh Hóa khá “hụt hẫng” khi Chỉ số PCI năm 2022 tiếp tục giảm sâu, tụt xuống vị trí thứ 47/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm trung bình của cả nước. Đây là thách thức rất lớn đối với Thanh Hóa trong hành trình chinh phục mục tiêu nằm trong top 10 của cả nước về Chỉ số PCI vào năm 2025.

Thanh Hóa: Xác lập kỷ lục mới trên bảng xếp hạng cải cách hành chính (Bài 2): Chỉ số PCI - Nhìn lại để điều hành tốt hơnCông chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn công dân tra cứu thủ tục hành chính. Ảnh: Phong Sắc

3 năm liên tiếp tụt hạng

Ngày 11-4-2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Giữa nhiều con số được công bố, Thanh Hóa một lần nữa “thất vọng” khi Chỉ số PCI đạt 63,67 điểm, xếp vị trí thứ 47 trong cả nước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Thanh Hóa tụt hạng ở chỉ số này, từ vị trí thứ 24 (năm 2019) xuống vị trí thứ 47 (năm 2022) chỉ với 63,67 điểm. Điều đáng buồn là trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số PCI, có đến 7 chỉ số Thanh Hóa bị giảm điểm so với năm 2021, đó là: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, 3 chỉ số có mức giảm mạnh nhất là: gia nhập thị trường từ 7,21 xuống 6,54 điểm; tiếp cận đất đai từ 7,18 xuống 6,47 điểm và chi phí thời gian với mức giảm từ 7,49 xuống 6,78 điểm. Sự tụt hạng liên tiếp và giảm điểm nhiều chỉ số thành phần đã mang lại sự “hụt hẫng” cho không ít người, đồng thời đặt ra những câu hỏi gây áp lực cho nhà lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực liên quan.

Nhìn lại giai đoạn 2013 – 2015, Chỉ số PCI của Thanh Hóa đã từng nằm trong nhóm tốt của cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Điển hình như năm 2013 đứng thứ 8 cả nước, năm 2014 đứng thứ 12 và năm 2015 vươn lên thứ 10 cả nước. Thế nhưng, Thanh Hóa lại không duy trì và giữ vững được vị trí này trên bảng xếp hạng khi rời khỏi top 10 và tụt xuống thứ 31 vào năm 2016 (giảm 21 bậc so với năm 2015). Một số chỉ số thành phần có tăng điểm nhưng chưa được như kỳ vọng, có 8/10 chỉ số có điểm số và thứ bậc giảm so với năm 2015, trong đó có một số chỉ số thành phần quan trọng đứng thứ hạng thấp so với cả nước, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, như: tiếp cận đất đai đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố cả nước; chi phí không chính thức đứng thứ 54/63; gia nhập thị trường đứng thứ 56/63; chi phí thời gian đứng thứ 61/63; cạnh tranh bình đẳng đứng thứ 63/63 cả nước. Sớm nhận diện những điểm yếu này và quyết tâm chinh phục mục tiêu mới cao hơn, ngày 17-12-2017, UBND tỉnh đã ban hành “Chương trình hành động nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 – 2020” với mục tiêu rất rõ ràng: “Phấn đấu cải thiện điểm số, vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa nằm trong top 10 cả nước và đứng thứ 6 vào năm 2020, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2017 – 2020”.

Từ chương trình hành động, từng chỉ số cụ thể đã được giao cho các cấp, các ngành liên quan theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình”. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện của ngành, địa phương mình và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm, bố trí đủ nguồn nhân lực và các điều kiện đảm bảo hoàn thành những công việc được giao chủ trì thực hiện. Định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh, đảm bảo chương trình được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Thế nhưng, kết quả mang lại chưa được như “kỳ vọng” khi cả giai đoạn 2017 - 2020, vị trí xếp hạng của Thanh Hóa cải thiện không đáng kể, duy trì ở vị trí thứ 24 đến 28/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Điều này cũng đồng nghĩa mục tiêu đứng thứ 6 vào năm 2020 không đạt được. Đáng buồn hơn khi năm 2021, PCI Thanh Hóa tiếp tục giảm tới 15 bậc, xếp thứ 43 toàn quốc, thuộc nhóm trung bình của cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần, có tới 6 chỉ số giảm điểm so với năm 2020: thiết chế pháp lý (giảm 1,43 điểm), đào tạo lao động (giảm 1,4 điểm), gia nhập thị trường (giảm 0,96 điểm), cạnh tranh bình đẳng (giảm 0,25 điểm), chi phí không chính thức (giảm 0,17 điểm) và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 0,05 điểm).

Trước thực trạng đáng “quan ngại” này, tháng 1-2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 5552/QĐ-UBND về thành lập ban chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh trên cơ sở hợp nhất ban chỉ đạo cải thiện chỉ số cải cách hành chính và ban chỉ đạo cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh với 50 thành viên. Đây được xem là “giải pháp mạnh” và cũng cho thấy sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Thế nhưng, sau 1 năm ban chỉ đạo ra đời và đi vào hoạt động, Chỉ số PCI của Thanh Hóa vẫn không được cải thiện, thậm chí lại “tụt dốc” khi năm 2022 xếp thứ 47 cả nước. Đây là thứ hạng thấp nhất của Thanh Hóa kể từ năm 2007 đến nay.

“Bắt mạch” nguyên nhân

PCI năm 2022 tập hợp tiếng nói của 12.000 doanh nghiệp cả trong nước về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố. Như vậy, bình quân mỗi tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp được khảo sát, đánh giá. Thanh Hóa là tỉnh có số doanh nghiệp đang hoạt động rất lớn với khoảng 20.000 doanh nghiệp, do đó kết quả này có thể chưa phản ánh đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa: Xác lập kỷ lục mới trên bảng xếp hạng cải cách hành chính (Bài 2): Chỉ số PCI - Nhìn lại để điều hành tốt hơnCông chức bộ phận "Một cửa" xã Đông Minh (Đông Sơn) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với doanh nghiệp vẫn diễn ra ở một số sở, ngành, địa phương. Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: “Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm và có nhiều đường hướng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, nhưng thực tế cho thấy “trên chỉ đạo một đường, dưới thực thi một nẻo”, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” và việc “làm khó” doanh nghiệp vẫn diễn ra ở cấp cơ sở. Không chỉ có thế, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến quá trình vận hành của doanh nghiệp còn quá nhiều hạn chế, vướng mắc, nhất là những thủ tục liên quan trước đầu tư, sau đầu tư, thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp... Đặc biệt, tình trạng “bôi trơn” khi giải quyết TTHC liên quan đến doanh nghiệp vẫn diễn ra. Điều này gây tâm lý “không thoải mái” cho doanh nghiệp, dẫn đến khi được phỏng vấn, doanh nghiệp sẽ đưa ra những nhận định, đánh giá chưa tốt đối với công tác quản lý của ngành chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho Chỉ số PCI của Thanh Hóa tụt hạng sâu trên bảng xếp hạng”. Cùng chung nhận định này, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tiên Sơn Thanh Hóa, nhấn mạnh: “Tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC chưa cao. Tình trạng “nhũng nhiễu”, đặc biệt là vấn đề “lót tay” trong giải quyết TTHC, nhất là TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai chưa được xử lý dứt điểm”.

Theo kết quả công bố, tiêu chí thành phần về tiếp cận đất đai của Thanh Hóa đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Từ vị trí này để thấy rằng, thủ tục về đất đai còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Theo báo cáo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện TTHC lĩnh vực đất đai là khâu cuối cùng trong các thủ tục khác như đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng. Vậy nên, nhiều nhà đầu tư rất khó khăn khi hoàn thiện hồ sơ để được thuê đất, giao đất theo tiến độ đã được chấp thuận. Ngoài lý do này, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: Cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực này còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến một số hồ sơ giải quyết chậm hoặc phải trả lại để bổ sung hoàn chỉnh theo đúng quy định. Chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Việc kiểm soát TTHC, kiểm tra, giám sát trong thực hiện TTHC về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn hạn chế, để người dân phản ánh, kiến nghị, tạo dư luận không tốt; cán bộ, viên chức phải xem xét và xử lý kỷ luật. Đơn cử như, trong năm 2021, Văn phòng Đăng ký đất đai đã xử lý kỷ luật 3 viên chức, trong đó 1 người bị kỷ luật cảnh cáo, 2 người kỷ luật khiển trách; phê bình, nhắc nhở và yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối với 17 tập thể, 18 lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc và 46 viên chức, hợp đồng lao động trong hệ thống.

Nói về những tồn tại, hạn chế trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và phát động phong trào thi đua năm 2023, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: “Kỷ luật, kỷ cương ở một số nơi chưa nghiêm, năng lực công tác, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, để xảy ra sai sót trong quá trình tham mưu giải quyết công việc; cá biệt còn có trường hợp vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; một vài cán bộ có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm khi thực thi công vụ dẫn đến không dám làm việc...”.

Trong Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 cũng đã đề cập nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập đang tạo ra lực cản đối với sự phát triển của tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là do cán bộ lãnh đạo, quản lý một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương năng lực hạn chế, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, thiếu linh hoạt, nhiệt huyết, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Trong phối hợp giải quyết công việc giữa các ngành cấp tỉnh, giữa các ngành cấp tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố còn tình trạng đùn đẩy, nhất là trong giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một số thể chế thuộc thẩm quyền của tỉnh chậm sửa đổi; một số quy hoạch, kế hoạch chậm được phê duyệt, ảnh hưởng đến triển khai thực hiện nhiệm vụ trên một số lĩnh vực.

Gần đây nhất, Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 30-5-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ rõ: Nhiều công việc, nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, nhưng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chậm tiến độ, chưa chủ động, thiếu quyết liệt, chất lượng tham mưu chưa đảm bảo theo yêu cầu. Người đứng đầu một số ngành, địa phương chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm, quyền hạn được giao. Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất, xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan, trả lời, hướng dẫn chung chung, không rõ quan điểm, không đúng vấn đề cần được giải quyết; một số cơ quan chủ trì tham mưu, đề xuất chỉ mang tính đối phó, không rõ nội dung, lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình...

Những “điểm nghẽn” chưa được khơi thông, nhiều “nút thắt” trong thực thi công vụ chưa được cởi bỏ là nguyên nhân khiến Chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa 3 năm liên tục đều ở mức thấp trên bảng xếp hạng của cả nước. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đã từng nhấn mạnh: “Nếu lãnh đạo tỉnh có quyết tâm lớn đến mấy mà bộ phận cán bộ tham mưu, giúp việc chưa chịu thay đổi, vẫn sách nhiễu, quan liêu, thiếu năng lực, thì không thể hiện thực hóa được quyết tâm của lãnh đạo cấp trên”. Việc khơi thông “điểm nghẽn” phải bắt đầu từ yếu tố con người, do đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, hết lòng phục vụ, vì sự phát triển chung của tỉnh. Chỉ khi “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mới xây dựng được môi trường thật sự thuận lợi cho phát triển và Chỉ số PCI của Thanh Hóa mới được nâng cao.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Bài cuối: Vươn tới đích cao hơn.

Tin liên quan:
  • Thanh Hóa: Xác lập kỷ lục mới trên bảng xếp hạng cải cách hành chính (Bài 2): Chỉ số PCI - Nhìn lại để điều hành tốt hơn
    Thanh Hóa: Xác lập kỷ lục mới trên bảng xếp hạng cải cách hành chính (Bài 1): ...

    Nếu như năm 2021, Thanh Hóa đã ghi dấu ấn vô cùng đậm nét trên bảng xếp hạng PAPI thì năm 2022, Thanh Hóa còn bứt phá “ngoạn mục” hơn nữa khi xuất sắc vượt qua nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và “về đích” ở vị trí thứ 3 Chỉ số PAPI, thứ 5 Chỉ số SIPAS và thứ 10 Chỉ số PAR INDEX. Hơn 10 năm chính thức tham gia các bộ chỉ số, đây là năm đầu tiên Thanh Hóa xác lập cùng lúc nhiều kỷ lục ấn tượng, trở thành “nhân tố mới” trên bảng xếp hạng của cả nước.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]