Phát huy “tinh thần Điện Biên Phủ” để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khảm vào cuốn biên sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam một “cột mốc bằng vàng”. Chiến công huyền thoại trong thời đại Hồ Chí Minh đã thấm vào mạch nguồn truyền thống yêu nước, quật cường để trở thành di sản quý giá; đã nhập vào bản sắc và tâm hồn dân tộc để trở thành điểm tựa tinh thần cho hôm nay và mai sau.
Phát huy “tinh thần Điện Biên Phủ” - tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường - để xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp.
70 năm trước, để hun cho chảo lửa Điện Biên Phủ cháy hừng hừng, biến cả vùng lòng chảo ấy trở thành địa ngục, thành mồ chôn dã tâm của kẻ thù, một cuộc tổng động viên chi viện cho tiền tuyến lớn đã diễn ra. Đây là cuộc động viên lớn và quan trọng đến nỗi, “suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chưa bao giờ sức mạnh hậu phương chiến tranh Nhân dân lại được phát huy cao độ và sử dụng một cách có hiệu quả như thời kỳ này”. Đặc biệt, việc huy động một khối lượng lớn sức người, sức của ở cả vùng tạm bị địch chiếm và vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Việt Bắc, Tây Bắc đã trở thành điểm mấu chốt, góp phần quyết định cục diện trận chiến.
Thanh Hóa là một trong những hậu phương lớn của chiến trường Điện Biên Phủ ngày ấy. Đóng góp của Thanh Hóa cho mặt trận đã được tổng kết thành những con số, mà ngày nay mỗi khi nhắc lại, mỗi người dân Thanh Hóa đều không khỏi tự hào về lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng hy sinh cho đại cuộc của cha ông ta. Và đặc biệt, sự đóng góp của Thanh Hóa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu nhấn mạnh khi Người về thăm Thanh Hóa năm 1957: “Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp Nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến. Tôi chỉ nói vài điểm, ví dụ: dân công đã ra sức rất nhiều, trong một chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ “tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong kháng chiến, ngoài việc ủng hộ kháng chiến có những vùng du kích rất oanh liệt như Phú Lệ, Hải Thanh, chứng tỏ đồng bào ta lương giáo cực kỳ đoàn kết, vì thế ta đã thắng lợi. Cũng cần phải nhắc trong kháng chiến tất cả mọi người, bằng cách này cách khác, đều tham gia kháng chiến. Các cụ phụ lão đôn đốc khuyến khích con cháu tham gia kháng chiến. Thanh niên tham gia bộ đội, có các đồng chí anh hùng như đồng chí Lò Văn Bường, Phạm Minh Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai. Đó là những người con rất ưu tú, chẳng những làm vẻ vang cho tỉnh nhà, mà còn làm vẻ vang cho cả nước ta”.
Tròn 70 năm kể từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khiến nhân loại kinh ngạc và thán phục, Việt Nam đã tiến một bước dài trên hành trình dựng xây cơ đồ quốc gia ngày càng thịnh vượng, cũng như nâng cao uy tín, vị thế dân tộc trên trường quốc tế. Trên hành trình gian khổ nhưng rất đỗi vinh quang ấy, Thanh Hóa đã và đang có những đóng góp ngày càng xứng đáng vào sự nghiệp dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay.
Vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách trong mấy mươi năm đổi mới, nhất là tình trạng đói nghèo, lạc hậu, Thanh Hóa ngày nay đang vươn lên mạnh mẽ để trở thành một điểm sáng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Tiền đề cho sự vươn dậy này, trước hết và quan trọng hơn cả chính là Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã và đang kế thừa và phát huy “tinh thần Điện Biên Phủ” của thế hệ cha anh, quyết tâm khơi dậy, nhân lên sức mạnh nội sinh của tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng xây dựng và phát triển Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Một bức tranh kinh tế - xã hội với những gam màu sáng, thể hiện qua những con số ấn tượng. Nổi bật trong đó phải kể đến, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,69% (đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước). Riêng năm 2023, kinh tế tăng trưởng khá, ước đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Thu ngân sách Nhà nước vượt 14,1% so với dự toán, đứng thứ 8 trong các tỉnh, thành phố có tổng số thu ngân sách Nhà nước cao nhất cả nước.
Trên bức tranh chung ấy, nhiều điểm sáng nổi lên và trở thành lực đẩy tăng trưởng quan trọng. Ví như, công nghiệp đang trở thành ngành trụ cột, với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn. Xác định “lấy nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng”, Thanh Hóa đã tập trung XDNTM trở thành một “cuộc cách mạng” từng bước làm thay đổi về chất diện mạo nông thôn và đời sống người nông dân. Du lịch đang tiệm cận dần đến mục tiêu và vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xác định là “xương sống” của nền kinh tế để không ngừng được đầu tư hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng giao thông; đồng thời, hình thành một số cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng Hàng không Thọ Xuân... Công tác quy hoạch và phát triển đô thị được đặc biệt quan tâm, nổi bật với 2 quy hoạch quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tạo tiền đề cho phát triển, gồm Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040... Cùng với tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có bước chuyển tích cực, nhất là giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao, an sinh xã hội, đời sống Nhân dân...
Trên cơ sở truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng; cùng tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định: “Xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, là trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, nhằm hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh Thanh Hóa”. Chính sự quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước ta gửi gắm cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, vừa là niềm tự hào to lớn, vừa là trách nhiệm cao cả. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, từng cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Thanh Hóa - với tinh thần “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” - càng phải ra sức thi đua yêu nước, bằng tinh thần “vượt thắng” để vượt lên khó khăn, nghịch cảnh, nhằm sớm đưa Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới.
...
Nhìn vào quá khứ lịch sử của 70 năm trước để thấy rằng, chính khát vọng độc lập cháy bỏng và ý chí tự lực, tự cường không nao núng, đã trở thành cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vùng lên chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đó cũng là tinh thần được Thủ tướng Phạm Minh Chính hơn một lần nhấn mạnh khi về thăm và làm việc tại Thanh Hóa, rằng “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”. “Sức mạnh lòng dân” - sức mạnh kỳ diệu làm nên chiến thắng, làm nên thành công. Do đó, chỉ khi tinh thần yêu nước, ý chí tự cường được hun đúc, trở thành ý chí và kim chỉ nam hành động trong mỗi người dân xứ Thanh; thì khi ấy mới tạo thành sức mạnh nội sinh vững chắc để Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.
Bài và ảnh: Lê Dung
- 2024-06-28 13:15:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng
- 2024-05-23 05:56:00
Hôm nay, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện ngân sách và phát triển kinh tế
- 2024-04-13 06:46:00
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 13/4/1954, ta cho kẻ thù nếm những đòn cay đắng nhất
Lan tỏa khí phách Điện Biên Phủ hào hùng trong công cuộc bảo vệ và dựng xây Tổ quốc
Hầm Đờ-cát, nơi lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” tung bay
Chiến thắng Điện Biên Phủ và những bài học vô giá cho hôm nay
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 12/4/1954, quân ta bắn rơi chiếc máy bay thứ 50 của địch
Huyền thoại đồi A1
Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ: Chứng nhân lịch sử
Dấu ấn chiến dịch Điện Biên Phủ qua những hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”
Mường Phăng huyền thoại...