(Baothanhhoa.vn) - Việc thắt dây an toàn đối với người điều khiển lẫn người ngồi trên xe ô tô không chỉ là quy định bắt buộc của pháp luật mà còn là biện pháp hữu hiệu để phòng, tránh tai nạn, giảm nhẹ thiệt hại nếu có sự cố xảy ra trong quá trình tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều người điều khiển lẫn người ngồi trên xe không thắt dây an toàn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thắt dây an toàn vì tính mạng của chính bạn

Việc thắt dây an toàn đối với người điều khiển lẫn người ngồi trên xe ô tô không chỉ là quy định bắt buộc của pháp luật mà còn là biện pháp hữu hiệu để phòng, tránh tai nạn, giảm nhẹ thiệt hại nếu có sự cố xảy ra trong quá trình tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều người điều khiển lẫn người ngồi trên xe không thắt dây an toàn...

Thắt dây an toàn vì tính mạng của chính bạn

Người điều khiển ô tô thắt dây an toàn khi tham gia giao thông.

Dây an toàn là một trong những hệ thống an toàn đầu tiên được trang bị trên xe ô tô và có giá trị to lớn trong việc bảo vệ tính mạng con người. Kể từ khi ra đời, chiếc dây an toàn là bộ phận quan trọng giảm thiểu số người tử vong trong các vụ tai nạn giao thông. Theo sau là một loạt các trang bị an toàn khác như cột lái tự đổ, nóc xe chịu lực, thanh chống lật và quan trọng nhất chính là túi khí. Không có dây an toàn, những công nghệ an toàn tiên tiến khác cũng mất đi rất nhiều giá trị nếu chẳng may tai nạn xảy ra dù bạn đang sở hữu những chiếc xe giá trị lớn như sedan hay SUV... Thế nhưng, nhiều người vẫn có thói quen không chịu thắt dây an toàn khi lái xe hay ngồi trên xe, dẫn đến những thương tích nghiêm trọng hay nặng hơn thì tử vong. Ví như trường hợp của gia đình chị Trịnh H. (Thanh Hóa) là một điển hình.

Vào một ngày tháng 2 âm lịch, chị Trịnh H. nhận cuộc gọi từ số của chồng, nhưng đầu dây bên kia là y tá của Bệnh viện Tam Điệp (Ninh Bình) thông báo chồng chị bị tai nạn ô tô, đang hôn mê sâu. Chồng chị là anh Phạm Ph. gặp tai nạn tại Dốc Xây, con dốc khuất tầm nhìn vốn được coi là ranh giới tử thần giữa Ninh Bình và Thanh Hóa. Anh Ph. làm nghề quản lý xe ra vào bến, kiểm soát khách lên xuống cho một nhà xe địa phương chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội. Như mọi ngày, cứ khoảng 20 giờ 30 phút xe từ Hà Nội về tới Dốc Xây. Hôm đó anh Ph. ngồi ở ghế phụ, chân gác lên táp-lô nằm ngủ. Trời mưa, đường trơn, tài xế mất kiểm soát, chiếc xe 24 chỗ đâm thẳng vào đuôi xe rơ-moóc, tất cả tối xầm. Ghế của anh Ph cũng như những ghế khác bị tháo hết dây an toàn (hình ảnh quen thuộc về xe khách tại Việt Nam). Mất 6 tháng đi đủ các bệnh viện, anh Ph. mới giữ được mạng sống, nhưng vẫn cứ lúc nhớ, lúc quên. Còn căn nhà mặt đường khang trang, chị H. phải bán vội mới có tiền chữa trị cho anh Ph.

Việc thắt dây an toàn trên xe ô tô nhằm bảo đảm an toàn cho người trên xe tránh bị va đập, hạn chế được mức độ rủi ro trong những trường hợp xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các cơ quan chức năng khuyến cáo đối với trẻ nhỏ, thắt dây an toàn khi tham gia giao thông bằng ô tô cùng bố mẹ là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tử vong và thương tích nghiêm trọng, trong trường hợp không may xảy ra tai nạn. Người ngồi trên xe không thắt dây an toàn có nguy cơ bật khỏi xe cao gấp 30 lần trong khi va chạm. Trong khi đó, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, thắt dây an toàn khi ngồi ở ghế trước giảm được 45-50% nguy cơ tử vong và từ 20-45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng; giảm được từ 25-75% nguy cơ tử vong và bị thương ở vị trí ghế sau, khi tai nạn giao thông xảy ra. Ví như một số trường hợp sau đây điều khiển ô tô thắt dây an toàn may mắn chỉ bị thương nhẹ là những điển hình. Trường hợp của anh Lê X.L. (Triệu Sơn), đang lái xe trên đường giao thông nông thôn, mặt đường trơn ướt, ô tô bỗng trượt bánh, xoay tròn 2 vòng rồi văng xuống ruộng sau khi đâm vào cây bên đường. Xe của anh L. hư hỏng nặng nhưng nhờ dây an toàn, anh L. ra khỏi xe chỉ với một số trầy sớt nhẹ. Trường hợp khác, anh Lê Văn H. (Thiệu Hóa) đang trở về nhà sau khi đến chơi nhà một người thân thì ô tô của anh lộn vòng ở một góc cua rồi đâm vào cây cột điện. Anh H. bị gãy tay nhưng may mắn sống sót nhờ thắt dây an toàn.

Thực tế, thắt dây an toàn hay lái xe thế nào để an toàn đều là một phần trong giáo trình dạy lái xe. Luật Giao thông đường bộ cũng quy định bắt buộc mọi vị trí trên xe đều phải thắt dây an toàn nếu có trang bị. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt từ 1-1-2018 đối với người điều khiển và người ngồi tại bất kỳ vị trí nào trên xe không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy. Tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định như sau: “Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy; Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy”. Việc áp dụng bắt buộc thắt dây an toàn đối với mọi vị trí là biện pháp để tác động tới ý thức, hành vi của những người đi xe ô tô, dần dần hình thành thói quen thắt dây an toàn khi lên xe ô tô cho tất cả mọi người.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ ngày 17-3-2019, TP Hồ Chí Minh đã chính thức xử phạt với mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng/trường hợp ngồi trên ô tô không thắt dây an toàn. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng kiểm tra tất cả các loại xe khách giường nằm mà trên xe có vị trí gắn dây đai an toàn. Tại Thanh Hóa, mặc dù cơ quan chức năng chưa xây dựng kế hoạch hay triển khai các chuyên đề, cao điểm về xử phạt đối với trường hợp ngồi trên ô tô không thắt dây an toàn, nhưng trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình công tác, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với người điều khiển và người ngồi trên xe không thắt dây an toàn. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, nhắc nhở vẫn là ưu tiên hàng đầu được thực hiện thường xuyên nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Thiết nghĩ, việc xử phạt chỉ là biện pháp để răn đe, chấn chỉnh các hành vi vi phạm. Điều chính yếu vẫn là ở mỗi người dân khi tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô cần chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và ý thức tự bảo vệ chính mình như thông điệp “Luôn thắt dây an toàn vì tính mạng của chính bạn”.

Bài và ảnh: Lê Phượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]