(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, cố ý gây thương tích, cố ý làm hư hỏng tài sản, gây rối trật tự công cộng... là những hành vi xảy ra khá nhiều trong đời sống. Rất nhiều vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề, thậm chí là án mạng, tù tội và những nỗi đau...

Mâu thuẫn nhỏ - hậu quả lớn

Hiện nay, cố ý gây thương tích, cố ý làm hư hỏng tài sản, gây rối trật tự công cộng... là những hành vi xảy ra khá nhiều trong đời sống. Rất nhiều vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề, thậm chí là án mạng, tù tội và những nỗi đau...

Mâu thuẫn nhỏ - hậu quả lớnCông an huyện Hoằng Hóa tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh các trường THPT trên địa bàn.

Giận quá mất khôn

Câu chuyện xích mích giữa những học sinh khối 10 của một trường THPT trên địa bàn thành phố dẫn đến vụ việc đánh nhau, gây chết người tại Công viên Hội An xảy ra hồi tháng 12-2019 vẫn là vụ việc đau xót mỗi khi được nhắc đến. Cả bị hại và các bị cáo trong vụ án đều là những thanh niên còn rất trẻ. Vì “lời qua, tiếng lại” trên mạng xã hội dẫn đến mâu thuẫn rồi thách thức hẹn gặp nhau để giải quyết. Trong lúc hai bên xảy ra xô xát, đánh nhau, án mạng đã xảy ra... Hậu quả nặng nề để lại là một học sinh đã thiệt mạng khi mới 15 tuổi; 2 thanh niên khác là Ngô Sĩ Hoàng H. và Ngô Minh T. phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc là 12 năm và 6 năm tù cùng về tội “Giết người”.

Không chỉ có vụ việc nêu trên, thời gian qua tại nhiều địa phương trong tỉnh, tình trạng các vụ ẩu đả xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống vẫn thường xảy ra. Đơn cử, trưa ngày 17-6-2022, do có mâu thuẫn về tiền cước gửi đồ với anh B., là phụ xe ô tô khách của một doanh nghiệp vận tải tại thị xã Nghi Sơn, Nghiêm Văn P. (sinh năm 1994) đến nơi xe ô tô khách đậu để tìm gặp anh B. nói chuyện. Tại đây, P. thấy anh B. và người lái xe ô tô khách đang ở trên xe, P. lao lên xe đấm vào mặt anh B. Thấy vậy, người lái xe khách chạy lại kéo P. xuống và đóng cửa xe lại nhằm can ngăn hai bên. P. nhặt cục đá cầm trên tay thì chị gái của P. chạy đến can ngăn. P. bỏ đá xuống, đi lại xe lấy mô tô để về nhưng lại nghe anh B. có lời nói thách thức nên P. quay lại vị trí anh B. đang đứng ở bậc cửa lên xuống xe ô tô dùng tay vỗ vào cửa xe yêu cầu mở cửa nhưng không được. Vì quá tức giận, P. đi về phía trước đầu xe ô tô rồi dùng tay đấm vào kính chắn gió phía trước đầu xe ô tô làm kính bị nứt vỡ... Hành vi dùng tay đấm làm nứt vỡ kính chắn gió phía trước xe ô tô khách, gây thiệt hại về tài sản là 9.720.000 đồng. P. bị xử phạt 9 tháng tù treo vì phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe người khác.

Vụ việc gây rối, ẩu đả xảy ra vào cuối năm 2021 tại huyện Quảng Xương đã gây bức xúc trong dư luận địa phương. Phạm Khoa T. (sinh năm 2003) xảy ra mâu thuẫn chửi bới nhau trên mạng xã hội facebook với Đỗ Văn M. (sinh năm 2002) và Lê Ngọc P. (sinh năm 2004). Vài ngày sau, hai bên hẹn gặp nhau để nói chuyện, giải quyết mâu thuẫn. Và thế là câu chuyện giải quyết mâu thuẫn của T. và nhóm thanh niên trẻ đã dẫn đến hành vi sử dụng dao, gạch đá, thanh sắt để lùa đuổi đánh, chém M. và các bạn của M. trên trục đường liên xã, làm họ phải bỏ chạy tán loạn để trốn. Rất may, vụ việc không để lại hậu quả đáng tiếc về người, song đã ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các quán ăn dọc hai bên đường, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Các bị cáo liên quan trong vụ án đã phải nhận hình phạt thích đáng của pháp luật khi bị xử phạt từ 16 đến 25 tháng tù treo vì tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Trong mặt trái của cuộc sống phức tạp, nguyên nhân dẫn đến phạm tội có muôn hình vạn trạng, trong đó có nhiều vụ án xuất phát từ những mâu thuẫn bộc phát, tức thời trong quan hệ ứng xử hằng ngày, trong đó có nhiều mâu thuẫn nảy sinh trên mạng xã hội.

Luật sư Lê Thị Phượng, Giám đốc Công ty Luật Lê Phượng Hoàng, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: Mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến là kênh liên lạc hữu ích của người dân, song đây cũng là phương tiện để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, đăng tin sai sự thật, buôn bán hàng giả... Đồng thời, mạng xã hội cũng chứa đựng rất nhiều nội dung thông tin, hình ảnh, hành vi không lành mạnh, nơi có những người chưa từng tiếp xúc ngoài đời thật nhưng lại dễ dàng xúc phạm, “bắt nạt” người khác, kích động bạo lực... Trong khi đó không phải người dùng mạng xã hội nào cũng đủ tỉnh táo, kỹ năng và kinh nghiệm để ứng phó với mặt tiêu cực này. Những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên “xã hội ảo” lại dẫn đến hậu quả vi phạm pháp luật ngoài cuộc sống, bởi từ những mâu thuẫn, thách đố trên mạng xã hội, các đối tượng hẹn nhau gặp mặt giải quyết mâu thuẫn. Cách giải quyết của một bộ phận người trẻ còn hiếu thắng, dễ bị kích động, dễ dẫn tới hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người... Những vụ án xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ thường diễn ra nhanh, trong thời gian ngắn nhưng để lại hậu quả rất nặng nề cho bị hại, gia đình, người thân và chính bản thân người phạm tội. Vì vậy, mỗi cá nhân, nhất là thanh, thiếu niên cần phải được giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống, kiềm chế cảm xúc, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân.

Cùng trao đổi về vấn đề này, trợ giúp viên pháp lý Lê Khắc Hải - Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa - người thường xuyên tham gia bào chữa cho các bị cáo là người chưa thành niên trong các vụ án hình sự, nhận định: “Các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội là không thể tránh khỏi. Bên cạnh những mâu thuẫn gay gắt, kéo dài cũng có những mâu thuẫn phát sinh tức thời trong cuộc sống xuất phát từ các hoạt động đời thường. Mâu thuẫn mang tính bộc phát thường dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát và không lường trước hậu quả xảy ra. Đặc điểm chung của những đối tượng trong các vụ án này đều có nhận thức xã hội, hiểu biết pháp luật còn hạn chế và chưa đầy đủ, chưa ý thức hết được tính nguy hiểm cho xã hội từ hành vi cũng như chưa lường trước hết được hậu quả pháp lý mà các đối tượng phải đối diện từ hành vi phạm tội của mình. Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức, đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Đây là giai đoạn phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý còn có nhiều bất ổn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí nên dễ dẫn đến hành vi phạm tội...”.

“Để hạn chế, giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc từ những mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong cuộc sống trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trình độ hiểu biết và nhận thức pháp luật cho mỗi người dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên. Khi trình độ hiểu biết pháp luật, nhận thức xã hội, kỹ năng ứng xử của người dân được nâng lên thì các mâu thuẫn phát sinh sẽ được giải quyết theo chiều hướng tích cực hơn. Mỗi người khi đã lường trước được hậu quả mà hành vi của mình gây ra thì chắc chắn sẽ có hành động đúng đắn”, trợ giúp viên pháp lý Lê Khắc Hải nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]