(Baothanhhoa.vn) - Phát triển văn hóa - xã hội hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; trong đó, lấy việc bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm. Đây vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội.

Nửa nhiệm kỳ tạo dựng diện mạo kinh tế - xã hội với nhiều dấu ấn đậm nét (Bài cuối): Hài hòa kinh tế và văn hóa - xã hội: Tiền đề cho phát triển bền vững

Phát triển văn hóa - xã hội hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; trong đó, lấy việc bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm. Đây vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội.

Nửa nhiệm kỳ tạo dựng diện mạo kinh tế - xã hội với nhiều dấu ấn đậm nét (Bài cuối): Hài hòa kinh tế và văn hóa - xã hội: Tiền đề cho phát triển bền vữngLễ hội Lam Kinh 2023. Ảnh: khôi nguyên

Trung tâm lớn về văn hóa, thể thao

Là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, đồng thời là một trong những tỉnh luôn nằm trong top đầu cả nước về thành tích thể thao. Đây cũng chính là cơ sở để Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: “Đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể thao, tạo nền tảng để Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa, thể thao của khu vực và cả nước”.

Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã xác định, nâng cao chất lượng văn hóa là một trong những chương trình trọng tâm cần được ưu tiên đầu tư phát triển. Trong đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trọng tâm là xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng thôn, làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Đặc biệt, chú trọng xây dựng và triển khai Đề án “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH và hội nhập quốc tế”. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa, hình ảnh đẹp của vùng đất và con người Thanh Hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Từng bước đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa, nhất là các thiết chế văn hóa lớn, như Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống, Công viên văn hóa xứ Thanh. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, các tiêu chí xây dựng gia đình, làng, bản, khu phố, đơn vị, cơ quan văn hóa cho phù hợp với tình hình mới. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng văn hóa công sở; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về đạo đức xã hội. Đẩy mạnh xây dựng tập thể, cá nhân kiểu mẫu; phấn đấu tỷ lệ xã, phường, thị trấn, cơ quan đạt tiêu chí kiểu mẫu năm 2025 đạt 20%. Khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Thanh Hóa hướng vào truyền thống lịch sử và các giá trị văn hóa tốt đẹp...

Đối với thể thao, tập trung xây dựng và triển khai Đề án phát triển thể dục - thể thao tỉnh Thanh Hóa; trong đó, ưu tiên các môn thể thao thành tích cao có thế mạnh. Huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các công trình thể thao quan trọng, như khu liên hợp thể dục thể thao, sân vận động, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ...; các thiết chế văn hóa - thể thao tại xã, phường, thị trấn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nhất là khu vực miền núi, vùng khó khăn. Xây dựng lực lượng cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên... thuộc lĩnh vực thể thao thành tích cao, đáp ứng yêu cầu phát triển thể dục, thể thao trở thành trung tâm mạnh và duy trì thành tích trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, theo đánh giá của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, một số chỉ tiêu về tỷ lệ gia đình văn hóa; xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp kiểu mẫu; làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa (khu dân cư văn hóa); thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã... đều vượt kế hoạch đề ra. Điển hình là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với phong trào XDNTM đã góp phần tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa năm 2023 ước đạt 80,5%, tăng 3,5% so với năm 2020. Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm, với 73 di tích được tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn 2021-2023. Đặc biệt, có thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh lên 18 di sản.

Ngoài ra, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, đưa vào hoạt động hiệu quả, đã phát huy tốt công năng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của Nhân dân. Từ đó, góp phần đưa phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục duy trì và phát triển. Tỷ lệ người tham gia luyện tập, thể dục thể thao thường xuyên tăng từ 43% năm 2020 lên 44,2% ước năm 2023. Đặc biệt, thể thao thành tích cao đã đạt nhiều thành quả tích cực. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, các vận động viên đã giành được 960 huy chương các loại (297 HCV, 262 HCB, 401 HCĐ). Đoàn thể thao Thanh Hóa tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 giành 132 huy chương các loại, giữ vững vị trí thứ 4 toàn đoàn; Đội bóng đá U19 Thanh Hóa giành chức vô địch Giải U19 quốc gia năm 2023.

Lấy con người là trung tâm trong “lưới” an sinh

Một trong năm bài học kinh nghiệm được rút ra qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 (gọi tắt là Nghị quyết), đó là: “Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân...”. Muốn thực hiện công bằng xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, trước hết và trên hết phải đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển. Đồng thời, phải xây dựng được một “lưới” an sinh đủ dày, với sức bao phủ rộng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, để làm điểm tựa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Theo đó, qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo; bảo đảm an sinh xã hội, nhất là thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác dân tộc, tôn giáo...

Nhiều năm trở lại đây, Thanh Hóa đã nổi lên như một “điểm sáng” trong công tác giảm nghèo. Điều này chỉ có thể có được nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Đồng thời, thông qua việc huy động các nguồn lực và triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; cũng như nâng cao khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, tín dụng đối với người nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 toàn tỉnh ước còn 3,79%, bình quân 2 năm 2022-2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) giảm 1,5%/năm. Nổi bật trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được thể hiện sâu sắc và hiệu quả, thông qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 (là 1 trong 6 chương trình trọng tâm của cả nhiệm kỳ). Với việc tập trung các nguồn lực cho chương trình, sau 3 năm triển khai thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng ổn định và từng bước được cải thiện. Dấu ấn đậm nét là tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 (giảm 4,81%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%); tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 100%; tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi đạt 99,51%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 82,2%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 100%... Ngoài ra, tình hình chính trị - xã hội của khu vực nhìn chung ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đó là những cơ sở, điều kiện giúp cho khu vực miền núi ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của tỉnh Thanh Hóa những năm qua.

Với phương châm đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, trong nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp trồng người, gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua đó, tiếp tục giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn và vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thanh Hóa nhanh và bền vững. Với nỗ lực của toàn ngành giáo dục, chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục đại trà từng bước được nâng lên, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp năm 2022 xếp thứ 27 cả nước, tăng 17 bậc so với năm 2020. Giai đoạn 2021-2023, học sinh Thanh Hóa đoạt 3 huy chương các loại tại các kỳ thi Olympic quốc tế và 175 giải các loại tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, tiếp tục giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọn trong nhóm các tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước. Ngoài ra, ước năm 2023 toàn tỉnh có 1.706 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 85,1%. Số cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên chiếm 94,87%...

Cùng với sự nghiệp giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Với mục tiêu đưa dịch vụ y tế trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng, vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhờ đó, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, phân bố rộng khắp, tạo thuận tiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh có bước chuyển đáng kể, với 1.157 kỹ thuật đã được phê duyệt và đưa vào khám, chữa bệnh tại các tuyến... Cũng nhờ đó, nhiều chỉ tiêu chủ yếu về y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng đạt cao so với kế hoạch. Cụ thể: ước năm 2023, số giường bệnh/vạn dân đạt 37,5 giường, tăng 1,5 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 12 bác sĩ, tăng 1 bác sĩ; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 97,7%, tăng 3,1%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 92,5%, tăng 2,5% (số liệu so với năm 2020).

Có thể khẳng định, dù còn gặp những khó khăn, song các lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được tỉnh ta quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Những kết quả ấy đã và đang góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển đồng bộ và toàn diện giữa kinh tế và văn hóa - xã hội. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, vì sự phát triển hài hòa, bền vững.

Khôi Nguyên

(Số liệu trong bài viết được khai thác từ dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 của Tỉnh ủy Thanh Hóa; dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, về lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh).

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]