(Baothanhhoa.vn) - Chỉ trong vòng hơn 3 năm, những thành viên đầy nhiệt huyết của Dự án “Vì trẻ em vùng cao” đã vận động, xây dựng được 5 điểm trường khang trang, kiên cố tại những địa bàn đặc biệt khó khăn của vùng cao Thanh Hóa. Khó có thể diễn tả hết được sự phấn khởi của giáo viên, các em học sinh ở những nơi mà dự án đã chia khó, làm nên những công trình đầy ý nghĩa nhân văn như vậy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Vì trẻ em vùng cao” – một dự án ý nghĩa, thiết thực

Chỉ trong vòng hơn 3 năm, những thành viên đầy nhiệt huyết của Dự án “Vì trẻ em vùng cao” đã vận động, xây dựng được 5 điểm trường khang trang, kiên cố tại những địa bàn đặc biệt khó khăn của vùng cao Thanh Hóa. Khó có thể diễn tả hết được sự phấn khởi của giáo viên, các em học sinh ở những nơi mà dự án đã chia khó, làm nên những công trình đầy ý nghĩa nhân văn như vậy.

“Vì trẻ em vùng cao” – một dự án ý nghĩa, thiết thực

Ban điều hành dự án khánh thành điểm trường “Vì trẻ em vùng cao” thứ 5 tại bản Ngàm, xã Tam Thanh (Quan Sơn), tháng 5-2019.

Năm 2016, ban điều hành Dự án “Vì trẻ em vùng cao” được thành lập trên cơ sở tập hợp những thanh niên tình nguyện, những người con Thanh Hóa, sinh viên, là thành viên của các nhóm thiện nguyện trong và ngoài tỉnh. Qua những chuyến thiện nguyện đến với đồng bào các thôn, bản ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, các thành viên của các nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện đã được chứng kiến, cảm nhận những khó khăn hàng ngày của các em học sinh vùng cao. Nhiều điểm trường vẫn là những mái nhà tranh tre, trời nắng nóng cũng vất vả mà trời mưa gió càng khổ hơn. Nhìn cảnh giáo viên và các em học sinh phải chống chọi với cái rét thấu xương của mùa đông, dột nát khi có mưa và điều kiện khó khăn, thiếu thốn... những thanh niên tình nguyện đã nung nấu ý tưởng đi vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để xây dựng những phòng học mới kiên cố, thay thế các phòng học tranh tre tại các điểm trường ở các huyện miền núi, vùng cao xứ Thanh.

Điểm trường đầu tiên mà dự án chọn là tại bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) vào năm 2016. Đây là địa bàn vừa xa xôi, vừa khó khăn, hàng chục em học sinh tiểu học vẫn phải ngày ngày học tập trong những phòng học tranh tre. Các thành viên ban điều hành dự án đã không quản ngại xa xôi, khó khăn để tới khảo sát, hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để công trình đầu tiên được thực hiện. Một cuộc vận động, kêu gọi quy mô lớn đã được các thành viên dự án tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Gửi thư mời tới các doanh nghiệp, nhà hảo tâm; đặt thùng quyên góp tại các địa điểm công cộng; thu gom phế liệu, bán ve chai... Nỗ lực đã thành công khi đã có đủ kinh phí xây dựng 3 phòng học mới tại bản Ón. Công trình đã nhận được sự ủng hộ của huyện, xã và đặc biệt là người dân địa phương. Ngay từ những ngày đầu khởi công, người dân bản Ón sẵn sàng góp sức, vận chuyển vật liệu để xây trường. Chưa đầy 2 tháng sau, những phòng học đầu tiên của dự án đã hoàn thành trong niềm vui mừng phấn khởi của các thầy, cô giáo, các em học sinh và bà con bản Ón. Anh Lê Bá Mai, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp, Trưởng ban điều hành Dự án “Vì trẻ em vùng cao” chia sẻ: Công trình đầu tiên với 3 phòng học có giá trị trên 400 triệu đồng, nhưng nhận thấy điểm trường tại bản Ón còn thiếu khá nhiều trang thiết bị vì vậy chúng tôi đã tiếp tục vận động sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm để tặng thêm những bộ bàn ghế mới và trang thiết bị, dụng cụ dạy và học”.

Thành công của công trình đầu tiên tại bản Ón (Tam Chung, Mường Lát) được xem là động lực để dự án tiếp tục tìm kiếm những điểm trường khó khăn khác trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh. Anh Lê Đình Oanh, thành viên ban điều hành dự án chia sẻ: Chúng tôi đã đi khảo sát tại nhiều địa bàn của các huyện miền núi trong tỉnh, tới những điểm trường thực sự khó khăn, cần những phòng học khang trang, kiên cố. Những thành viên của dự án đã không quản ngại đường sá xa xôi, khó khăn, mưa nắng tiếp tục đi khảo sát để chọn địa điểm mới. Trong lòng mỗi thành viên chúng tôi luôn đau đáu nỗi niềm, làm sao để các em học sinh vùng cao xứ Thanh được học tập trong những ngôi trường mới, khang trang, làm sao để các em bớt khó khăn, vất vả trên con đường đến trường”.

Với cách làm như vậy, công trình thứ 2 tại bản Cơn, xã Yên Thắng (Lang Chánh) được các thành viên ban điều hành dự án nói vui rằng “lần này chơi lớn”. 6 phòng học mới đã nhanh chóng được xây dựng cho các em học sinh tiểu học tại điểm trường này. Nếu như 2 công trình đầu tiên tại các địa bàn khó khăn về đường sá đi lại, thì đến công trình thứ 3, khó khăn còn nhân lên gấp bội. Điểm trường tại bản Vui (xã Thanh Xuân, Quan Hóa) được xem là một trong những địa bàn khó khăn nhất. Để vào được bản, người và phương tiện phải vượt qua sông Mã bằng thuyền hoặc bè mảng; sau đó tiếp tục di chuyển khoảng 7 km đường đồi núi gập ghềnh. Dù vậy, công trình đã được thực hiện thành công trong một khoảng thời gian ngắn. 5 phòng học, trong đó 2 phòng học được xây mới, 3 phòng học được sửa chữa đã cải thiện đáng kể điều kiện học tập cho các em học sinh mầm non, tiểu học nơi đây. Từ sau công trình thứ 3 này, việc xây trường cho các em học sinh vùng cao đã trở thành công việc định kỳ của dự án. 2 công trình mới nhất trong năm 2018 và 2019 tại bản Lốc Há (Nhi Sơn, huyện Mường Lát) với 2 phòng học mới và bản Ngàm (xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn) với 5 phòng học và 1 khu vệ sinh tiếp tục được xây dựng và đưa vào sử dụng.

5 công trình với tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng giá trị và ý nghĩa của những công trình này thì khó có thể đo, đếm được đối với các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh vùng cao xứ Thanh. Những ngày hè tháng 6 năm 2019 này, các thành viên của Dự án “Vì trẻ em vùng cao” lại tiếp tục rong ruổi trên các cung đường, đi khảo sát để chọn địa điểm cho công trình thứ 6.

Bài và ảnh: Mạnh Cường


Bài Và Ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]