Nhớ về một lãnh đạo tờ tiền thân Báo Thanh Hóa 90 năm trước
Những ngày cuối tháng 3 này, Báo Thanh Hóa có nhiều hoạt động gặp mặt, tri ân nhân kỷ niệm 62 năm ngày ra số đầu (20/3/1962 - 20/3/2024). Nhân sự kiện này, chúng ta hãy lùi về quá khứ cùng tìm hiểu, tự hào về người phụ trách một trong những tờ tiền thân của Báo Thanh Hóa: "Hồn Lao động" do lão thành cách mạng Trịnh Khắc Sản làm chủ bút 90 năm trước.
Chân dung đồng chí Trịnh Khắc Sản (1903 - 1985).
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 1930-1945, ngay sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập 3/2/1930 và nhất là sau sự kiện Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời ngày 29/7/1930, thực dân Pháp và tay sai đã tập trung lực lượng điên cuồng đánh phá phong trào cách mạng, gây tổn thất nặng nề cho Đảng bộ Thanh Hóa. Vượt lên thách thức và hiểm nghèo, từ giữa năm 1931, những đảng viên trung kiên còn lại như Lê Văn Tân (Vĩnh Lộc), Hoàng Văn Mạch (Yên Định), Lê Chủ, Lê Huy Toán (Thiệu Hóa), Trịnh Khắc Sản, Trịnh Hữu Thường, Đỗ Đình Khánh (Thọ Xuân)... đã kiên trì bám trụ trong quần chúng, dựa vào sự bảo vệ của quần chúng cách mạng tiến hành đấu tranh chống khủng bố, ra sức khôi phục tổ chức đảng, thống nhất tổ chức và phong trào cách mạng trong tỉnh.
Nguyệt san “Hồn lao động” do Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thanh Hóa phát hành năm 1934.
Trong bối cảnh đó, ngày 17/3/1934 hội nghị đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh được triệu tập tại làng Thuần Hậu (Thọ Xuân) dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Chủ, Nguyễn Tạo. Hội nghị đã thống nhất cử ra Ban Chấp hành Tỉnh đảng bộ lâm thời, trong đó đồng chí Trịnh Khắc Sản là một trong số 7 ủy viên.
Kết quả Hội nghị Thuần Hậu là sự kiện lịch sử đánh dấu sự phục hồi và phát triển của Đảng bộ tỉnh và phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn Thanh Hóa. Tuy nhiên, Đảng bộ vừa được củng cố, mọi mặt hoạt động đang tiến triển thì bọn mật thám Bắc kỳ, Trung kỳ lại ráo riết truy bắt các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như Nguyễn Tạo, Đinh Chương Dương, Lê Chủ, Bùi Đạt... Đợt khủng bố này lại một lần nữa gây tổn thất lớn cho Đảng bộ và phong trào cách mạng trong tỉnh. Các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời còn lại thống nhất phân công đồng chí Trịnh Khắc Sản chủ trì cho đến khi củng cố lại Ban Chấp hành Tỉnh đảng bộ và chỉ đạo: Phát động phong trào quần chúng đấu tranh chống khủng bố bảo vệ cán bộ, đảng viên, bảo vệ cơ sở đảng và quần chúng cách mạng. Củng cố cơ sở in và tiếp tục in ấn tài liệu tuyên truyền, ấn hành kịp thời tờ báo Hồn Lao động.
Theo đó đồng chí Trịnh Khắc Sản trên cương vị Tỉnh uỷ viên Tỉnh ủy lâm thời là người đầu tiên được giao nhiệm vụ phụ trách tờ báo Hồn Lao động - Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh vào giữa năm 1934.
Thời gian này mặc dù chính quyền thực dân, phong kiến điên cuồng lùng sục, khủng bố gắt gao, song với sự cưu mang giúp đỡ, bảo vệ của quần chúng cách mạng tại làng Long Linh ngoại, Báo Hồn Lao động đã được in ấn, xuất bản 7 số từ số 1 đến số 7 tại nhà đồng chí Trịnh Khắc Sản và nhà đồng chí Trịnh Văn Ích (tức Thu Lợi). Ngay sau khi tờ báo phát hành không lâu, bọn mật thám đã đánh hơi được nơi in ấn tờ báo nên đã tập trung lực lượng về làng Long Linh ngoại lùng sục khám xét nhà riêng đồng chí Trịnh Khắc Sản. Tuy nhiên, được quần chúng yêu nước tìm cách bảo vệ, cơ quan in báo đã kịp thời chuyển về vị trí mới an toàn.
Khay gỗ của ông Trịnh Khắc Sản, làng Long Linh, xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân dùng để đổ thạch cao in báo Hồn lao động năm 1934.
Đồng chí Trịnh Khắc Sản sinh năm 1903 trong một gia đình trung lưu ở vùng quê giàu truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng, đó là làng Long Linh Ngoại, xã Thọ Trường (nay là xã Trường Xuân), huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Dòng họ Trịnh Khắc ở làng Long Linh Ngoại nổi tiếng có nhiều người học rộng, tài cao. Thân sinh đồng chí Trịnh Khắc Sản là một lương y khá nổi tiếng. Từ nhỏ cậu cả Sản đã được cha dạy chữ Hán rồi sau đó với sự nhạy bén thời cuộc, cậu cả Sản đã được gia đình cho vào học chữ quốc ngữ tại một ngôi trường danh giá của Tổng Thử cốc, Phủ Thiệu Hóa.
Năm 1916, ở độ tuổi 13, cậu cả Sản đã học xong chương trình Sơ học yếu lược. Vốn có trí thông minh và được tận mắt chứng kiến bao cảnh đau thương cơ cực của người dân, căm thù trước sự bất công tàn bạo của bọn cướp nước và bọn địa chủ, cường hào, mặc dù được cha hướng cho nghề làm thuốc - nghề dễ làm giàu, song cậu cả Sản nhất mực không muốn theo nghề cha.
Năm 1925, được người bạn học khóa trước giới thiệu vào làm ký cho một công ty Lục Lộ của Pháp ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, quê hương của chí sĩ Phan Bội Châu, nhà yêu nước Hồ Sỹ Tạo... và đặc biệt là tiếng vang tấm gương xuất dương tìm đường cứu nước của bậc đàn anh Nguyễn Tất Thành, cậu cả Sản đã được tắm mình trong phong trào đấu tranh yêu nước và từ đây đã thôi thúc chàng thanh niên Trịnh Khắc Sản dấn thân trên con đường cách mạng đầy gian lao và hiểm nguy.
Ngôi nhà của ông Trịnh Khắc Sản.
Ngôi nhà của ông Trịnh Khắc Sản là chứng tích lịch sử cách mạng, bởi nơi đây từng là địa điểm liên lạc bắt nối của các chiến sĩ cộng sản. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra sự kiện quan trọng thành lập tổ chức Tân Việt (1927-1928) và là nơi tụ họp của các cán bộ chủ chốt đảng Tân Việt ở Thanh Hóa, của Xứ ủy và Tỉnh ủy trong quá trình củng cố và khôi phục Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1932-1936. Đây cũng chính là trụ sở in Báo Hồn Lao động của Tỉnh ủy lâm thời năm 1934. Nhiều tài liệu bí mật của Đảng đã được in ấn tại đây để cấp phát cho các cơ sở cách mạng trong tỉnh; là địa điểm thành lập “Hội Phụ nữ Giải phóng” tỉnh Thanh Hóa (tháng 2/1935) - tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa. |
Đầu năm 1926, chàng thanh niên Trịnh Khắc Sản quyết định trở về quê hương làng Long Linh Ngoại và địa bàn các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa hoạt động, bắt đầu cho hành trình dấn thân cho cuộc đời hoạt động cách mạng. Lúc này tại quê hương Thanh Hóa phong trào hoạt động cách mạng cũng vô cùng sôi nổi. Tháng 2/1928 đồng chí đã tham gia Đảng Tân Việt và sau đó là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Được sự tuyên truyền, giác ngộ của đồng chí, từ cuối năm 1928 một tổ chức cách mạng đầu tiên: Hội dân nghèo của làng Long Linh Ngoại và Long Linh Nội, xã Thọ Trường đã được thành lập. Hội dân nghèo ra đời như một tiếng chuông thức tỉnh người dân nơi đây đang chìm đắm trong cảnh lầm than nô lệ vùng lên cùng tiến bước trong phong trào đấu tranh cách mạng mới.
Năm 1932 đồng chí đã là Tỉnh ủy viên, được phân công cùng một số đồng chí cốt cán khác lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng khu vực Thiệu Hóa - Thọ Xuân. Qua thử thách đấu tranh sinh tử, người chiến sỹ cộng sản chưa tròn tuổi 30 Trịnh Khắc Sản đã thể hiện phẩm chất kiên trung, tài năng lãnh đạo hơn người, sớm giành được sự tín nhiệm của tập thể những người cộng sản thuộc Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân giai đoạn 1930-1945 khẳng định đồng chí Trịnh Khắc Sản là một trong những đảng viên đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng của tỉnh nói chung và quê hương làng Long Linh Ngoại, xã Thọ Trường nói riêng.
Với những đóng góp to lớn trong Cách mạng tháng 8/1945 mà linh hồn của phong trào cách mạng là chiến sĩ cộng sản kiên trung Trịnh Khắc Sản, làng Long Linh Ngoại và xã Thọ Trường quê hương của đồng chí đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa trao bằng công nhận 3 Di tích lịch sử cách mạng gồm ngôi nhà ông Trịnh Khắc Sản (1927-1945); bãi vải (nơi tổ chức nhiều cuộc họp bí mật, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình (1930-1945); đình làng Long Linh Ngoại (1930-1945).
Trịnh Duy Hoàng (CTV)
Nguồn ảnh: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa và Trịnh Đức Huân cung cấp.
{name} - {time}
-
2024-12-15 17:58:00
Đột phá về hạ tầng đô thị
-
2024-12-15 13:39:00
“Đòn bẩy” khơi thông nguồn lực cho phát triển
-
2024-03-21 19:23:00
Phát huy vai trò thanh tra để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Nông Cống đề cao vai trò của chi bộ trong lãnh đạo thực hiện các phong trào thi đua
Như Xuân tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Khơi dậy niềm tự hào, niềm tin sắt son của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về Đảng quang vinh
Bồi đắp “nguyên khí” cho phát triển bền vững
Thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự
Sức trẻ tháng ba
Sức lan tỏa từ một cuộc vận động
Đông Sơn xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện
Xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng