(Baothanhhoa.vn) - Trong cuộc sống hằng ngày, mâu thuẫn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu không được giải quyết triệt để thì những chuyện nhỏ ấy có thể trở thành vụ việc phức tạp, dẫn đến khiếu kiện, thậm chí phát sinh thành những vụ án hình sự. Vì vậy, công tác hòa giải nói chung, những hòa giải viên cơ sở nói riêng đã và đang góp phần quan trọng nhằm ổn định trật tự xã hội và thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Nhịp cầu” nối lại niềm vui

“Nhịp cầu” nối lại niềm vui

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và kiến thức hòa giải ở cơ sở năm 2020 tại huyện Như Thanh.

Trong cuộc sống hằng ngày, mâu thuẫn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu không được giải quyết triệt để thì những chuyện nhỏ ấy có thể trở thành vụ việc phức tạp, dẫn đến khiếu kiện, thậm chí phát sinh thành những vụ án hình sự. Vì vậy, công tác hòa giải nói chung, những hòa giải viên cơ sở nói riêng đã và đang góp phần quan trọng nhằm ổn định trật tự xã hội và thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm.

Về thôn Tường Thôn, xã Khuyến Nông (Triệu Sơn) không ai không biết đến bác Lê Đình Dương, là người có “thâm niên” làm công tác hòa giải (trên 15 năm), không quản nắng mưa, gió bão với tấm lòng đầy nhiệt huyết cùng niềm đam mê công việc bác đã đem đến niềm vui cho bao người, bao gia đình, dòng họ. Từ năm 2005 đến nay, bác đã góp phần cùng tổ hòa giải (THG) của thôn hòa giải thành công hàng trăm vụ việc, trong đó có rất nhiều vụ việc phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức. Ví như, trường hợp xin ly hôn của vợ chồng T-Q ở thôn Tường Thôn đã được giải quyết êm thấm. Mới lấy nhau được mấy năm nhưng anh chị thường xuyên cãi nhau về vấn đề kinh tế nên chị T. đã làm đơn ly hôn và bế con về nhà ngoại. Sau nhiều lần THG đến gặp hai vợ chồng, phân tích để họ hiểu ly hôn sẽ làm khổ hai con nhỏ, anh chị T-Q đã quay trở về sống với nhau. Với sự cần cù, chịu khó làm ăn, gia đình anh chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang và sắm nhiều tiện nghi có giá trị. Khi chúng tôi đến nhà, chị T. đang chăm sóc vườn rau trước nhà. Nói về chuyện ly hôn ngày trước, chị T. ngượng ngùng không muốn nhắc lại và bảo: “Nếu không có các bác trong thôn, chắc giờ chúng em chẳng được thế này”... Còn rất nhiều vụ việc khác như mua hàng nợ quán xảy ra xô xát, đánh nhau; tranh chấp đất đai; xung đột giữa anh em trong gia đình, dòng họ... đều được bác Dương và THG thôn Tường Thôn dàn xếp thấu tình đạt lý.

Tâm sự với chúng tôi bác Dương bộc bạch: “Công việc của tôi nghe đơn giản vậy thôi nhưng khi vào cuộc thì không hề đơn giản chút nào vì ở cơ sở tâm lý “hơn thua” và tâm lý “dòng họ” còn rất nặng nề. Người xưa thường nói “thấy ăn thì đến thấy đánh thì đi” thế mà công việc của tôi thì ngược lại”. Trong quá trình hòa giải bác luôn vận dụng những phong tục tập quán của địa phương, những quy ước của làng, xóm không trái với quy định của pháp luật và những hiểu biết về pháp luật có liên quan bằng lời nói nhẹ nhàng đầy sức thuyết phục, giải thích có lý có tình nhằm thuyết phục 2 bên đi đến thỏa thuận vui vẻ.

Sống với dân, chứng kiến nhiều vụ việc xô xát, mất đoàn kết xuất phát từ những việc nhỏ nhặt, vậy mà có khi dẫn tới án mạng. Không thể khoanh tay đứng nhìn, bác Lê Văn Tài, xã Đông Thịnh (Đông Sơn) quyết định tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Hơn 10 năm làm công tác hòa giải ông Tài đúc rút kinh nghiệm đó chính là, “gặp những vụ việc có mâu thuẫn lớn, tôi đến tận nhà tiến hành hòa giải đơn phương để tìm ra nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của các bên, tôi đưa vấn đề ra thảo luận với các thành viên trong tổ để cùng đưa ra kế hoạch hòa giải cho sát với vụ việc như thế sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Đối với những vụ việc xúc phạm danh dự nhân phẩm khi đưa ra hòa giải 2 bên thường nói xấu nhau, không bên nào chịu nhận lỗi hòa giải thường khó thành. Tôi sẽ nhờ đến những người có uy tín trong thôn, làng hoặc những người cao tuổi trong dòng họ 2 bên cùng tham gia thì vụ việc sẽ đạt kết quả cao hơn”.

Bằng sự chân thành, cộng với vốn sống, sự hiểu biết luật pháp và khả năng thuyết phục “thấu tình, đạt lý”, nên tỷ lệ hòa giải thành ở xã Đông Thịnh năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân hằng năm THG của xã đã hòa giải thành công từ 35 - 40 vụ việc mà không phải chuyển lên cấp trên giải quyết. Nhờ sự thành công trong công tác hòa giải đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định trật tự an toàn xã hội tại địa phương, xây dựng làng bản văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Từ những lời bộc bạch của bác Dương, bác Tài mới thấy hết được sự vất vả của người làm công tác hòa giải và sau mỗi vụ việc hòa giải thành là sự khẳng định phương pháp hòa giải đúng, sự vận dụng đầy đủ linh hoạt của pháp luật vào cuộc sống cũng như thái độ nhẹ nhàng, ôn hòa đúng mực đặc biệt là xuất phát từ tình cảm, lòng nhân ái bao dung vì sự bình yên của xóm làng.

Theo số liệu thống kê của Phòng Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 5.500 THG với 31.475 hòa giải viên. Mỗi THG có từ 4-7 hòa giải viên, đa số các tổ trưởng do trưởng thôn, bản, khối phố, đoàn thể đảm nhận. Trong quá trình hòa giải từng vụ việc cụ thể, tùy theo đối tượng và tính chất của từng vụ việc mà tổ trưởng THG có thể mời thêm các đối tượng khác (người có uy tín, thành viên tổ an ninh thôn...) tham gia thành viên THG để hòa giải vụ việc tranh chấp. Từ năm 2015 đến nay, các THG đã tiếp nhận trên 31.566 vụ việc. Trong đó phát sinh từ quan hệ dân sự 11.967 vụ việc; hôn nhân gia đình 10.871 vụ việc; lĩnh vực pháp luật khác 8.728 vụ việc. Kết quả đã hòa giải thành 25.987 vụ việc; hòa giải không thành 5.267 vụ việc. Tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt 83,3%, chủ yếu là những mâu thuẫn có thể từ tranh chấp lối đi, cái cây, hoặc vì con gà, con vịt, hay những lời qua tiếng lại trong cuộc sống hôn nhân gia đình... Mâu thuẫn nhỏ tích tụ lâu ngày, khi bùng phát sẽ trở thành chuyện lớn. Nếu không có những người làm công tác hòa giải can thiệp nhanh, kịp thời thì khó hình dung mâu thuẫn sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào. Trong đó có một số huyện tỷ lệ hòa giải thành cao như Nga Sơn, Quan Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn..., góp phần giảm thiểu số vụ, việc tranh chấp phải đưa lên cơ quan có thẩm quyền và tòa án giải quyết; xây dựng đời sống văn hóa gia đình, cộng đồng, xã hội ổn định, phát triển.

Có thể nói, những đóng góp tích cực mà các hòa giải viên và THG đã làm được trong thời gian qua là rất lớn và hết sức có ý nghĩa. Thông qua việc làm đó, họ đã giữ gìn, vun đắp, thắt chặt mối đoàn kết xóm giềng, góp phần đẩy lùi những phát sinh tiêu cực trong cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, để các THG tiếp tục phát huy được trọng trách của mình, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có kế hoạch tăng cường bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải, cập nhật cho họ những kiến thức pháp luật cần thiết để các “quan tòa nghiệp dư” này có đủ bản lĩnh hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để “cái sảy làm nảy cái ung” trong cuộc sống thường ngày.

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]