(Baothanhhoa.vn) - Ở tuổi 63, cựu thanh niên tình nguyện Trịnh Văn Toàn, thôn Thạch Lăng, xã Trường Minh (Nông Cống) vẫn toát lên tinh thần lạc quan, sự nhanh nhẹn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cựu thanh niên tình nguyện Trịnh Văn Toàn làm kinh tế giỏi

Ở tuổi 63, cựu thanh niên tình nguyện Trịnh Văn Toàn, thôn Thạch Lăng, xã Trường Minh (Nông Cống) vẫn toát lên tinh thần lạc quan, sự nhanh nhẹn.

Cựu thanh niên tình nguyện Trịnh Văn Toàn làm kinh tế giỏi

Cựu TNTN Trịnh Văn Toàn, thôn Thạch Lãng, xã Trường Minh (Nông Cống) và lãnh đạo Hội Cựu TNXP huyện thăm trang trại.

Dẫn tôi và các đồng chí hội cựu thanh niên xung phong huyện đi thăm trang trại của gia đình, ông Toàn hào hứng kể: “Làm nhà nông phải biết tính toán và áp dụng khoa học thì mới hiệu quả. Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thôi thì chưa đủ. Quê tôi vùng chiêm trũng, đất đai màu mỡ, chỉ tiếc là chưa có nhiều người khai thác. Từ những năm 80 của thế kỷ XX trở về trước, người dân quê tôi nhảy tàu chợ đi suốt đêm vào Nghệ An mua rau bắp cải và một số loại cây rau màu khác về bán, lúc ấy tôi đã nghĩ: Sau này nhất định tôi sẽ “biến đất thành vàng” ở quê mình. Từ suy nghĩ đó, trải qua bao năm tháng vất vả, bôn ba nhiều việc, tôi đã quyết định về quê lập nghiệp và gây dựng được cơ ngơi trang trại nông nghiệp chỉ trong 4 năm (2016-2020)”.

Theo lời ông Toàn kể, năm 1977, khi tròn 20 tuổi, ông đã gia nhập thanh niên tình nguyện làm đường từ Thanh Hóa đi Sầm Nưa (Lào) với bao gian khổ. Sau hơn 6 năm phục vụ, ông Toàn trở về địa phương làm nông nghiệp (trồng lúa). Ngày ấy vùng quê chiêm trũng nghèo khó, nhà tranh vách đất, nông nghiệp liên tục mất mùa, ông Toàn phải rời quê vào Nam, ra Bắc tìm việc làm khắp nơi ở các nông, lâm trường để học hỏi kinh nghiệm. Trời không phụ công người cố gắng, ông Toàn sớm gây dựng được xưởng sản xuất viên nén (chất đốt) ở tỉnh Bình Dương. Nhưng rồi, ông Toàn vẫn quyết định để lại cơ sở sản xuất cho con trai để về quê thực hiện ước mơ “biến đất thành vàng” từng ấp ủ.

Về quê, ông Toàn đã nhanh chóng đào ao, quy hoạch lại vườn tược ngay trên đất của gia đình và ra tận Hưng Yên mua các loại giống cây ăn quả về trồng thử, mỗi loại 20 cây kết hợp với chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài. Nhà ven chân đê, những buổi được thảnh thơi hóng gió mát, ông Toàn ngắm nhìn phía trước mặt nhà mình là vùng giáp sông Yên đất rộng chưa được khai hoang mà tiếc. Một tia sáng lóe lên, ông Toàn đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương nhận thầu khai hoang và được xã tạo điều kiện, vợ con ủng hộ. Toàn bộ tiền tiết kiệm cùng với vay ngân hàng 500 triệu đồng, ông Toàn thuê máy múc ngày đêm đào ao, san lấp mặt bằng và quy hoạch từng vùng trồng cây, nuôi cá - lúa – vịt... Với suy nghĩ, làm kinh tế nông nghiệp phải tính toán thật kỹ và luôn trau dồi kiến thức, khoa học - kỹ thuật thì mới thành công, ông Toàn không ngại khó nhiều lần đi các tỉnh “ăn chực, nằm chờ” để xin học chuyển giao khoa học - kỹ thuật và được giúp đỡ của một số công ty, các chuyên gia nông nghiệp... Chỉ sau 4 năm khai hoang, đến nay, trang trại gia đình ông Toàn đã hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa với 1.000 cây dừa, 2 ha nhãn, 300 gốc mít, hơn 1.000 con vịt và 2 ao cá... Ngay vụ đầu tiên năm 2016, gia đình đã có thu hoạch nhưng là những cây, con ngắn ngày để tiếp tục đầu tư cho những cây dài ngày. Đến nay, hàng ngàn gốc nhãn, mít, bưởi... của gia đình ông Toàn đang bắt đầu cho thu hoạch. Ông Toàn cho biết thêm: “Tôi đã liên kết với Công ty Minh Đức (Hưng Yên) chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Đối với cây nhãn (cây chủ lực), ngoài việc công ty cử kỹ thuật viên đến chăm sóc theo quy trình, tôi còn thuê thêm kỹ thuật viên làm công đoạn tỉa quả trả công 500 ngàn đồng/ngày/lao động. Làm đúng kỹ thuật thì mới đạt năng suất và sản lượng, nếu tiếc tiền đầu tư thì làm kinh tế sẽ không có hiệu quả”.

Minh chứng cho những điều ông nói, chúng tôi thực sự ấn tượng nhất là vườn nhãn, những cành nhãn “10 quả như một” chỉ khoảng 2 tháng nữa là xuất bán. Mùi hoa nhãn thơm thoang thoảng trong gió khiến chúng tôi thực sự cảm thấy dễ chịu vô cùng giữa tiết trời hè oi ả. Ông Toàn cho biết thêm: “Làm vườn tôi thấy khỏe ra nhiều. Ngày nào cũng có sản phẩm thu hoạch, mùa nào thức ấy. Hiện tôi đang hướng các con cùng về làm và dần hình thành trang trại du lịch sinh thái”.

Với ý tưởng mở rộng quy mô trang trại gắn với du lịch sinh thái, ông Toàn mong muốn có thêm nhiều hộ cùng làm ở khu vực này giáp sông Yên để tạo thành thị trường hàng hóa, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ. Ông Toàn cũng đã lắp camera kết nối cả vườn trong gia đình và trang trại ngoài đồng và đắp đường đất chắc chắn để có điều kiện đổ bê tông làm đường cho xe ô tô và du khách vào tham quan đến tận chân vườn.

Cựu thanh niên tình nguyện Trịnh Văn Toàn còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn và giúp đỡ nhiều đồng đội cùng vươn lên sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]