(Baothanhhoa.vn) - Với tấm lòng “nhân ái” và những nỗ lực vì cộng đồng, chị Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Ban Chương trình “Kết nối yêu thương lan tỏa nhân ái” đã giúp nhiều em học sinh, nhiều gia đình khó khăn vượt lên số phận, thêm nghị lực trong cuộc sống.

“Bông hoa đẹp” giữa đời thường

Với tấm lòng “nhân ái” và những nỗ lực vì cộng đồng, chị Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Ban Chương trình “Kết nối yêu thương lan tỏa nhân ái” đã giúp nhiều em học sinh, nhiều gia đình khó khăn vượt lên số phận, thêm nghị lực trong cuộc sống.

“Bông hoa đẹp” giữa đời thườngChị Nguyễn Thị Hồng trong buổi giao lưu, tặng quà trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Thọ Xuân. Ảnh: Tăng Thúy

Biến công ty thành bếp ăn dã chiến

Biết chị Hồng từ khá lâu về trước, qua lời giới thiệu của cán bộ Hội LHPN huyện Thọ Xuân, nhưng phải rất lâu sau tôi mới được gặp chị sau bao lần lỡ hẹn. Ấn tượng của tôi về chị rất đặc biệt: khuôn mặt tươi vui, nụ cười hiền hậu và cách nói chuyện gần gũi, thân tình khiến ai tiếp xúc cũng có thiện cảm. Chị giải thích lý do lỡ hẹn với tôi những lần trước là do phải giám sát tiến độ thực hiện Dự án “Ươm mầm trí tuệ, thắp sáng vùng cao” – lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho 1 tổ liên ngành và 15 điểm trường của các xã Trung Lý, Quang Chiểu và Mường Lý (Mường Lát). Đây là chương trình rất ý nghĩa và nhân văn, thắp sáng những bài học, những trang sách, sưởi ấm tâm hồn và mở ra một chân trời tri thức mới cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Theo lời chị Hồng, mảnh đất biên cương Mường Lát là nơi rất đặc biệt đối với gia đình chị. Vì thế, ngay từ những ngày đầu khi kinh tế còn eo hẹp chị đã cố gắng hết mức có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà bản thân vô tình biết được. Chị bắt đầu từ những việc nhỏ, như: gửi tặng túi thuốc bổ dành cho các cụ già ốm yếu; tặng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh trước năm học mới; tặng áo ấm, chăn ấm cho các em nhỏ mỗi mùa đông về... Mỗi dịp lễ, tết, chị đều ủng hộ hàng trăm suất quà cho người nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật...

Không chỉ là Mường Lát xa xôi, quê hương nơi gia đình chị đang sinh sống hay tỉnh bạn Quảng Trị, chỉ cần biết nơi đó có những người đang cần mình, chị đều dang rộng vòng tay giúp đỡ. Khi kinh tế ổn hơn, chị Hồng quan tâm nhiều tới vấn đề an cư, đặc biệt là với đồng bào vùng cao. Vì vậy, chị và gia đình đã kết hợp với Ủy ban MTTQ, hội LHPN các cấp, các tổ chức có liên quan... xây nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có nhu cầu về nhà ở, góp phần cùng huyện Mường Lát thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, gia đình chị đã hỗ trợ, xây mới, sửa chữa hơn 40 căn nhà; xây mới 2 phòng học tại bản Nà Ón, Tà Cóm (Trung Lý); cải tạo tuyến đường từ bản Cò Cài đến bản Tà Cóm (Trung Lý) và 2 phòng học, 1 phòng chờ, hệ thống vệ sinh khép kín cho Trường Tiểu học Tam Chung tại bản Poọng, xã Tam Chung...

Cứ như vậy, việc thiện nguyện của cá nhân chị Hồng và Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển nông thôn Miền Tây do chồng chị quản lý, tăng dần theo năm tháng. Chị Hồng chia sẻ: “Ban đầu, tôi tự làm từ thiện 1 mình vì tôi còn ngại ngần, sợ có nhiều người nghĩ sai về mình, nên khi đó, biết được hoàn cảnh nào khó khăn, gặp người già neo đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi, bệnh nhân khốn khó... tôi âm thầm hỗ trợ tiền bạc và động viên tinh thần cho họ. Sau dần, tôi nghĩ cần phải hỗ trợ, tặng quà cho đúng đối tượng, thành phần thực sự khó khăn thì mới có ý nghĩa, vì thế tôi liên hệ, phối hợp với các tổ chức xã hội tại địa phương, như: ủy ban MTTQ các cấp, hội khuyến học, hội LHPN và các tổ chức hội khác để đồng hành cùng phong trào “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”, góp phần để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.

2 năm dịch bệnh hoành hành, có thời điểm công ty phải tạm ngừng hoạt động ở một số lĩnh vực kinh doanh. Mặc dù vậy, ban lãnh đạo công ty vẫn lo phụ cấp đầy đủ để nhân viên có thể trang trải cuộc sống. Tại thời điểm dịch bùng phát mạnh, bà con từ nhiều vùng dịch trở về phải cách ly y tế. Tận mắt chứng kiến đội ngũ các y, bác sĩ, cán bộ công an phải căng mình chống dịch trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, ngoài ủng hộ 350 giường sắt, máy lọc nước cho các khu cách ly; 530 bình oxy loại 40 lít/bình và khí oxy, xe đẩy đơn, van giảm áp cho các bệnh viện dã chiến; gạo, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và các nhu yếu phẩm cần thiết cho các chiến sĩ biên phòng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh nơi biên giới..., vợ chồng chị Hồng còn đấu mối với Ủy ban MTTQ tỉnh, MTTQ các cấp, Hội LHPN huyện Thọ Xuân thực hiện “chiến dịch” bữa cơm “0 đồng”. Chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình chị đã nấu 6.000 suất cơm “0 đồng” dành tặng cán bộ, chiến sĩ và công dân tại 4 khu cách ly tập trung của hai huyện Thọ Xuân và Thường Xuân. Chị còn vận động nhân viên công ty, người thân, các tiểu thương đang buôn bán tại chợ đầu mối huyện Thọ Xuân chung tay cùng mình vào bếp, đóng hộp và vận chuyển. Từ 5h sáng tiếng dao thớt, nồi niêu, xoong chảo kêu lách cách bên bếp lửa hồng ấm lòng người khiến hình ảnh của chị, của những người xung quanh chị chưa bao giờ đẹp đến thế. Tinh thần “tương thân tương ái” được lan tỏa, các hộ dân xung quanh hồ hởi tham gia phụ giúp và đóng góp, ai cũng muốn góp một chút sức lực cùng cộng đồng lan tỏa những việc tích cực đẩy lùi dịch bệnh. “Thấy mọi người nhiệt tình chung tay san sẻ như vậy, tôi thật sự rất xúc động và trân quý. Đó mới chính là tình cảm giữa người với người. Thế mới thấy, đến cuối cùng, điều còn đọng lại cũng chỉ là cái tình mà thôi”, chị chia sẻ.

Kết nối yêu thương bằng trái tim của một người mẹ

Dịch bệnh gây ra những nỗi đau là những vết thương chẳng gì có thể bù đắp. Hàng nghìn trẻ em đã mồ côi, có những em mà số tháng tuổi nay lại bằng chính số tháng ngày mất của mẹ mình. Sẽ cần nhiều, thật nhiều thời gian, sự tận tâm và nỗ lực để có thể bù đắp, xoa dịu những gì các con đã trải qua... Là một người mẹ, một người phụ nữ luôn tràn đầy năng lượng yêu thương, chị Hồng trăn trở với những câu hỏi “Tương lai, những đứa trẻ này sẽ về đâu?”, “Làm gì để giúp những đứa trẻ có tương lai, khát vọng chứ không phải chờ đợi sự ban phát của người khác?”. Ý định thành lập một quỹ hỗ trợ tiền ăn học cho trẻ mồ côi đều đặn hàng tháng đến khi các con học xong THPT nhen nhóm trong chị. Nhưng, một mình chị làm thì quá khó, nhất là trong giai đoạn kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch như hiện nay. Khi chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì chị nghe thông tin Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”, nhằm chia sẻ mất mát với các em nhỏ mồ côi, đồng thời giảm bớt gánh nặng của những người thân trong gia đình các em, chị lập tức liên hệ với Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện, đứng ra cùng nhận đỡ đầu và cưu mang 14 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi do COVID-19.

Em Nguyễn Hoài Thu, sinh năm 2008, xã Thuận Minh (Thọ Xuân), vốn đã thiệt thòi hơn những trẻ khác do không có bố. Để mưu sinh, 2 mẹ con dắt díu nhau vào Bình Dương nhưng đến tháng 10-2021 mẹ của em bị COVID-19 và đã không qua khỏi. Trong thời gian thực hiện giãn cách, Thu phải sống nhờ gia đình người chú họ ở Bình Dương. Hiện em đã trở về quê sống cùng bà ngoại đã gần 90, thuộc diện hộ nghèo. Thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”, chị Hồng kết hợp với Hội LHPN huyện Thọ Xuân hỗ trợ để em ổn định cuộc sống và học tập trong môi trường mới.

Tại thôn Thanh Vân, xã Cát Tân (Như Xuân), hoàn cảnh của em Phạm Tuệ Lâm thật sự khiến những người làm cha mẹ phải đau lòng. Tuệ Lâm không có bố, em sinh non ở tuần thứ 30 của thai kỳ, khi đại dịch hoành hành. Cuộc sống của mẹ đơn thân vốn đã không dễ dàng lại càng chật vật do ảnh hưởng của dịch. Cuối tháng 4-2021, dịch bệnh bùng phát ở TP Hồ Chí Minh đã khiến mẹ em bị nhiễm bệnh. Tuệ Lâm mất mẹ khi em còn chưa dứt sữa. Hiện, bà ngoại đảm nhiệm vai trò người bà, người mẹ nuôi em. Tuy nhiên, bà ngoại tuổi cao, sức yếu lại mang căn bệnh ung thư trong người nên cuộc sống của 2 bà cháu rất vất vả... Ngoài được hỗ trợ về vật chất, Tuệ Lâm còn nhận được sự chăm sóc, động viên tinh thần từ chị Hồng và chị em hội viên hội phụ nữ. Bà ngoại Tuệ Lâm cho biết: “Tuệ Lâm sinh non sức khỏe vốn đã yếu. Khi con được đưa về nhà vì thiếu hơi ấm và sữa mẹ nên quấy khóc nhiều. Sự hỗ trợ kịp thời về vật chất và tinh thần đã giúp gia đình vượt qua thời điểm khó khăn, có thêm điểm tựa để chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu”.

Được biết, chị Hồng và gia đình đã và đang phối hợp cùng Hội Khuyến học tỉnh trong chương trình “Nâng cánh ước mơ” hỗ trợ gần 100 em có hoàn cảnh đặc biệt: khuyết tật, mồ côi; các em học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập nhưng không có điều kiện để tiếp tục đi học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện nhiều em đã trưởng thành, có việc làm và lập gia đình với cuộc sống ổn định; nhiều em vẫn tiếp tục nhận hỗ trợ của chị để duy trì việc học tập.

Nói về những nỗ lực của chị Nguyễn Thị Hồng, chị Lê Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thọ Xuân nhận xét: “Chị Hồng là tấm gương điển hình tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo trên địa bàn. Thời gian qua, chị Hồng luôn đồng hành trong mọi hoạt động chăm lo, giúp đỡ, sẻ chia những hoàn cảnh khó khăn. Trong dịch bệnh, sự giúp đỡ, hỗ trợ của chị cho công tác này lại càng nhiều, càng tích cực hơn nữa. Qua đó, góp phần cùng địa phương chăm lo tốt hơn chính sách an sinh xã hội cho người dân. Chúng tôi luôn ghi nhận và trân trọng sự đóng góp của chị Hồng”.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]