(Baothanhhoa.vn) - Để đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều nguồn lực và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân vùng dân tộc, miền núi.

Để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống

Để đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều nguồn lực và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân vùng dân tộc, miền núi.

Để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sốngMô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Vân Tiến, xã Cát Vân (Như Xuân) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Gia Bảo

Năm 2015, gia đình chị Hà Thị Nga, bản Cân, xã Tam Chung (Mường Lát) được hỗ trợ ưu đãi vay vốn ngân hàng 10 triệu đồng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với số vốn của gia đình, chị Nga đã triển khai mô hình trang trại tổng hợp, trồng xoan, vầu, keo... dưới tán rừng chị kết hợp nuôi gà, lợn, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán, mỗi năm gia đình chị thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng. Nhờ những chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước, gia đình chị Nga từ hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá trong xã.

Cũng như gia đình chị Nga, năm 2004 gia đình ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Vân Tiến, xã Cát Vân (Như Xuân) được Hội Nông dân huyện Như Xuân hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Sau khi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, ông Tuấn đã mạnh dạn đầu tư 5 ha đất đồi để phát triển kinh tế rừng. Theo đó, một phần diện tích đất ông Tuấn trồng cây keo, cao su, luồng. Một phần ông đào ao nuôi cá, xây chuồng trại nuôi bò sinh sản, lợn, dê đồng thời trồng thêm một số loại cây ăn quả như thanh long, cam, bưởi... Khởi đầu từ 5 ha đất đồi, đến nay, trang trại của ông Tuấn đã mở rộng lên 60 ha, gồm: 40 ha cao su, lát, keo, luồng; 3 ha thanh long, 5 ha ao cá, 10 con bò, 4 ha cây ăn quả. Thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 50 lao động thời vụ với mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng.

Có thể thấy, chính sách dân tộc thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã góp phần tích cực, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng dân tộc và miền núi, quyền bình đẳng giữa các dân tộc ngày càng được thể chế hóa và thực hiện trên thực tế các lĩnh vực của đời sống.

Minh chứng cụ thể cho thấy, bằng nguồn vốn và các chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, bộ mặt nông thôn các huyện miền núi xứ Thanh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều dễ dàng nhận thấy nhất đó là hệ thống đường giao thông đã được cứng hóa đến từng thôn, bản; cơ sở vật chất trên các lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp; điện lưới quốc gia, nước sạch đã về hầu hết các khu dân cư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào... Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Nhà nước đã ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình dự án xây dựng kết cấu hạ tầng ở các huyện miền núi trong tỉnh đạt trên 80.000 tỷ đồng. Riêng chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/QĐ-TTg; chính sách vay vốn; chính sách đối với người có uy tín; các đề án tuyên truyền chính sách, pháp luật cho vùng DTTS được phân bổ gần 2.800 tỷ đồng...

Từ nguồn kinh phí trên, tỉnh ta đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho gần 100 nghìn hộ nghèo, cận nghèo để mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón các loại. Hỗ trợ trực tiếp cho hơn 1,2 triệu khẩu của các hộ nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện cho gần 5 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Thực hiện chính sách đối với người có uy tín cho gần 10 nghìn lượt người... Đến nay, đường ô tô tới trung tâm các xã miền núi đã được cứng hóa 100%; tỷ lệ thôn, bản có giao thông được cứng hóa đạt 75%; tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 87%; có 100% xã được dùng lưới điện quốc gia; 100% trung tâm các huyện, xã có mạng dẫn cáp quang và được phủ sóng thông tin di động...

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những bất cập, đó là: Một số chính sách vùng dân tộc và miền núi chưa bảo đảm gắn kết thống nhất giữa chính sách phát triển dân tộc - tộc người với chính sách phát triển vùng; thời gian thực hiện chính sách ngắn, thiếu tính chiến lược; trình tự thủ tục xây dựng và trình một số đề án mất nhiều thời gian; hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ; chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản, do vậy hiệu quả chưa thực sự bền vững; nhiều chính sách phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến định mức không còn phù hợp với thực tế; có chính sách do huy động nhiều nguồn vốn, khi cấp vốn không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện; việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương gặp khó khăn do đa số các địa phương vùng dân tộc và miền núi đều phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương...

Để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống, thời gian tới các sở, ngành, địa phương cần tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo nguyên tắc: “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; việc triển khai chính sách dân tộc theo hướng phân cấp cho huyện, xã trực tiếp quản lý nguồn lực, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các dự án cụ thể; giảm “cho không”, tăng cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình; gắn giảm nghèo với các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa, giáo dục, y tế... tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn lực, trực tiếp tham gia, giám sát, công khai, dân chủ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và quyền làm chủ của đồng bào DTTS; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chủ động tích cực vượt khó đi lên...; giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của đồng bào DTTS, như: tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, như: hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực để sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng DTTS và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Gia Bảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]