(Baothanhhoa.vn) - Tiếp tục diễn đàn góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Báo Thanh Hoá xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến đóng góp của các cán bộ, Nhân dân trong tỉnh.

Cần quy định cụ thể về đối tượng bị thu hồi đất

Tiếp tục diễn đàn góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Báo Thanh Hoá xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến đóng góp của các cán bộ, Nhân dân trong tỉnh.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quy định cụ thể về đối tượng bị thu hồi đất

Ông Nguyễn Quốc Hải , Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh:

Cần quy định cụ thể về đối tượng bị thu hồi đất và t hống nhất sử dụng một cụm từ chỉ đối tượng bị thu hồi đất để quá trình triển khai thực hiện luật được thống nhất

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quy định cụ thể về đối tượng bị thu hồi đất

Tại Điều 85 dự thảo Luật quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, trong điều luật sử dụng 2 cụm từ “người có đất thu hồi” “người SDĐ” để chỉ đối tượng bị thu hồi đất. Với việc quy định trên sẽ có các cách hiểu khác nhau và việc triển khai luật không đảm bảo tính thống nhất.

Hiện nay, có cách hiểu “người có đất thu hồi” là người được nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc người được đứng tên trong GCNQSDĐ là đối tượng bị thu hồi đất. Vì vậy, khi thực hiện thu hồi đất chỉ căn cứ vào GCNQSDĐ hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất để ban hành quyết định thu hồi đất.

Thực tiễn đã có trường hợp UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất của người đã chết (vì họ là người đứng tên trên GCNQSDĐ). Trong trường hợp này việc triển khai thực hiện quyết định thu hồi đất gặp nhiều vướng mắc vì không có đối tượng thực tế để thi hành quyết định thu hồi đất. Mặt khác, cũng có quan niệm cho rằng “người SDĐ” là người đang trực tiếp SDĐ mới là đối tượng bị thu hồi đất, vì vậy cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất đối với người đang trực tiếp SDĐ nhưng trên thực tế thửa đất bị thu hồi đứng tên chủ thể khác. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người liên quan đến thửa đất bị thu hồi.

Do vậy, đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể về đối tượng bị thu hồi đất và thống nhất sử dụng một cụm từ chỉ đối tượng bị thu hồi đất để quá trình triển khai thực hiện luật được thống nhất.

Cũng tại điều luật này, dự thảo Luật quy định “chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong khu vực có đất thu hồi cũng là đối tượng bị thu hồi đất là đúng nhưng chưa đủ, vì trên thực tế có nhiều trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong khu vực có đất thu hồi đã chết hoặc đã thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu nhưng chưa hoàn thành và người đang sử dụng tài sản gắn liền với đất trong khu vực có đất thu hồi là người sử dụng hợp pháp chứ chưa phải là chủ sở hữu. Do vậy, dự thảo luật cần phải quy định bổ sung thêm đối tượng là “người sử dụng hợp pháp” để phù hợp với thực tiễn.

Tại khoản 6, Điều 85 dự thảo luật có nội dung quy định: Việc thu hồi đất ở chỉ thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý. Về nội dung này, đề nghị cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp với quy định về nguyên tắc bồi thường tại khoản 3 Điều 89 dự thảo Luật vì việc bồi thường có thể được bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng hoặc bồi thường bằng nhà ở. Như vậy, nếu người bị thu hồi đất đã nhận nhà ở hoặc đã nhận đất khác mục đích sử dụng khi thu hồi đất ở, thì vẫn thực hiện việc thu hồi đất mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Tại Điều 89 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc bồi thường, trong đó việc bồi thường về đất quy định có thể bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng. Như vậy, trường hợp được bồi thường bằng đất và trường hợp được bố trí tái định cư là 02 nội dung độc lập. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 107 dự thảo Luật lại quy định đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất đủ điều kiện được bồi thường về đất thì được bố trí tái định cư là chưa đúng với tinh thần và chưa phù hợp với nguyên tắc bồi thường được quy định tại Điều 89 dự thảo Luật. Do vậy, đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể các trường hợp được bồi thường bằng đất và nguyên tắc bồi thường bằng đất để tránh trường hợp bất bình đẳng vì có thể có trường hợp bị thu hồi hàng nghìn m­­2 đất ở nhưng chỉ được bố trí 01 lô tái định cư trong khi địa phương vẫn có quỹ đất; đồng thời, quy định cụ thể các trường hợp không được bồi thường bằng đất, việc bố trí tái định cư và nguyên tắc xét bố trí tái định cư.

Tại khoản 3, Điều 104 dự thảo Luật quy định về việc lập quỹ hỗ trợ để thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 104 là không cần thiết, bởi lẽ nguồn của quỹ cơ bản sẽ từ nguồn ngân sách nhà nước (trích từ tiền sử dụng đất) và phải thiết lập một bộ máy để quản lý, vận hành đối với quỹ là không phù hợp với xu hướng tinh gọn bộ máy và tinh giảm biên chế theo tinh thần, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bỏ nội dung này trong dự thảo Luật và sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả như các chính sách hỗ trợ khác là phù hợp.

Bà Đỗ Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN TP Thanh Hóa:

Bổ sung quy định về việc xử lý đất đai và tài sản gắn liền với đất sau thu hồi

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quy định cụ thể về đối tượng bị thu hồi đất

Tại Điểm i khoản 1 Điều 80 của dự thảo Luật quy định “Đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư và tiền thuế tăng thêm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 147 của Luật này....

Việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư và tiền thuế tăng thêm theo quy định tại khoản này phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 của năm phát hiện vi phạm, quá thời hạn này mà người sử dụng đất không nộp tiền thì Nhà nước thu hồi đất. Trường hợp chậm tiến độ quá 48 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”. Quy định này đã được sửa đổi, bổ sung so với quy định hiện hành tại điểm i khoản 1 Điều 46 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, quy định sửa đổi chưa hợp lý. Việc ấn định nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư và tiền thuế tăng thêm phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 của năm phát hiện, quá thời hạn này mà người sử dụng đất không nộp tiền thì Nhà nước thu hồi đất là không công bằng cho các trường hợp, nhất là trường hợp phát hiện sát thời điểm ngày 31 tháng 12 của năm đó. Đề nghị thời hạn nộp tiền chậm không quá 6 tháng. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng chưa có quy định đối với trường hợp thu hồi đất do chưa nộp tiền đúng quy định này thì đất đai và tài sản gắn liền với đất bị thu hồi xử lý như thế nào. Đề nghị bổ sung quy định về việc xử lý đất đai và tài sản gắn liền với đất sau thu hồi.

Về nguyên tắc, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Tại khoản 5 Điều 143 quy định “Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một GCN ghi đầy đủ tên thành viên trên GCN và trao cho người đại diện. Đối với trường hợp GCN đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu các thành viên có chung QSDĐ của hộ gia đình có nhu cầu thì được cấp đổi GCN và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung QSDĐ”. Đây là điểm mới giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tất cả các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định việc xác định các thành viên có chung QSDĐ của hộ gia đình để ghi trên GCNQSDĐ do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Khái niệm “các thành viên này tự thỏa thuận” chưa rõ ràng, khó xác định tính đồng thuận, tự nguyện của tất cả các thành viên trong gia đình. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn về quy định ghi tên tất cả các thành viên trên GCN hộ gia đình và hướng dẫn cụ thể trường hợp người dân cần điều chỉnh, thay đổi thông tin người có quyền về tài sản đối với GCNQSDĐ đã được cấp trước đó.

Mai Phương và Tô Dung (ghi)


Mai Phương và Tô Dung (ghi)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]