(Baothanhhoa.vn) - Nhiều mô hình lò đốt rác thải trên địa bàn tỉnh từng được xem là những mô hình hay, hướng đi mới trong việc giải quyết những bất cập về rác thải cơ sở. Tuy nhiên, những lò đốt rác này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi rơi vào tình trạng “chết yếu”, dừng hoạt động. Nguyên nhân có thể kể đến như công nghệ lạc hậu, quy mô đầu tư, vận hành cũng như việc xã hội hóa để duy trì hoạt động gặp khó khăn...

Vì sao nhiều mô hình lò đốt rác tại các địa phương hoạt động thiếu hiệu quả?

Nhiều mô hình lò đốt rác thải trên địa bàn tỉnh từng được xem là những mô hình hay, hướng đi mới trong việc giải quyết những bất cập về rác thải cơ sở. Tuy nhiên, những lò đốt rác này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi rơi vào tình trạng “chết yếu”, dừng hoạt động. Nguyên nhân có thể kể đến như công nghệ lạc hậu, quy mô đầu tư, vận hành cũng như việc xã hội hóa để duy trì hoạt động gặp khó khăn...

Vì sao nhiều mô hình lò đốt rác tại các địa phương hoạt động thiếu hiệu quả?Mô hình lò đốt rác tại xã Hòa Lộc dừng hoạt động sau chưa đầy 5 năm vận hành.

Nhiều lò đốt rác dừng hoạt động

Công trình lò đốt rác thải tại xã Xuân Bình (Như Xuân) được khởi công xây dựng vào tháng 5-2018 và hoàn thành vào tháng 4-2019. Công trình này được đầu tư 11,3 tỷ đồng, với công suất xử lý đạt 7 - 9 tấn rác/ngày. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân. Đây là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, gồm các hạng mục: Đường vào bãi rác, khu vực xử lý rác (gồm nhà quản lý, nhà đặt lò đốt rác, nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể xử lý rác thải, bể nước, hố chôn lấp rác thải tạm thời, san nền, cổng tường rào, sân bê tông, rãnh thoát nước, bồn hoa).

Tuy nhiên hơn 3 năm qua, công trình này gần như rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Không sử dụng, vận hành, bảo dưỡng dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng của nhiều hạng mục công trình. Lò đốt hoen gỉ, dây cáp néo ống khói bị đứt, cột ống khói bị đổ gãy; khu nhà gồm phòng bảo vệ, nhà quản lý, nhà vệ sinh và nhà vận hành lò đốt bỏ hoang, dột nát. Bên trong khuôn viên của lò đốt rác, lượng rác thải được tập kết ngổn ngang chưa được xử lý...

Vì sao nhiều mô hình lò đốt rác tại các địa phương hoạt động thiếu hiệu quả?

Tương tự, trạm xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) được đưa vào vận hành, sử dụng năm 2014. Lò đốt đầu tư hệ thống xử lý rác thải với công suất 10 - 15 tấn/2 lò đốt/ngày, đêm, sử dụng công nghệ đốt nhiệt Nfi-05 và các hạng mục sân tập kết rác, sân phơi, hố chôn lấp, tổng mức đầu tư lên đến 15 tỷ đồng. Trạm được quy hoạch và xây dựng tại khu đồi Cà (thôn Đự, xã Thành Thọ) và được giao cho Công ty CP Giao thông công chính Thạch Thành vận hành, quản lý. Hệ thống lò đốt rác này được kỳ vọng sẽ xử lý hết lượng rác thải sinh hoạt của người dân trong huyện, thậm chí là cho cả một số xã thuộc các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung... Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, dự án bộc lộ nhiều hạn chế như, hạng mục đầu tư chưa đồng bộ, nhiều hạng mục chưa được đầu tư... Bên cạnh đó, chiếu theo thiết kế ban đầu, trạm này sẽ có 2 lò đốt rác với tổng công suất xử lý 10 – 15 tấn/ngày, đêm nhưng thực tế, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt thu gom tại thị trấn Kim Tân và các vùng phụ cận của huyện Thạch Thành đưa về xử lý tại đây lên tới 25 – 30 tấn. Quá tải, hoạt động không hiệu quả khiến cho dự án này từ mục tiêu xử lý rác thải đảm bảo môi trường, trở thành điểm gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Tại huyện Hậu Lộc, trung bình mỗi ngày huyện này phát sinh khoảng gần 90 tấn rác thải. Để thực hiện xử lý môi trường trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã xây dựng Phương án 08/PA-UBND, ngày 30-6-2016 quy hoạch cụm lò đốt rác tại 10 đơn vị. Trong quá trình triển khai, đã thực hiện xây dựng được 3 cụm lò đốt rác hoạt động với công suất 18 tấn/ngày, đêm tại các xã Đại Lộc, Hòa Lộc và Phú Lộc. Thời gian đầu khi đi vào vận hành, nhiều lò đốt đã phát huy tối đa hiệu quả trong việc xử lý rác thải tại địa phương, giúp cho các xã như Hòa Lộc, Phú Lộc, Đại Lộc, Xuân Lộc... hoàn thành chỉ tiêu môi trường, cán đích xã nông thôn mới. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhiều mô hình lò đốt dần bộc lộ những hạn chế, sự xuống cấp nhanh chóng công nghệ, công suất không đáp ứng được thực tế xử lý rác thải tại địa phương.

Vì sao nhiều mô hình lò đốt rác tại các địa phương hoạt động thiếu hiệu quả?

Đơn cử như lò đốt rác xã Hòa Lộc, công trình được đầu tư xây dựng năm 2018, với tổng vốn đầu tư lên đến 5,2 tỷ đồng, với mục tiêu xử lý rác thải cho địa phương và xã lân cận Xuân Lộc. Song, chưa đầy 5 năm hoạt động, mô hình lò đốt rác này rơi vào tình cảnh bỏ hoang, dừng hoạt động, gây ô nhiễm môi trường. Ghi nhận cho thấy, khuôn viên khu đốt rác rộng hơn 3.000m2, hiện đang là nơi tập kết lượng rác thải lớn còn tồn đọng chưa xử lý. Nhiều hạng mục của lò đốt hư hỏng, hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Nói về nguyên nhân mô hình này dừng hoạt động, ông Trịnh Xuân Hán, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho rằng: Theo thiết kế công suất ban đầu, lò đốt rác này sẽ xử lý 7 tấn rác/ngày, đêm, nhưng hiện lượng rác của 2 xã Hòa Lộc và Xuân Lộc là hơn 10 tấn/ngày, đêm. Bên cạnh đó, việc lò đốt rác được đầu tư công nghệ lạc hậu, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp công suất... dẫn đến tình cảnh hiện tại của mô hình này...

Bài toán cho “số phận” các lò đốt rác?

Theo báo cáo của UBND huyện Như Xuân, công trình lò đốt rác thải tại xã Xuân Bình từ khi được bàn giao cho đến tháng 10-2021, do không có đơn vị nhà thầu nhận thu gom, vận hành nên UBND xã Xuân Bình phải thuê người trông coi, bảo vệ. Tháng 11-2021, Công ty TNHH Thành Đạt nhận hợp đồng thu gom và vận hành lò đốt rác. Tuy nhiên, số lượng hộ dân tham gia đóng góp và thu gom rác trên địa bàn quá ít, ở phân tán khiến cho nguồn thu thấp, thu không đủ chi để vận hành. Việc nguồn thu không đảm bảo, doanh nghiệp này đã xin chấm dứt hợp đồng.

Ông Đinh Văn Phương, Chánh Văn phòng UBND huyện Như Xuân cho biết, UBND huyện cũng đưa ra phương án sẽ sửa chữa hư hỏng, bảo dưỡng, khắc phục lại máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, cho tổ chức công khai việc lựa chọn đơn vị đấu thầu thu gom, vận hành khu vực xử lý rác theo quy định. UBND xã Xuân Bình, Bãi Trành hỗ trợ đơn vị trúng thầu xây dựng phương án, họp bàn vận động Nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tổ chức thu gom rác đưa về khu xử lý rác thải để xử lý nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Vì sao nhiều mô hình lò đốt rác tại các địa phương hoạt động thiếu hiệu quả?

Được biết, để thực hiện theo Quyết định số 1592/QĐ-UBND, ngày 8-5-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 thì huyện Hậu Lộc đang phải xây dựng phương án, hướng dẫn các xã Đại Lộc, Phú Lộc, Hòa Lộc tiến tới dừng hoạt động các mô hình lò đốt rác nhỏ lẻ. Việc thực hiện lộ trình này cũng như thực trạng dừng hoạt động của các mô hình lò đốt rác đã và đang khiến cho nhiều xã trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Để đảm bảo tiêu chí môi trường, các xã này đã ký kết, đấu mối với các đơn vị môi trường trên địa bàn huyện vận chuyển rác thải ra khỏi địa phương. Tuy nhiên, mức giá vận chuyển tăng cao cũng khiến cho Nhân dân có nhiều ý kiến. Trong khi đó, mô hình lò đốt rác tại xã Phú Lộc - mô hình duy nhất còn tồn tại cũng đang rơi vào tình cảnh lay lắt. Ông Hoàng Văn Toàn, Giám đốc HTX Phú Lộc nói “Để duy trì hoạt động của lò đốt, chi phí duy trì, bảo dưỡng lớn gây ra những khó khăn nhất định”.

Để giải quyết những bức thiết về môi trường, rác thải, việc đầu tư một nhà máy xử lý rác hiện đại đi vào hoạt động, phục vụ cho tất cả các xã là giải pháp tối ưu nhất mà nhiều địa phương tại huyện Hậu Lộc kiến nghị. Đây cũng được xem là giải pháp mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mong muốn. Thực tế, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn tỉnh bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ngày 8-5-2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1592/QĐ-UBND phê duyệt phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 31 khu xử lý chất thải rắn, gồm 3 khu xử lý liên huyện và 28 khu xử lý tại các huyện.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có một số dự án xử lý chất thải rắn trọng điểm đang được đầu tư, như: nhà máy đốt rác phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn của Công ty TNHH Năng lượng môi trường TIANYU Thanh Hóa; nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam (Đông Sơn) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Ecotech; nhà máy xử lý CTR phường Quảng Minh, TP Sầm Sơn...

Để sớm giải quyết nhu cầu bức thiết về rác thải tại các địa phương, dư luận không khỏi mong mỏi những dự án trên đây sẽ sớm được triển khai, vận hành và phát huy hiệu quả.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]