(Baothanhhoa.vn) - Huyện Triệu Sơn có vị trí tiếp giáp giữa các huyện đồng bằng và miền núi, có địa hình đa dạng, chia làm 2 vùng rõ rệt: vùng trung du, miền núi và vùng đồng bằng, đồi thấp.

Triệu Sơn tăng cường trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Huyện Triệu Sơn có vị trí tiếp giáp giữa các huyện đồng bằng và miền núi, có địa hình đa dạng, chia làm 2 vùng rõ rệt: vùng trung du, miền núi và vùng đồng bằng, đồi thấp.

Triệu Sơn tăng cường trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thácHoạt động khai thác đất tại xã Hợp Thắng của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng - xuất nhập khẩu thương mại Việt Lào.

Nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) trên địa bàn huyện đa dạng về chủng loại với quặng cromit tập trung tại thị trấn Nưa và các xã Thái Hòa, Vân Sơn; đá làm vật liệu xây dựng tập trung tại các xã Đồng Thắng, Triệu Thành; đất làm vật liệu san lấp mặt bằng, sản xuất gạch ngói tập trung tại các xã Thọ Tiến, Hợp Thắng, Minh Sơn, Dân Lực, Dân Quyền, Thọ Bình, Thọ Sơn, Thọ Vực…; đất đồi có chứa hàm lượng quặng sắt thấp làm phụ gia xi măng tập trung tại xã Minh Sơn, Hợp Tiến, Hợp Thắng... Với trữ lượng TNKS phong phú, bên cạnh chú trọng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, huyện Triệu Sơn cũng tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ đối với TNKS chưa khai thác.

Đồng Thắng là xã có nguồn tài nguyên đá vôi, tập trung ở khu vực núi Vàng thuộc địa phận thôn Đại Đồng 3 với diện tích khoảng 57 ha. Tại khu vực này hiện có 2 mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và tận thu đá khối sản xuất đá ốp lát được cấp phép khai thác. Ông Phạm Trọng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng, cho biết: UBND cấp xã là đơn vị trực tiếp thực hiện các biện pháp bảo vệ TNKS chưa khai thác, giám sát việc chấp hành pháp luật về TNKS của các đơn vị có hoạt động khai thác trên địa bàn. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND xã Đồng Thắng đã thành lập tổ kiểm tra thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động khai thác của các đơn vị; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong khai thác khoáng sản cho người dân. Hoạt động khai thác, chế biến đá của các doanh nghiệp trên địa bàn những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, chủ yếu chỉ chế biến các loại đá làm vật liệu xây dựng thông thường, quy mô hoạt động giảm, số lượng công nhân không nhiều. Những năm trở lại đây, trên địa bàn xã không có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn, trên địa bàn huyện có 10 dự án được cấp phép khai thác khoáng sản với tổng diện tích 41,2 ha. Trong đó có 2 dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây đựng thông thường và tận thu đá khối sản xuất đá khối để xẻ tại xã Đồng Thắng (tổng diện tích 5,6 ha); 8 dự án khai thác sét làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel, đất làm vật liệu san lấp, đất làm nguyên liệu gạch không nung… tại các xã Hợp Thắng, Minh Sơn, Thọ Bình, Dân Lý, Dân Lực, Hợp Lý (tổng diện tích 35,6 ha, trong đó có 2 dự án hết thời hạn giấy phép khai thác, đang thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, 1 dự án đang hoạt động, 5 dự án chưa hoạt động). Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương lập hồ sơ cấp phép khai thác; quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản; có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản.

Để quản lý hoạt động khai thác TNKS trên địa bàn, huyện Triệu Sơn đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, như Chỉ thị số 08-CT/HU ngày 17-9-2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Sơn về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn huyện; UBND huyện Triệu Sơn đã có Quyết định số 8534/QĐ-UBND ngày 30-12-2021 ban hành phương án quản lý, bảo vệ TNKS chưa khai thác trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025.

Một số giải pháp trọng tâm mà huyện đề ra đó là UBND các xã, thị trấn, các phòng, ngành trong huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý TNKS chưa khai thác, các hình thức xử phạt đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép để Nhân dân biết và chấp hành. Nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các xã, thị trấn trong công tác quản lý TNKS. Cụ thể, UBND các xã có trách nhiệm tổ chức bảo vệ TNKS chưa khai thác trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác TNKS trái phép; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản. Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, bảo vệ TNKS chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý. Chủ tịch UBND xã, thị trấn nơi để xảy ra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép mà không có biện pháp xử lý hiệu quả, để diễn ra kéo dài thì phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xem xét có hình thức kỷ luật theo quy định. Nếu để cán bộ, đảng viên của đơn vị tham gia các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thì phải chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, UBND huyện. Huyện cũng yêu cầu các phòng, ngành, đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nghiêm các khu vực đã được quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, UBND huyện Triệu Sơn thường xuyên phối hợp với sở, ngành liên quan, UBND các xã có mỏ khoáng sản để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác TNKS của các đơn vị, như: việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong khai thác, vận chuyển và hoàn phục môi trường sau khai thác theo phương án được duyệt, hoàn trả các công trình hư hỏng trong quá trình vận chuyển đất, đá... Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện về quản lý, bảo vệ TNKS tăng cường kiểm tra các hoạt động khai thác trên địa bàn, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng trong năm 2022, huyện đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 2 trường hợp với số tiền xử phạt là 65 triệu đồng.

Mặc dù công tác quản lý Nhà nước về TNKS trên địa bàn huyện Triệu Sơn những năm gần đây được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, các vụ việc vi phạm giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, như: khai thác vượt ra ngoài mốc giới được cấp phép; một số đơn vị chưa kịp thời thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển; chưa báo cáo hoạt động khai thác TNKS đúng thời gian quy định...

Khoáng sản là tài nguyên hữu hạn, việc bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả là điều quan trọng. Thực tế, bảo vệ TNKS chưa khai thác là một nhiệm vụ khó khăn trong giai đoạn hiện nay, bởi phạm vi bảo vệ rộng, tính chất, mức độ, hành vi khai thác trái phép ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp trong phương án quản lý, bảo vệ TNKS chưa khai thác trên địa bàn huyện Triệu Sơn cũng như chú trọng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tạo sức răn đe là cách thức quan trọng để bảo vệ nguồn TNKS, vì sự phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]