(Baothanhhoa.vn) - Tháng 4-2018, Báo Thanh Hóa đã phản ánh tình trạng rác “bủa vây” rừng ngập mặn ven biển xã Đa Lộc (Hậu Lộc). Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương đã triển khai các giải pháp khắc phục quyết liệt, đồng bộ. Hiện, rác ở rừng phòng hộ xã Đa Lộc đã được dọn sạch, trả lại môi trường sinh thái trong lành cho rừng ngập mặn và cuộc sống người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trả lại môi trường sinh thái cho rừng phòng hộ xã Đa Lộc

Tháng 4-2018, Báo Thanh Hóa đã phản ánh tình trạng rác “bủa vây” rừng ngập mặn ven biển xã Đa Lộc (Hậu Lộc). Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương đã triển khai các giải pháp khắc phục quyết liệt, đồng bộ. Hiện, rác ở rừng phòng hộ xã Đa Lộc đã được dọn sạch, trả lại môi trường sinh thái trong lành cho rừng ngập mặn và cuộc sống người dân.

Rác thải tại rừng phòng hộ xã Đa Lộc đã được thu gom sạch sẽ.

Có mặt tại rừng phòng hộ xã Đa Lộc (Hậu Lộc) vào trung tuần tháng 6, chúng tôi không còn nhìn thấy cảnh các loại rác, như: Túi ni-lon, rẻ rách... bám chằng chịt trên những thân cây vẹt, cây bần như trước. Thay vào đó là một màu xanh trải dài ven biển tạo nên vành đai chắn sóng hữu hiệu. Những cây bần, cây vẹt đang vào mùa trổ hoa, cả cánh rừng ngập mặn ven biển như khoác trên mình bộ áo tinh tươm, tươi mới.

Chị Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN phụ nữ xã Đa Lộc, cho biết: “Cùng với các tổ chức đoàn thể trong xã, hội phụ nữ đã tích cực tuyên truyền cho hội viên hiểu rõ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, để từ đó có ý thức, trách nhiệm hơn với môi trường. Hội phụ nữ đã phát động hội viên ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường thường xuyên vào ngày mùng 5 hàng tháng. Riêng tháng 6, hội phụ nữ đã kịp thời phát động toàn thể hội viên tham gia dọn bờ kè ven biển, trực tiếp xuống biển nhặt rác bám trên các cây chắn sóng, phân loại rác ngay từ đầu để thuận lợi cho việc xử lý... Nhờ đó, những cánh rừng ngập mặn đã được hồi sinh”.

“Trong các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, mọi vật dụng bảo hộ, như: Khẩu trang, ủng, găng tay... đều do chị em tự trang bị và làm công ích. Lòng nhiệt tình, công sức bỏ ra thôi chưa đủ, vì vậy rất cần có sự hỗ trợ về kinh phí cho những người tham gia bảo vệ môi trường, để các hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng được duy trì thường xuyên và hiệu quả hơn” - Chị Phạm Thị Xuân, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Yên Hòa, xã Đa Lộc, chia sẻ.

Nhắc lại cảnh tượng rác “bủa vây” rừng phòng hộ xã Đa Lộc diễn ra cách đây hai tháng, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc khẳng định: Rừng phòng hộ xã Đa Lộc có diện tích hơn 400 ha, chủ yếu là cây vẹt và bần. Do địa bàn xã nằm ở vùng cửa Lạch Sung, khu vực bãi ngang bồi lắng, nên mỗi lần thủy triều lên đem theo một lượng rác thải ngoài khơi về, khi thủy triều rút xuống, rác mắc lại vướng vào cây chắn sóng, quá trình tích tụ đã khiến cho rừng phòng hộ bị ngợp bởi rác. Trước tình trạng trên, xã đã phát động các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, đơn vị, trường học và nhân dân địa phương đồng loạt ra quân dọn rác ở khu vực đê biển và rừng ngập mặn. Tuy nhiên, các hoạt động trên mới chỉ giảm được phần nào lượng rác, để xử lý được lượng rác lên đến hàng chục tấn mỗi tháng đòi hỏi phải có kinh phí lớn. Hiện nay, mỗi năm ngân sách xã đang phải chi trả khoảng hơn 100 triệu đồng cho việc xử lý rác, thuê xe thu gom chở rác..., nhưng vấn đề rác thải ở đây vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ. Vì vậy, xã đề nghị với UBND huyện Hậu Lộc sớm có chủ trương đầu tư xây dựng khu xử lý rác tập trung cho các xã ven biển.

Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp để giải quyết tình trạng rác thải ở các xã ven biển của huyện, ông Đồng Minh Quang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc, cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU “Về tập trung làm chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện”. Hàng tháng, huyện đã tổ chức phát động ra quân tổng vệ sinh môi trường đến 27 xã, thị trấn. Trong đợt ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5-6 và Tuần lễ biển hải đảo vừa qua, huyện đã huy động hàng nghìn lượt người thuộc các cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức đoàn thể tham gia bảo vệ môi trường làm sạch bờ biển và rừng phòng hộ xã Đa Lộc. Toàn huyện đã thu gom được hơn 40 tấn rác thải các loại và được xử lý bằng công nghệ đốt. Đến nay, tình trạng rác thải dọc tuyến ven biển của huyện Hậu Lộc đã được xử lý cơ bản đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, để môi trường biển luôn được đảm bảo thường xuyên, thiết nghĩ bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, các cấp, ngành địa phương cũng cần dành ra một phần kinh phí ngân sách tương ứng hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường. Coi phong trào toàn dân thi đua “Vệ sinh môi trường nông thôn” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Mỗi cán bộ, đảng viên, người có uy tín tiêu biểu ở thôn, xóm phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện phong trào làm vệ sinh môi trường để nhân dân học tập làm theo; đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền vận động gia đình, người thân, cộng đồng dân cư thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường nông thôn. Bởi vì xét cho cùng, chất lượng môi trường phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức và hành động của mỗi người và là trách nhiệm của cả cộng đồng.


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]