(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, vấn đề xử lý rác thải, chất thải y tế trên địa bàn tỉnh đã được các đơn vị trong ngành quan tâm, song thực tế vẫn còn những tồn tại cần được các cơ sở y tế kiểm soát chặt chẽ tránh lây lan bệnh tật trong cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường kiểm soát việc xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện

Những năm qua, vấn đề xử lý rác thải, chất thải y tế trên địa bàn tỉnh đã được các đơn vị trong ngành quan tâm, song thực tế vẫn còn những tồn tại cần được các cơ sở y tế kiểm soát chặt chẽ tránh lây lan bệnh tật trong cộng đồng.

Bệnh viện Đa Khoa huyện Quan Sơn vẫn dùng lò đốt chất thải y tế thủ công.

Ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn, mỗi ngày có hàng chục kg rác thải được thải ra trong quá trình khám chữa bệnh; lượng rác thải nguy hại trung bình phát sinh khoảng hơn 300kg/tháng được xử lý bằng lò đốt trong khuôn viên bệnh viện. Theo lãnh đạo bệnh viện, chất thải rắn nguy hại được phân loại triệt để ngay tại nơi phát sinh, sau đó được vận chuyển tới khu lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại của bệnh viện. Lò đốt chất thải nguy hại của bệnh viện được xây dựng từ năm 2006, công nghệ đốt dầu lạc hậu, sau một thời gian đi vào hoạt động đã xuống cấp, phải sửa chữa nhiều lần, chi phí vận hành và sửa chữa tốn kém. Theo quy định, hàng ngày bệnh viện phải vận chuyển chất thải nguy hại sang cụm Bệnh viện Đa khoa Quan Hóa cách 50 km là không thể nên hiện nay việc xử lý chất thải nguy hại, vật sắc nhọn tại bệnh viện vẫn sử dụng bằng lò đốt dầu thủ công tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường.

Trong đợt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại một số bệnh viện đa khoa công lập tuyến huyện cuối tháng 7-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện một số cơ sở vẫn còn tồn tại trong việc quản lý chất thải y tế. Tại Bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn, kết quả kiểm tra cho thấy, hệ thống xử lý nước thải tập trung không vận hành, chất lượng nước thải ra ngoài môi trường còn nhiều chỉ tiêu vượt QCVN. Trong khi đó, về xử lý chất thải rắn thì lò đốt không vận hành thường xuyên, hiệu quả xử lý không cao, quá trình đốt phát sinh nhiều tro xỉ, chất trơ...

Tại một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện khác như: Hoằng Hóa, Hà Trung, Như Thanh... hệ thống xử lý nước thải được thực hiện theo một chu trình kín, nước thải y tế được thu gom trong một hệ thống ống dẫn riêng sau đó xử lý trong khu xử lý chất thải lỏng và chỉ xả thải khi nước thải đầu ra đạt các tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải rắn vẫn còn nhiều tồn tại, một số cơ sở chưa được thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải chưa được buộc kín, thùng đựng chất thải chưa đáp ứng đúng quy định. Các bệnh viện này hiện đang thực hiện thu gom và chuyển về cụm theo hướng dẫn của Sở Y tế để xử lý.

Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3261/QĐ-UBND ngày 30-8-2017 về kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế cho tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Ngành y tế đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường y tế tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý chất rắn thải y tế theo mô hình cụm, Sở Y tế đã triển khai xây dựng 9 cụm xử lý rác thải bằng công nghệ không đốt, rác thải sẽ được thu gom và xử lý bằng công nghệ nghiền cắt và công nghệ tiệt trùng lò vi sóng hoặc hấp ướt liên hoàn.

Thực tế hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đều có các quy định, tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên về nội dung quản lý, xử lý rác thải y tế theo đúng quy định. Tuy nhiên, hiện việc quản lý chất thải y tế nguy hại vẫn còn những bất cập. Nhiều lò đốt rác do xây dựng đã lâu, công nghệ lạc hậu phải sửa chữa nhiều lần, chi phí vận hành tốn kém. Do thiếu kinh phí nên một số bệnh viện, việc xử lý chất thải theo cụm vẫn nằm trong lộ trình “sắp tới”; một số cơ sở y tế chưa có hướng dẫn phân loại và thu gom chất thải y tế cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Hầu hết việc vận chuyển rác thải nội bộ tại các cơ sở y tế thông qua các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường ký hợp đồng với cơ sở y tế thực hiện. Công tác lưu giữ chất thải y tế ở một số nơi quản lý chưa tốt...

Theo các chuyên gia y tế, chất thải y tế được xếp vào diện nguy hại, bởi trong chất thải y tế chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, có thể thâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau. Nước thải từ bệnh viện, rác thải y tế mang theo nhiều loại vi rút nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào các loại thủy sản, vật nuôi, rau thủy canh... Do vậy, ngành y tế và ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát việc xử lý chất thải y tế; chỉ đạo các cơ sở y tế xử lý chất thải theo quy định; các cấp, các ngành và mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn vệ sinh, phối hợp kiểm tra, giám sát việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải y tế theo đúng quy định, đảm bảo môi trường sống an toàn, sạch bệnh.


Bài và ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]