(Baothanhhoa.vn) - Hệ thống rừng đặc dụng (RĐD) trên địa bàn tỉnh có 2 vườn quốc gia (VQG), 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN), 2 khu bảo tồn loài, 4 khu di tích lịch sử văn hóa với tổng diện tích trên 82.123,44 ha. Trong đó, phần lớn diện tích thuộc VQG Bến En và 3 Khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên đại diện cho các hệ sinh thái rừng đặc trưng trên núi đá vôi, núi đất. Hiện nay, RĐD trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Nâng cao tính đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia

Hệ thống rừng đặc dụng (RĐD) trên địa bàn tỉnh có 2 vườn quốc gia (VQG), 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN), 2 khu bảo tồn loài, 4 khu di tích lịch sử văn hóa với tổng diện tích trên 82.123,44 ha. Trong đó, phần lớn diện tích thuộc VQG Bến En và 3 Khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên đại diện cho các hệ sinh thái rừng đặc trưng trên núi đá vôi, núi đất. Hiện nay, RĐD trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Nâng cao tính đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn, vườn quốc giaCán bộ Vườn quốc gia Bến En chăm sóc vườn ươm giống cây lim xanh.

Theo kết quả điều tra, hiện nay VQG Bến En có 2.947 loài động thực vật, trong đó có 571 loài động, thực vật quý hiếm nằm trong Danh lục Đỏ Việt Nam 2007. Với tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao như vậy, những năm qua thông qua các chương trình, dự án trong và ngoài nước, vườn đã đẩy mạnh công tác ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào bảo tồn và phát triển loài, động vật, như: sao lá to, pù hương, đinh hương, trò chỉ, lim xanh, hươu sao và một số loài chim nước... Cùng với đó, vườn đã thực hiện thành công hàng chục đề tài nghiên cứu phục hồi rừng; nghiên cứu kỹ thuật gây trồng một số loài cây thuốc quý, bảo tồn và phát triển cây lim xanh, bảo tồn ĐDSH hệ sinh thái núi thấp khu vực Bắc Trung bộ... Qua đó, giúp cho vườn lập được danh mục các loài thực vật, động vật, cây dược liệu, nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý và các tài nguyên động, thực vật phổ biến trong vườn. Hiện nay, vườn đã phát triển thành công hệ sinh thái đa dạng của rừng nhiệt đới, phục vụ yêu cầu bảo tồn nguồn tài nguyên quý hiếm kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2013 đến nay, vườn đã thực hiện thành công hàng chục dự án, đề tài, như: Dự án bảo tồn và phát triển loài lim xanh; dự án bảo tồn và phát triển loài sao lá to; dự án giám sát một số loài thực vật chỉ thị quý hiếm; đề tài nghiên cứu kỹ thuật gây trồng và phát triển loài chè vằng; dự án bảo tồn và phát triển loài vù hương; điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài chim nước; nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng sâm cau dưới tán rừng, bảo tồn cây lim xanh... Đã xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế - xã hội cho người dân vùng đệm, như: mô hình trồng ổi trắng số 1, trồng bương mốc, nuôi gà rừng lai, nuôi lợn rừng lai ở xã Hải Vân (nay là thị trấn Bến Sung); trồng giổi ăn hạt, bương mốc, nuôi nhím, nuôi hươu sao ở xã Xuân Thái... qua đó, góp phần nâng cao tính ĐDSH cho VQG Bến En.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay ở các khu bảo tồn, VQG có 1.417 loài thực vật rừng thuộc 712 chi, 191 họ, 76 bộ, 9 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 58 loài trong Danh lục Đỏ của Liên minh quốc tế BTTN và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) năm 2012, 46 loài trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007. Về động vật rừng có 1.811 loài động vật hoang dã thuộc 241 họ, 46 bộ, 4 lớp, trong đó có 94 loài nguy cấp, quý, hiếm, gồm: 28 loài thú, 35 loài chim, 15 loài bò sát, 6 lưỡng cư, 6 loài côn trùng, 4 loài cá. Có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu được ghi trong Danh lục Đỏ IUCN năm 2012; 56 loài ở mức đe doạ của Việt Nam được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và 71 loài được ghi trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Từ năm 2011 đến nay, đã điều tra phát hiện, bổ sung 402 loài thực vật, 25 loài thú, 58 loài chim, 14 loài bò sát, trong đó có loài rắn khuyết Nam Động, 9 loài lưỡng cư và phát hiện nhiều quần thể động vật quý có giá trị cho khoa học. Bên cạnh đó, các khu bảo tồn, VQG còn là nơi lưu giữ, bảo tồn rất nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn gen của các loài đặc hữu.

Để bảo tồn tính ĐDSH ở các khu bảo tồn, VQG, giai đoạn 2013-2021, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai hàng chục nhiệm vụ, đề án khoa học và công nghệ, dự án, nhiệm vụ về bảo tồn ĐDSH, được triển khai thực hiện tại các khu BTTN, VQG, như: “Bảo tồn và phát triển loài lim xanh ở VQG Bến En”; Dự án “Điều tra, bảo tồn loài voọc xám, các loài cu li tại Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động”; “Điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng Khu BTTN Pù Luông”; “Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài khỉ thuộc giống Macaca ở Khu BTTN Xuân Liên"; “Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố và bảo tồn loài rùa đầu to và rùa núi viền tại Khu BTTN Pù Hu”... Ngoài ra, triển khai thực hiện các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; điều tra, thống kê hiện trạng, quan trắc, lập danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm; lưu giữ, bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các nguồn gen động, thực vật quý, hiếm tại địa phương; mô hình quản lý khu BTTN có sự tham gia của cộng đồng và chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên; kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại... Qua đó, góp phần gìn giữ các giá trị quý giá của tài nguyên rừng, tài nguyên ĐDSH của tỉnh.

Bài và ảnh: Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]