(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai quyết liệt, khẩn trương các giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm khắc phục cho được những tồn tại trong hoạt động khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường.

Khẩn trương khắc phục tồn tại trong khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai quyết liệt, khẩn trương các giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm khắc phục cho được những tồn tại trong hoạt động khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường.

Khẩn trương khắc phục tồn tại trong khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựngCông nhân Doanh nghiệp tư nhân Hải Sâm vệ sinh xe tải trước khi ra khỏi công trường khai thác đá tại xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc).

Hàng loạt mỏ đá sai phạm

Ngay sau chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 6-2022, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, UBND cấp huyện và UBND cấp xã tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật ở các đơn vị khai thác, chế biến đá làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay. Đoàn đã tiến hành kiểm tra đối với 40 mỏ của 39 đơn vị trên địa bàn các huyện: Yên Định, Ngọc Lặc, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Nông Cống, Đông Sơn, Triệu Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, thị xã Bỉm Sơn và TP Thanh Hóa. Kết quả kiểm tra cho thấy, sau khi được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ, các tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện lập, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, cắm mốc giới, thực hiện đầu tư xây dựng các công trình theo dự án đầu tư được phê duyệt và tiến hành hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định.

Tuy nhiên, trên hiện trường, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện một số mỏ bị mất mốc giới hoặc mốc giới bị hư hỏng, vùi lấp; chủ mỏ chưa thực hiện đầu tư xây dựng đầy đủ công trình phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản theo hồ sơ thiết kế, dự án được thẩm định, phê duyệt hoặc đầu tư xây dựng không đúng so với hồ sơ thiết kế được duyệt; chưa đầu tư trạm nghiền sàng theo dự án đầu tư được phê duyệt. Cá biệt, một số đơn vị khai thác khoáng sản quản lý, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp chưa đúng theo quy định. Thêm vào đó là một số doanh nghiệp xây dựng công trình ngoài phạm vi khu đất được cho thuê; chưa niêm yết giá bán sản phẩm đá, nội quy an toàn lao động, quy định bảo quản và vận hành thiết bị tại nơi sản xuất; trang bị bảo hộ lao động cho công nhân chưa đầy đủ...

Từ những sai phạm này, đoàn kiểm tra đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 12 đơn vị với số tiền 684,32 triệu đồng đối với hành vi: chưa lập hồ sơ hoàn công xây dựng công trình; khai thác khoáng sản ra ngoài phạm vi giấy phép được cấp; xây dựng công trình sai thiết kế; sử dụng vật liệu nổ không đúng quy định. Trong đó còn nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản ra ngoài phạm vi khai thác theo giấy phép được cấp, như Công ty TNHH Việt Thanh Stone (xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc), HTX Khai thác chế biến đá Vĩnh Minh (xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc), Công ty TNHH Quế Sơn (phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn)...

Bên cạnh đó, dù mỏ đi vào hoạt động đã lâu, nhưng đến thời điểm kiểm tra, 7 doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư lắp đặt trạm nghiền sàng theo dự án đầu tư được phê duyệt, gây nguy cơ thất thoát, lãng phí tài nguyên, như Công ty TNHH Phúc Hương (xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Khánh Thành (xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc), Công ty TNHH Minh Hoàn (xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân)... Đáng nói, có tình trạng doanh nghiệp đã xây dựng các mục công trình nằm ngoài khu vực mỏ được cấp phép nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có hồ sơ thuê đất, như tại mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Phượng (xã Hà Đông, huyện Hà Trung)...

Sau báo cáo kết quả của đoàn kiểm tra, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan tập trung hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục tồn tại, hạn chế đã được đoàn kiểm tra chỉ ra. Yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ mỏ thực hiện hoạt động khai thác, chế biến đá làm VLXD đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường. Kiên quyết xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nếu vượt thẩm quyền.

Chính quyền địa phương cùng vào cuộc

Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Vĩnh Lộc đã ban hành công văn yêu cầu từng doanh nghiệp khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động khai thác, chế biến đá làm VLXD. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng trạm nghiền theo dự án được duyệt phải hoàn thành xây dựng trước ngày 20-7. UBND huyện Vĩnh Lộc cũng đã tổ chức kiểm tra, làm rõ mức độ vi phạm của các doanh nghiệp sau kiến nghị của đoàn kiểm tra đối với một số mỏ đá. Từ đó, huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 130 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp, với hành vi khai thác khoáng sản ngoài phạm vi khai thác theo giấy phép.

Là một trong những doanh nghiệp được kiểm tra và chỉ ra tồn tại, hạn chế trong khai thác đá làm VLXD tại xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc), Doanh nghiệp tư nhân Hải Sâm đã dừng việc khai thác ngoài mốc giới, triển khai xây dựng một số hạng mục công trình còn thiếu so với hồ sơ đã được phê duyệt. Đồng thời chú trọng thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động...

Tại huyện Nông Cống, từ cuối tháng 3-2023 đến nay, UBND huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra với sự tham gia của các phòng, ban liên quan và Công an huyện tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị khai thác, chế biến đá làm VLXD thông thường tại 3 mỏ đá trên địa bàn. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện ra nhiều sai phạm và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai thác ngoài mốc giới, xây dựng công trình không theo quy hoạch chi tiết 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khai thác không đúng với phương án và thiết kế đã được duyệt, hoặc chưa tuân thủ công tác bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ.

Ông Lê Hồng Tới, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống, cho biết. Trong thời gian tới, Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường nói chung và khai thác, chế biến đá nói riêng. Trong đó duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, đất đai và xây dựng.

Trong các giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khai thác, chế biến đá làm VLXD thông thường trên địa bàn, UBND huyện Hà Trung đã giao cho UBND cấp xã thường xuyên phân công lực lượng kiểm tra, giám sát các chủ mỏ thực hiện hoạt động khai thác, chế biến đá đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, xây dựng, môi trường; kiên quyết xử lý vi phạm theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị xử lý nếu vượt thẩm quyền. Đồng thời tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng đất tại các mỏ đá và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nếu vượt thẩm quyền theo quy định.

Nhìn chung, sau chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều địa phương trong tỉnh đã đồng loạt vào cuộc thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến đá làm VLXD thông thường. Qua đó vừa góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động này, vừa đáp ứng nhu cầu về đá VLXD trên địa bàn, cũng như đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Bài và ảnh: Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]