(Baothanhhoa.vn) - Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất... là những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp khẩn trương lấy ý kiến góp ý của người dân để sớm đưa luật đi vào cuộc sống.

Bảo đảm tính khả thi và sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống

Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất... là những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp khẩn trương lấy ý kiến góp ý của người dân để sớm đưa luật đi vào cuộc sống.

Bảo đảm tính khả thi và sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sốngToàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri thị xã Nghi Sơn về việc lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều... Một trong những điểm mới nổi bật của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là xác lập nguyên tắc yêu cầu và nội dung xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. Đặc biệt, Dự thảo Luật khẳng định nguyên tắc thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống ở mức bằng hoặc tốt hơn...

Tuy nhiên, để Dự thảo Luật bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, nhiều người cho rằng, Dự thảo Luật cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung bám sát với thực tiễn và nguyện vọng của đông đảo người dân. Minh chứng cho thấy tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh và tại các hội nghị lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị chức năng gần đây không ít cử tri, cán bộ, công chức, viên chức và người dân đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm liên quan đến nhiều vấn đề như: quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...

Theo ông Lê Như Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Anh Sơn (thị xã Nghi Sơn), Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, rất quan trọng, tính khả thi cao, được chuẩn bị và soạn thảo một cách công phu, chặt chẽ cả về nội dung lẫn bố cục, tập trung coi trọng việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bức xúc, những khó khăn, vướng mắc, bất cập, phát sinh từ thực tiễn, đảm bảo sự hài hòa và hướng tới lợi ích của người dân. Thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống của Nhân dân. Tuy nhiên, liên quan đến việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi, ông Hùng cho rằng khi thực hiện di dân tái định cư phải đảm bảo cân bằng về đơn giá, hạn mức diện tích giữa đầu đi và đầu đến. Đối với dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất, Dự thảo Luật nên quy định giá bồi thường phải cao hơn so với các dự án thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích khác. Cũng theo ông Hùng, Dự thảo Luật nên bỏ quy định đối tượng là “hộ gia đình sử dụng đất” nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Dự thảo Luật cũng nên quy định cụ thể hơn về xử lý trách nhiệm đối với việc chậm triển khai thực hiện dự án thu hồi đất, vì thực trạng này đã diễn ra trong những năm gần đây gây lãng phí, bức xúc dư luận...

Liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai, ông Lê Văn Định, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Lặc cho rằng, Dự thảo Luật nên nêu rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ có liên quan, nhất là các vụ việc tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định. Nhiều cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hồng Đức đề xuất bổ sung hình thức chuyển quyền “cho thuê, chuyển đổi” vào khái niệm chuyển quyền sử dụng đất; đồng thời đề nghị bổ sung đối với trường hợp “Hiến đất” tại Khoản 9 Điều 3 của Dự thảo Luật. Đề nghị bổ sung hình thức “dồn điền, đổi thửa” vào khái niệm tập trung đất nông nghiệp tại Khoản 43 Điều 3...

Có thể thấy, với nhiều nội dung mới, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quán triệt đầy đủ và cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, qua các hội nghị lấy ý kiến Nhân dân, vẫn còn không ít nội dung, yêu cầu đặt ra đòi hỏi các cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để thực hiện tốt hơn mong muốn của người dân và sớm đưa luật đi vào cuộc sống.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]