(Baothanhhoa.vn) - Một xã có tới 15 điểm mỏ khai thác đá được cấp phép, hoạt động. Con đường liên xã qua địa phận xã Hà Tân (Hà Trung) đang từng ngày phải “oằn mình” cõng hàng trăm lượt xe quá tải… Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi bặm do quá trình xay nghiền đá, vận chuyển vật liệu… để lại nhiều hệ lụy tiêu cực tác động lên đời sống người dân.

Áp lực… sống gần mỏ đá!

Một xã có tới 15 điểm mỏ khai thác đá được cấp phép, hoạt động. Con đường liên xã qua địa phận xã Hà Tân (Hà Trung) đang từng ngày phải “oằn mình” cõng hàng trăm lượt xe quá tải… Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi bặm do quá trình xay nghiền đá, vận chuyển vật liệu… để lại nhiều hệ lụy tiêu cực tác động lên đời sống người dân.

Áp lực… sống gần mỏ đá!Tình trạng vi phạm môi trường ở nhiều mỏ đá gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ô nhiễm bụi, tiếng ồn…

Khó khăn lắm chúng tôi mới có thể di chuyển được đến thôn Quan Tương, xã Hà Tân khi liên tục chứng kiến cảnh tắc đường do các xe tải trọng lớn tránh nhau. Chứng kiến tuyến đường liên xã với thiết kế thấp cấp phục vụ cho giao thông nông thôn nhưng lại đang phải “gánh” hàng loạt xe tải trọng lớn “3 chân, 4 chân” di chuyển, khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc. Theo người dân thôn Quan Tương thì các phương tiện trên di chuyển vào các mỏ khai thác đá để chở vật liệu, phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn. Thường thì tình trạng các xe quá tải vẫn di chuyển trên tuyến đường này vì địa phương là vùng mỏ đá. Tuy nhiên, mật độ và tần suất liên tục kể từ khi có dự án cao tốc triển khai qua địa bàn. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân dọc các thôn Quan Tương, Nam Thôn…

Ông Nguyễn Văn Lài, một người dân ở thôn Quan Tương chỉ tay về khu mỏ đá nằm ngay phía sau khu dân cư lắc đầu ngao ngán: Dù khoảng cách từ các mỏ khai thác, chế tác đá lên tới hơn 300m, tuy nhiên ông Lài khẳng định do mật độ các mỏ đá nhiều, hoạt động liên tục và không gian cánh đồng trống, khiến cho độ khuếch tán của bụi từ các mỏ đá này bao phủ trên phạm vi rộng, nhất là thời điểm hanh heo, bụi đá bao phủ lên cả khu dân cư. Nói về hoạt động khai thác đá tại địa phương, theo ông Lài thì quá trình này đã diễn ra từ những năm 1990 đến nay, tuy nhiên số lượng các mỏ được cấp phép, hoạt động, sản xuất rầm rộ thì bắt đầu từ những năm 2010 trở lại đây. “Hàng trăm hộ dân các thôn Quan Tương, Nam Thôn thời điểm giữa trưa, chiều tối vẫn nghe tiếng rầm rầm với những tiếng mìn nổ; ban ngày tiếng máy nghiền đá hoạt động liên tục với những âm thanh chát chúa; đêm đến, các xe tải trọng “khủng” chạy liên tục, bóp còi inh ỏi… tất cả tạo ra những áp lực to lớn tác động lên đời sống của người dân".

Ông Lài không khỏi thắc mắc khi các mỏ đá được cấp phép đã có quy định trữ lượng và khối lượng khai thác, nhưng kể từ khi có nguồn cung từ dự án cao tốc thì tần suất hoạt động của các mỏ đá, các xưởng xay nghiền hoạt động liên tục. Chính điều này đã làm gia tăng mức độ ô nhiễm bụi, tiếng ồn tác động đến các khu dân cư.

Mục sở thị khu mỏ đá khai thác tại xã Hà Tân, qua quan sát mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy một vùng rộng lớn được bao phủ bởi bụi do quá trình xay, nghiền đá nguyên liệu. Tiến lại gần, đa số các xưởng sản xuất, chế tác đá hoạt động nhếch nhác, nham nhở. Dù các đơn vị đã đầu tư hệ thống các bể chứa, lọc, tuy nhiên quá trình xả thải, lắng lọc còn sơ sài chưa đảm bảo môi trường. Đặc biệt, tuyến kênh mương Đồng Hang (thôn Nam Thôn) nguồn nước cũng bị ô nhiễm bởi các xưởng sản xuất, chế tác đá tại đây. Thời điểm chúng tôi có mặt, những xe vận tải cỡ lớn thay nhau ra vào các điểm mỏ. Trong đó không ít xe lựa chọn con đường liên xã, đi qua các khu dân cư, trường học để di chuyển. Bụi bặm và nguy cơ tai nạn là những điều hiển hiện.

Xã liên tục ra văn bản nhắc nhở

Trước thực trạng trên, theo phản ánh của người dân các thôn Nam Thôn, Quan Tương (xã Hà Tân) dù đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến chính quyền địa phương cũng như cấp ngành chức năng nhưng vì sao các đơn vị doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm các hoạt động về môi trường? Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Hà Tân cho rằng việc một xã có nhiều mỏ đá được cấp phép hoạt động tạo ra những áp lực nhất định về môi trường. Hiện tại, trên địa bàn xã có 13 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến đá, với 15 điểm mỏ được cấp phép. Năm 2021, UBND xã có thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các xưởng chế biến đá. Đến tháng 4-2022, xã cũng đã thành lập đoàn kiểm tra giám sát việc hoạt động của các cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nhiều đơn vị còn vi phạm về tiêu chí môi trường buộc phải dừng hoạt động, yêu cầu khắc phục.

Đơn cử như mới đây, thực hiện theo Thông báo số 129/TB-STNMT ngày 27-6-2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa về kết quả kiểm tra, xác minh theo phản ánh về ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất đá xẻ, chế biến đá ốp lát trên địa bàn thôn Nam Thôn, xã Hà Tân. UBND xã Hà Tân đã ban hành nhiều văn bản gửi đến các đơn vị doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện nghiêm theo Thông báo số 129. Cụ thể, ngày 5-7-2022, UBND xã Hà Tân có Văn bản số 92/UBND-ĐCXD về việc tạm dừng hoạt động sản xuất đá xẻ, chế biến đá ốp lát của Công ty TNHH Tĩnh Tuyết tại khu núi Cạnh Cò, thôn Nam Thôn. Yêu cầu công ty khắc phục các bể chứa nước thải, bột đá không để tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Cũng ngày 5-7, UBND xã Hà Tân ra Văn bản số 93/UBND-ĐCXD về việc tạm dừng hoạt động sản xuất đá xẻ, chế biến đá ốp lát của ông Mai Văn Chung, thôn Nam Thôn. Cụ thể, ông Mai Văn Chung thực hiện hoạt động sản xuất đá xẻ, chế biến đá ốp lát từ năm 2018 đến nay, không lập hồ sơ giấy tờ về môi trường. Các hoạt động thu gom, xử lý chất thải, hố lắng nước thải nhỏ, không đảm bảo quy cách… Tiếp đó, ngày 13-7-2022 UBND xã Hà Tân tiếp tục ban hành hàng loạt các văn bản số 97, 98, 99, 100 về việc yêu cầu khắc phục hậu quả các bể chứa nước thải, bột đá không để tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường trong cụm làng nghề Nam Thôn với các đơn vị doanh nghiệp như: Công ty TNHH Châu Quý, Công ty TNHH Hồng Gấm, Công ty TNHH Tuấn Hiền, Công ty TNHH Nam Sơn Dũng.

Trong khi đó, theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hà Trung, hiện tượng ô nhiễm môi trường do hoạt động khoáng sản vẫn còn xảy ra, nhưng mang tính cục bộ tại khu vực khai thác, chế biến khoáng sản, các đơn vị chưa áp dụng triệt để các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc xử lý các phương tiện chở đá, đất quá tải gây hư hỏng đường giao thông, rơi, vãi làm ô nhiễm môi trường của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện thường xuyên.

Để chấn chỉnh tình trạng trên rất cần sự tự giác trong hoạt động khai thác của các đơn vị được cấp phép mỏ cũng như sự quyết liệt trong phối hợp, kiểm tra, xử lý của các cấp chính quyền, cấp ngành chức năng huyện Hà Trung, nhằm đảm bảo về tiêu chí môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân vùng đất mỏ.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]