Liên hợp quốc và hàng loạt quốc gia lên án lệnh cấm UNRWA của Israel
Quốc tế phản đối quyết định của Quốc hội Israel cấm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động tại Israel và khu vực Đông Jerusalem.
Những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 29/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Liên đoàn Arab (AL) và các quốc gia Arab bao gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Jordan, đã phản đối quyết định của Quốc hội Israel cấm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động tại Israel và khu vực Đông Jerusalem.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gửi một lá thư tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để phản đối lệnh cấm trên. Ông cho rằng luật này có thể gây “hậu quả tàn khốc” cho người Palestine ở Gaza và Bờ Tây vì không có giải pháp thay thế hợp lý nào cho UNRWA trong việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ.
Ông kêu gọi Chính phủ Israel ngăn chặn những hậu quả tàn khốc như vậy và cho phép UNRWA tiếp tục thực hiện các hoạt động của cơ quan này tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem, theo đúng nghĩa vụ mà luật pháp quốc tế quy định.
Trong khi đó, Tổng thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit đã lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất đối với luật mới của Quốc hội Israel, đồng thời gọi quyết định của Tel Aviv là “phán quyết tước đoạt tương lai của hàng triệu người Palestine."
Ông chỉ ra rằng Israel không có thẩm quyền cấm UNRWA hoạt động, vì cơ quan này vốn được thành lập theo nghị quyết của Liên hợp quốc năm 1949, không phải do Israel lập ra. Ông nói thêm rằng Đại hội đồng Liên hợp quốc có trách nhiệm duy trì hoạt động của UNRWA, cơ quan cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục cơ bản cho người tị nạn Palestine tại các khu vực hoạt động của mình.
Ông Aboul-Gheit kêu gọi các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an phản đối “quyết định nguy hiểm này” của Israel, đồng thời cảnh báo về sự sụp đổ hoàn toàn của công tác nhân đạo tại Dải Gaza nếu không có UNRWA.
Cùng ngày 29/10 trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập coi hành động này là một phần trong chuỗi dài các hành vi vi phạm luật pháp và luật nhân đạo quốc tế của Israel, cho thấy sự thiếu tôn trọng ngày càng tăng đối với cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc. Cairo kêu gọi cộng đồng quốc tế và các thể chế của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, có lập trường cứng rắn với những vi phạm “rõ ràng và có hệ thống” này của Israel.
Ai Cập nhấn mạnh rằng “vai trò của UNRWA là không thể thay thế và thiết yếu," đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an thực hiện vai trò chính của mình trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng tái khẳng định sự phản đối mọi hành vi của Israel nhằm di dời người dân Palestine khỏi đất đai của họ, làm suy yếu quyền trở về và nhận bồi thường của người tị nạn Palestine.
Tương tự, Bộ ngoại giao Saudi Arabia cũng phản đối quyết định của Israel, gọi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế trong bối cảnh “thảm họa nhân đạo không thể diễn tả được” đối với người Palestine ở Gaza.
Trong một bài đăng trên tài khoản X, Bộ ngoại giao UAE lên án mạnh mẽ luật mới của Israel. UAE nêu rõ rằng lệnh cấm này vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo đang rất nghiêm trọng và ngày một xấu đi.
Về phần mình, Jordan đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của AL để thảo luận về phản ứng thống nhất của khối này đối với quyết định của Israel và huy động sự ủng hộ của quốc tế để phản đối quyết định này.
Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết nước này “rất lo ngại” trước lệnh cấm nói trên của Israel đối với hoạt động của UNRWA.
Theo ông Miller cho biết luật được thông qua ngày 28/10 này “gây rủi ro cho hàng triệu người Palestine” đang phụ thuộc vào UNRWA để được hưởng các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vai trò của UNRWA rất quan trọng không chỉ ở Gaza mà còn ở Bờ Tây và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn. Không tổ chức hay cá nhân nào có thể thay thế vai trò đó ngay bây giờ về mặt cung cấp thực phẩm, nước và các hỗ trợ nhân đạo khác cho người dân ở Gaza.
Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước lệnh cấm nói trên của Israel. Ông cho rằng luật này có nguy cơ khiến công việc thiết yếu của UNRWA trở nên bất khả thi, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho toàn bộ hoạt động nhân đạo quốc tế tại Gaza cũng như việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục thiết yếu ở Bờ Tây.
Nhà lãnh đạo Anh cũng nhấn mạnh tình hình nhân đạo ở Gaza là “không thể chấp nhận được... Cần phải ngừng bắn ngay lập tức, thả các con tin và tăng đáng kể viện trợ cho Gaza”./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-11-21 20:15:00
Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel
-
2024-11-21 15:56:00
Hòn đảo rộng 1,1 triệu m2 bỗng dưng biến mất
-
2024-10-30 12:48:00
Trung Quốc: Tàu vũ trụ Thần Châu-19 lắp ghép thành công với trạm Thiên Cung
Nga tập trận tấn công hạt nhân cảnh báo phương Tây
EU áp thuế bổ sung đối với ôtô điện nhập khẩu của Trung Quốc
Chiến sự Trung Đông: Lebanon báo cáo số người chết cao nhất trong một tháng, Hezbollah có thủ lĩnh mới
Quốc hội Hàn Quốc tưởng niệm 2 năm ngày xảy ra thảm kịch giẫm đạp Itaewon
Iran và Israel sẽ sử dụng vũ khí gì nếu chiến tranh trên không xảy ra?
Bầu cử Mỹ: Trump kêu gọi sự ủng hộ của cử tri theo tôn giáo, Harris nói về việc làm
EU và Anh đạt thỏa thuận hợp tác trong vấn đề cạnh tranh
Nga tuyên bố nhà máy vũ khí Đức ở Ukraine là mục tiêu hợp pháp
Nga tiến hành cuộc tập trận hạt nhân chiến lược