(Baothanhhoa.vn) - Đã có những cánh đồng liên kết sản xuất nông nghiệp được hình thành, hiệu quả cũng đã được minh chứng. Đó là khi các bên liên kết đều tuân thủ nghiêm các điều khoản cam kết trong hợp đồng. Thế nhưng, cũng có không ít những cánh đồng liên kết từng nhận “trái đắng” bởi vẫn duy trì tư duy sản xuất cũ, “mạnh ai nấy làm” trong quá trình thực hiện.

“Xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp”: Bài 2 - Liên kết lỏng lẻo, hiệu quả kém

Đã có những cánh đồng liên kết sản xuất nông nghiệp được hình thành, hiệu quả cũng đã được minh chứng. Đó là khi các bên liên kết đều tuân thủ nghiêm các điều khoản cam kết trong hợp đồng. Thế nhưng, cũng có không ít những cánh đồng liên kết từng nhận “trái đắng” bởi vẫn duy trì tư duy sản xuất cũ, “mạnh ai nấy làm” trong quá trình thực hiện.

“Xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp”: Bài 2 - Liên kết lỏng lẻo, hiệu quả kémVùng trồng chuối tiêu hồng tại xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc). Ảnh: Hương Thơm

Tin liên quan:
  • “Xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp”: Bài 2 - Liên kết lỏng lẻo, hiệu quả kém
    “Xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp”: Bài 1 - Kỳ vọng về ...

    Để từng bước hướng đến nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xúc tiến việc phát triển, mở rộng sản xuất theo hướng liên kết vùng. Không những mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn trên từng đơn vị diện tích canh tác, việc triển khai sản xuất theo hướng liên kết vùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, HTX đã nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, xây dựng các chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm - góp phần quan trọng giải quyết bài toán “được mùa, mất giá”.

Câu chuyện làm thế nào để xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp luôn là vấn đề được ngành nông nghiệp và các địa phương trăn trở. Trên thực tế, việc thu hút doanh nghiệp để xây dựng và phát triển các vùng liên kết đã được tỉnh Thanh Hóa chú trọng thực hiện từ nhiều thập niên trước. Tiên phong trong việc xây dựng được vùng liên kết trên địa bàn tỉnh phải nói đến cây mía nguyên liệu. Việc liên kết vùng sản xuất mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh được bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ XX. Trải qua hơn 40 năm, với nhiều thăng trầm, có thời điểm cây mía đứng trước nguy cơ bị “bức tử”, nhưng đến nay, những vùng liên kết mía nguyên liệu giữa các doanh nghiệp mía đường với nông dân vẫn được duy trì. Xét về quy mô liên kết, đến thời điểm này, vẫn chưa có loại cây trồng nào có vùng liên kết vượt qua được cây mía nguyên liệu.

Những hộ dân trồng mía tại các huyện trọng điểm, như: Thạch Thành, Thọ Xuân, Như Thanh cho biết: Sở dĩ, vùng liên kết sản xuất mía nguyên liệu giữa các doanh nghiệp và hộ trồng mía được duy trì bền chặt qua nhiều thập niên là bởi quá trình liên kết luôn có sự đồng thuận, sẻ chia giữa doanh nghiệp và người dân. Thời điểm doanh nghiệp gặp khó, nông dân sẵn sàng chia sẻ và ngược lại, có những thời điểm việc sản xuất gặp bất lợi về thời tiết, biến động của thị trường, các hộ dân đều nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời từ phía các doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cùng với việc bảo đảm quyền lợi, lợi ích cho nông dân, các công ty mía đường không ngừng đổi mới công nghệ, phương thức sản xuất phù hợp với tình hình thực tế để duy trì mối liên kết, giữ vùng nguyên liệu. Điển hình như Công ty CP Mía đường Lam Sơn, để thích ứng cùng với việc “thay máu” vùng nguyên liệu bằng các giống mía đạt năng suất, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất, chế biến, công ty luôn nỗ lực thực hiện chiến lược “làm mới cây mía, hạt đường” bằng việc đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất các sản phẩm mới, tạo niềm tin cho người dân. Chính vì những lẽ đó, nên dù hiện tại, hiệu quả kinh tế của diện tích trồng mía nguyên liệu đang “chạm đáy” so với những cây trồng khác, song nhiều hộ dân vẫn không từ bỏ.

Trong lộ trình phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cùng các huyện, thị xã, thành phố đã nỗ lực hình thành và phát triển thêm những vùng liên kết sản xuất. Theo đó, nhiều cánh đồng liên kết với các loại cây trồng mới đạt hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành, như: Vùng trồng khoai tây phục vụ chế biến, ngô ngọt, chuối tiêu hồng, đậu tương rau, cây thức ăn chăn nuôi... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số vùng liên kết đã bị đứt gãy. Đơn cử như sự việc xảy ra trong vụ 2017-2018; thời điểm đó, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh để trồng khoai tây phục vụ chế biến. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, các địa phương đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, vận động, khuyến khích các hộ dân sản xuất theo phương thức liên kết với doanh nghiệp. Có những huyện diện tích liên kết trồng khoai tây đã được mở rộng lên tới hàng trăm ha. Thời điểm đó, ngành nông nghiệp kỳ vọng sẽ xây dựng được vùng nguyên liệu mới, phục vụ chế biến, phát triển bền vững. Thế nhưng, chỉ sau một vài vụ sản xuất, mối liên kết này gần như bị đứt gãy. Do quá trình thực hiện liên kết các hộ dân “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự giám sát trong cộng đồng, của các đơn vị trung gian và chính quyền địa phương, nên xảy ra tình trạng người dân tự ý phá vỡ hợp đồng bán sản phẩm ra bên ngoài với giá cao hơn của doanh nghiệp và ngược lại, doanh nghiệp thu mua sản phẩm với giá thấp hơn nhiều so với cam kết trong hợp đồng. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp vi phạm cam kết về thời gian thanh toán tiền sản phẩm cho nông dân.

Lại có những vùng liên kết bị thất bại không phải ở việc “bội tín” mà là sự thiếu thống nhất, tùy tiện, không tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật canh tác, khiến chất lượng sản phẩm không đạt, doanh nghiệp đành ngậm ngùi bỏ cuộc. Đơn cử như mô hình liên kết trồng chuối tiêu hồng ở huyện Vĩnh Lộc. Năm 2019, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chủ động đấu mối với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để trồng và phát triển cây chuối tiêu hồng phục vụ chế biến. Theo đó, trên cơ sở đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cuối năm 2019, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX vận động, hướng dẫn các hộ dân liên kết với công ty để đưa cây chuối tiêu hồng vào trồng tại các xã trên địa bàn. Để xây dựng được vùng liên kết trồng chuối tiêu hồng, huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo các xã rà soát, lựa chọn những diện tích, khu đồng phù hợp từ 5 ha trở lên để triển khai trồng cây chuối tiêu hồng. Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ cây giống, với mức hỗ trợ 10.000 đồng/1 cây giống đối với diện tích trồng chuối tiêu hồng có quy mô từ 5 ha trở lên, tương đương với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/ha. Theo đó, hàng tỷ đồng đã được huyện Vĩnh Lộc chi ra để phát triển diện tích trồng chuối tiêu hồng. Nhờ đó, chỉ sau gần một năm triển khai, diện tích chuối tiêu hồng đã được mở rộng tại 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với tổng diện tích gần 80 ha. Tuy nhiên, hiện tại, vùng sản xuất chuối tiêu hồng của huyện Vĩnh Lộc đã bị phá vỡ, nhiều hộ dân, HTX đã chặt bỏ. Diện tích chuối tiêu hồng giảm nhanh, hiện chỉ còn khoảng hơn 40 ha.

Nói về nguyên nhân khiến vùng liên kết chuối tiêu hồng bị phá vỡ, ông Lê Văn Tiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chuối tiêu hồng để phục vụ xuất khẩu, nên yêu cầu về sản phẩm rất khắt khe. Buồng, nải và quả chuối phải bảo đảm kích thước theo tiêu chuẩn, đồng đều, các chỉ tiêu về chất lượng phải được bảo đảm. Vì vậy, trước khi thực hiện mô hình, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã cho cán bộ chuyên môn đến tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch chuối. Cùng một công thức chăm sóc, song khi triển khai trồng đại trà, có địa phương, hộ dân làm tốt, sản phẩm đạt chất lượng, lại có hộ, đơn vị không có sự trao đổi, không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, trong khi đó, doanh nghiệp lại thiếu sự giám sát kỹ thuật, nên sản phẩm không đạt yêu cầu, doanh nghiệp không thu mua. Vùng liên kết cũng theo đó bị phá vỡ.

Từ thực tế sản xuất cho thấy, việc xây dựng được những vùng liên kết sản xuất đã khó, nhưng giữ được liên kết vùng càng khó khăn gấp bội. Trong nhiều hội nghị của ngành nông nghiệp, vấn đề liên kết vùng đã được đưa ra bàn thảo. Đại diện lãnh đạo một số huyện có diện tích cây trồng liên kết lớn, như: Yên Định, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc... cho rằng: Hiện nay, việc liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp đang còn có nhiều nút thắt. Một trong những “nút thắt” lớn nhất hiện nay trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chính là sự “bội tín”, không tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng. Sự việc này diễn ra từ cả 2 phía, có khi là từ phía doanh nghiệp, lại có trường hợp xảy ra từ phía người dân. Về phía doanh nghiệp, sự bội tín chủ yếu tập trung ở vấn đề giá thành thu mua sản phẩm, thời gian thanh toán..., khiến người dân bức xúc, mất niềm tin. Về phía người dân, cũng không ít lần bội tín với doanh nghiệp, khi cố tình vi phạm điều khoản trong hợp đồng để bán sản phẩm ra bên ngoài với giá cao hơn. Điều đáng nói là, dù trong hợp đồng liên kết đều nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên, song khi xảy ra sự việc, trách nhiệm lại không hề được làm rõ, không có bên nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm. Thế nên, nông dân bị mất niềm tin, còn doanh nghiệp thì lo sợ, e dè trong việc duy trì, mở rộng vùng nguyên liệu.

Ông Văn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phát, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, cho biết: Là doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh, nên công ty luôn mong mỏi xây dựng và phát triển được vùng nguyên liệu phục vụ việc kinh doanh; tuy nhiên, hiện công ty đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển vùng nguyên liệu. Đơn cử như vụ đông năm nay, công ty xây dựng kế hoạch liên kết với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh để sản xuất 1.000 ha giống ớt lai 20 và 1.000 ha ngô ngọt. Theo đó, công ty đã đến đặt vấn đề với các huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Quảng Xương... để triển khai thực hiện. Chính quyền các địa phương đều ủng hộ, tạo điều kiện để công ty kết nối với các xã, thị trấn, HTX để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, khi triển khai xuống các hộ dân thì đều bị từ chối, bởi họ sợ doanh nghiệp lại sẽ thu mua giá thấp hơn cam kết trong hợp đồng và không thanh toán tiền đúng hạn. Hiện, công ty mới thực hiện liên kết sản xuất được 400 ha ngô ngọt.

Đối với Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, với mong muốn có được vùng nguyên liệu sạch, đúng tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm mỗi năm thu mua được khoảng 15.000 tấn dứa nguyên liệu phục vụ chế biến, công ty đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong và ngoài tỉnh đưa kỹ sư nông nghiệp trực tiếp đến hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng dứa để phát triển vùng nguyên liệu tại các huyện Yên Định, Cẩm Thủy và thị xã Bỉm Sơn, với tổng diện tích 200 ha. Thế nhưng, do nhiều hộ dân chưa tuân thủ nghiêm quy trình trồng, chăm sóc theo hướng dẫn, nên sản phẩm chất lượng thấp. Ông Lê Trường Tùng, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, cho biết: Mặc dù công ty đã chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo chiều sâu để có được những sản phẩm chất lượng, song mỗi năm công ty chỉ có khoảng 50 đến 60% lượng nguyên liệu đạt loại 1 và loại 2, nên tình trạng “thiếu trong thừa” nguyên liệu vẫn thường xuyên xảy ra. Vì vậy, mặc dù dư địa vùng sản xuất còn khá lớn, xong doanh nghiệp hiện vẫn phải nhập 40% nguyên liệu từ tỉnh ngoài để phục vụ sản xuất.

Thực tế trên đặt ra cho ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần có lộ trình phát triển với những nhóm giải pháp phù hợp để xây dựng được những vùng liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, điều mấu chốt là phải giải được bài toán làm thế nào để quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không còn bị đứt gãy.

Nhóm P.V Kinh tế

Bài cuối: Để không bị đứt gãy.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]