(Baothanhhoa.vn) - Đối với người dân xã Xuân Lập (Thọ Xuân), việc duy trì và phát huy nghề truyền thống, không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Xuân Lập phát triển nghề truyền thống

Đối với người dân xã Xuân Lập (Thọ Xuân), việc duy trì và phát huy nghề truyền thống, không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Xã Xuân Lập phát triển nghề truyền thống

Nghề làm bánh lá răng bừa tại xã Xuân Lập (Thọ Xuân).

Nhắc đến “đất nghề” Thọ Xuân, nghề truyền thống làm bánh lá răng bừa tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập không thể không nói đến. Theo người dân địa phương, trước đây, loại bánh này chỉ được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, Tết Nguyên đán; tuy nhiên, đến nay, bánh răng bừa được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và trở thành nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Ghé thăm cơ sở làm bánh lá răng bừa của gia đình anh Đỗ Viết Chung, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động hăng say của những người thợ làm bánh. Đôi bàn tay khéo léo trộn bột, gấp lá nhìn qua tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn ở từng công đoạn và bí quyết để cho ra đời những chiếc bánh thơm ngon. Anh Chung cho biết: Gạo để làm ra chiếc bánh là loại gạo tẻ 13/2 đều hạt, bóng, thơm do người dân xã Xuân Lập gieo trồng, sau đó ngâm trong nước lạnh khoảng 2 – 3 giờ rồi đem xay thành bột nước sao cho bột dẻo và nhỏ mịn. Tiếp đến, ráo bột là khâu rất quan trọng bởi nó đòi hỏi người làm phải biết pha lượng nước trong bột và lượng muối vừa phải. Sau khi pha nước xong thì bắc lên bếp để lửa cháy nhỏ, người làm phải luôn quấy đều, để bột không bị vón cục, cứ như vậy đến khi bột đủ độ dẻo. Lá để gói bánh răng bừa thường là lá chuối tươi không quá non cũng không quá già; lá chuối cắt xong, rửa sạch, rọc hết xương sống, hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá, cắt từng tấm lá đủ để quấn một cái bánh, rồi lau sạch. Nhân bánh gồm có thịt lợn nạc vai băm nhỏ trộn với hành khô, mộc nhĩ và nêm các gia vị như hạt tiêu, muối trắng vừa phải, sau đó xào chín cho nhân vừa đậm đà, thơm ngon. Sau khi đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị sẽ là khâu gói bánh. Cho một lượng bột vừa đủ vào lá chuối và cho nhân bánh vào giữa. Rải dọc theo chiều lá chuối và cuốn lại, xoay bánh nhẹ tay để bánh tròn đều... Hiện nay, cơ sở của gia đình anh Chung mỗi tháng xuất bán khoảng hơn 20 nghìn chiếc bánh, doanh thu hơn 40 triệu đồng/tháng.

Được biết, xã Xuân Lập hiện có 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa; mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 12 triệu chiếc bánh, doanh thu hơn 20 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho hơn 300 lao động, với thu nhập bình quân từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Vừa qua, sản phẩm bánh lá răng bừa Xuân Lập đã được Chủ tịch UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3. Bên cạnh nghề làm bánh lá răng bừa, xã còn duy trì và phát triển nghề mộc truyền thống với các sản phẩm có mẫu mã đa dạng; người dân đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật, mua sắm các loại máy móc hiện đại để sản xuất và toàn xã có khoảng 50 hộ tham gia sản xuất, doanh thu đạt từ 30 đến 50 tỷ đồng/năm.

Đại diện lãnh đạo UBND xã cho biết: Để phát triển bền vững các nghề truyền thống, thời gian tới, xã sẽ tích cực hỗ trợ người dân mở rộng và phát triển về quy mô, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Chú trọng hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề được thực hiện liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; cơ sở tự đào tạo nghề, truyền nghề; mời chuyên gia đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề mới. Bên cạnh đó, khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác trong làng nghề; huy động nguồn vốn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất; tiếp tục bảo tồn, phát triển các nghề đang hoạt động, có khả năng phát triển; nghiên cứu để du nhập một số ngành nghề, sản phẩm mới có lợi thế về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ.

Bài và ảnh: Lê Ngọc


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]