(Baothanhhoa.vn) - Trao con giống, tạo sản nghiệp được xem là giải pháp giảm nghèo hiệu quả khi các hộ nghèo được “trao cần câu” để chủ động vươn lên trong cuộc sống. Tuy con giống (lợn, bò, dê...) được trao không nhiều, nhưng việc làm này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp rất nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng giáp biên thoát nghèo, có cuộc sống đủ đầy hơn.

Trao con giống - tạo sản nghiệp

Trao con giống, tạo sản nghiệp được xem là giải pháp giảm nghèo hiệu quả khi các hộ nghèo được “trao cần câu” để chủ động vươn lên trong cuộc sống. Tuy con giống (lợn, bò, dê...) được trao không nhiều, nhưng việc làm này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp rất nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng giáp biên thoát nghèo, có cuộc sống đủ đầy hơn.

Trao con giống - tạo sản nghiệpHội LHPN tỉnh trao con giống cho các thành viên THT chăn nuôi lợn nái đen sinh sản do phụ nữ làm chủ ở xã Phú Lệ (Quan Hóa).

Niềm vui tái đàn sinh kế

Sau 4 giờ di chuyển từ TP Thanh Hóa, đoàn chúng tôi đã có mặt tại bản Sại, xã Phú Lệ (Quan Hóa) để chứng kiến không khí bà con nhận con giống là những cặp lợn nái đen sinh sản. Mỗi hộ được hỗ trợ một cặp (1 mẹ, 2 con hoặc hai con nái) nuôi để nhân đàn. Bản Sại có địa hình núi cao, dốc. Hộ dân sống gần các con suối nhỏ có nguy cơ sạt lở cao nên đã có nhiều hộ mất trắng sản nghiệp vào mùa mưa bão. Việc làm thêm không có, nông sản thu hoạch không ổn định nên đời sống còn nhiều khó khăn. Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ không hoàn lại nguồn vốn giúp các hộ cùng nhau tạo dựng cơ nghiệp. Ngày đi nhận con giống, hầu như gia đình nào cũng có tới 2 hoặc 3 người đi cùng với tâm trạng háo hức. 20 hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo của bản Sại được nhận con giống đều tham gia tổ hợp tác (THT) nuôi lợn nái đen sinh sản do nữ làm chủ ở xã Phú Lệ. Mặc dù các chị không phải hoàn lại vốn cho tổ chức hội, nhưng phải có trách nhiệm chăm sóc tốt để sinh sản và lứa đầu sẽ trao cho hội LHPN xã để rà soát trao cho hộ nghèo, hộ khó khăn khác để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Những con lợn giống, những bao thức ăn và hơn cả là lời động viên của cán bộ hội, chính quyền địa phương đã giúp các hộ có động lực tiếp tục xây dựng cuộc sống sau nhiều năm khó khăn. Chị Hà Thị Huân (sinh năm 1992), thành viên THT cho biết: Tôi được hỗ trợ 1 lợn nái kèm 2 lợn con. Gia đình đã làm chuồng kiên cố. Vợ chồng tôi rất phấn khởi. Đây là động lực giúp gia đình tôi và nhiều gia đình trong bản thoát nghèo.

Trao con giống - tạo sản nghiệp

Cán bộ hội LHPN phường Xuân Lâm thăm, động viên chị Lê Thị Hường, tổ dân phố Vạn Xuân Thành - đối tượng được hội trao con giống để thoát nghèo.

Đến thăm hộ gia đình chị Lê Thị Hường, tổ dân phố Vạn Xuân Thành, phường Xuân Lâm (thị xã Nghi Sơn), chúng tôi thật sự mừng cho mẹ con chị đã thoát nghèo hơn 1 năm nay. Chị Hường kể: "Năm 2015, gia đình tôi được trao 1 con bê cái sinh sản đúng lúc gia cảnh vô cùng khó khăn, chồng bị bệnh hiểm nghèo. Một mình nuôi 3 con ăn học trong điều kiện nhà nông cực kỳ chật vật. Như “vớ được cọc” giữa dòng sông, ngày nhận con giống, mẹ con tôi vui mừng dắt bò về mà rơi nước mắt”.

Sau 6 năm, nụ cười của chị Hường đã trở lại, dần xóa đi những đường nét khắc khổ trên khuôn mặt. Từ 1 con bê cái sinh sản được trao ban đầu, mẹ con chị chăm sóc đã sinh thêm được 5 con, trong đó, chị Hường đã bán được 2 con để chi phí sinh hoạt và làm vốn buôn bán nhỏ ở chợ. Hiện còn 3 con (1 mẹ, 2 con) đang được nuôi để nhân đàn và bán lấy vốn quay vòng.

Chị Đỗ Thị Thơm, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Lâm, cho biết: “Phong trào đàn bò tình thương được Hội LHPN thị xã chỉ đạo thực hiện từ năm 2011, phường Xuân Lâm là đơn vị đầu tiên có hộ được trao con giống. Đến nay, hội đã trao 14 con bò gốc cho 14 hộ. Số bò gốc đã sinh sản được 33 con bê con qua các năm. Nhiều hộ chăm sóc tốt, nên từ 1 con giống ban đầu đã sinh sản được từ 2 đến 5 bê con/hộ.

Được tận mắt chứng kiến niềm vui tái đàn, tạo dựng sản nghiệp của các hộ mới thấy được nguồn cảm hứng gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn từ những con giống - niềm tin.

Chọn phương pháp - tạo sản nghiệp

Nếu cứ cho “con cá” mà không cho chiếc “cần câu” thì hộ nghèo vẫn mãi nghèo; không chỉ ra phương thức làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và liên kết các hộ cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau giữa các hộ thì họ vẫn lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Nhận thấy đây là một trong những hạn chế làm cho kết quả giảm nghèo không đạt được như mục tiêu đề ra, sau nhiều lần rà soát, triển khai thực hiện các chương trình, dự án để rút kinh nghiệm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn hội cấp dưới xây dựng các mô hình, phương án hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo phát triển kinh tế phù hợp, trong đó chú trọng hợp đồng trách nhiệm và quản lý tài sản, tài chính đối với những mô hình hỗ trợ hộ nghèo để hộ nghèo nhận thức đúng, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Thay vì cho không như trước đây, nhiều năm nay, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã xây dựng phương án hỗ trợ hộ nghèo sản xuất bằng cách thu hồi vốn hỗ trợ bằng tiền để gây quỹ quay vòng hoặc thu hồi bằng hiện vật của đối tượng được hỗ trợ để luân chuyển, quay vòng trao cho hộ nghèo tiếp theo. Liên tục thực hiện chu trình như vậy, số lượng con giống được trao ban đầu sau thời gian ngắn đã tăng lên, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều gia đình nghèo, cận nghèo được hưởng lợi.

Tháng 3 năm 2022, Hội LHPN huyện Thiệu Hóa đã trao con bê trị giá 13 triệu đồng cho hội viên Dương Thị Bồn ở thôn Toán Thọ, xã Thiệu Toán có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chương trình trao bê được Hội LHPN huyện duy trì từ nhiều năm nay theo hình thức hỗ trợ kinh phí ban đầu mua bê cái sinh sản trao cho hộ nghèo hoặc hỗ trợ kinh phí hộ nghèo tự mua. Sau thời gian nuôi dưỡng đến khi con giống sinh sản, hộ được nhận con giống ban đầu trao lại số tiền đã được nhận để hội tiếp tục mua bê trao cho hội viên khó khăn khác. Với cách làm này, mỗi năm, Hội LHPN huyện Thiệu Hóa đã trao từ 5 đến 6 con bê, giúp nhiều hộ khó khăn có điều kiện sản xuất, thoát nghèo.

Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội LHPN tỉnh Ninh Bình, Hội LHPN huyện Lang Chánh và Đồn Biên phòng Yên Khương trao tặng 30 con dê giống cho 15 thành viên THT nuôi dê sinh sản và trao 36 con bò sinh sản cho THT nuôi bò sinh sản do phụ nữ làm chủ xã Yên Khương. Đến nay đàn dê đã sinh sản được hơn 70 dê con; đàn bò sinh sản được 46 con.

Xã Mường Chanh (Mường Lát), khoảng 8 năm trước đây có nhiều bản “trắng” đàn bò, nhưng từ năm 2017, Hội LHPN tỉnh triển khai mô hình THT chăn nuôi bò sinh sản bản Chai và trao 25 con cho 25 thành viên; trao 10 con cho THT bản Na Him. Đến nay, tổng đàn bò của 2 THT tăng lên 144 con, các thành viên đã bán 62 con, còn lại vẫn được các hộ tiếp tục chăm sóc để tái đàn. Nhiều hộ trong hai THT đã phát triển đàn tương đối nhiều, như hộ chị Vi Thị An có 20 con, Vi Thị Xòm có 16 con, Vi Thị Mồn có 14 con...

Những con giống được tăng theo cấp số cộng, cấp số nhân không đơn giản mà có. Từ tay trắng với số vốn “0 đồng”, nhiều hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo đã có cơ hội tạo dựng lại cơ nghiệp từ 1 con bò lên đến vài con, thậm chí hàng chục con bò bán để đầu tư sản xuất, nuôi các con học hành thành đạt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều mô hình trao con giống được các cấp hội thực hiện tại cơ sở và hầu hết đều vận hành theo cơ chế thu hồi vốn bằng tiền mặt (từ 50 ngàn đến 100 ngàn đồng/hộ/tháng và thu hồi từ 1 đến 2 năm tùy theo mô hình) hoặc bằng hiện vật (con giống). Hiệu quả của các mô hình trao con giống là bò, lợn, gà... đã chứng minh việc chọn phương pháp đúng, cách làm phù hợp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với hộ nghèo, cận nghèo đã góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại các địa phương và nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp. Tiêu biểu như: THT chăn nuôi bò sinh sản do phụ nữ làm chủ xã Ngọc Trạo (Thạch Thành); THT chăn nuôi bò sinh sản do phụ nữ làm chủ xã Hà Vinh (Hà Trung); THT chăn nuôi bò sinh sản do phụ nữ làm chủ xã Yên Khương (Lang Chánh); THT chăn nuôi bò sinh sản do phụ nữ làm chủ xã Đông Yên (Đông Sơn)...

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 370 hộ được trao 507 con giống ban đầu (bò, dê), trong đó có 82 con được sinh ra, nhiều hộ bán có thu nhập, hiện tại còn 425 con đang được các hộ chăm sóc tiếp tục nhân đàn. Từ năm 2021 đến nay, cũng với hình thức trao con giống, Hội LHPN tỉnh đã trao 80 con lợn, 40 dê sinh sản và 4.000 gà giống cho hội viên, phụ nữ nghèo giúp các hộ có điều kiện sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Từ thực tiễn chỉ đạo, triển khai thực hiện trao con giống cho hội viên, phụ nữ nghèo trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Nếu thoát nghèo độc lập thì rất khó, phải có sự liên kết, hỗ trợ, kích cầu cho các hộ để các hộ có phương pháp, có động lực và quyết tâm làm mới thoát nghèo. Cách làm này giúp tổ chức Hội LHPN tỉnh và các cấp hội cơ sở thực hiện bài bản, khoa học và hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn, đồng thời tăng tính gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống”.

Tuy còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng với nhà nông, những con giống nhỏ lại đang từng bước tạo dựng sản nghiệp cho nhiều hộ nghèo, hộ gặp rủi ro thiên tai, bất ngờ...

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]