(Baothanhhoa.vn) - Lãi suất liên tục tăng, siết “room tín dụng” (giới hạn cho vay hay giới hạn cấp tín dụng của ngân hàng)... là những cụm từ mà các doanh nghiệp (DN) khi nghe đến sẽ rất lo ngại, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu những tác động sau dịch COVID-19 và DN đang phải nỗ lực để phục hồi.

Nới “room tín dụng” - cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp

Lãi suất liên tục tăng, siết “room tín dụng” (giới hạn cho vay hay giới hạn cấp tín dụng của ngân hàng)... là những cụm từ mà các doanh nghiệp (DN) khi nghe đến sẽ rất lo ngại, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu những tác động sau dịch COVID-19 và DN đang phải nỗ lực để phục hồi.

Nới “room tín dụng” - cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệpCông ty TNHH KCT Hồng Phát, Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga được vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hải Hằng, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), cho biết: Cuối năm, nhu cầu về vốn của DN chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán nhiều nhưng mặt bằng lãi suất cao và việc khó tiếp cận vốn ngân hàng gây khó khăn cho DN. Sau khi dịch COVID-19 được khống chế, thị trường có nhiều thay đổi, DN có nhiều cơ hội nhưng bị thiếu vốn, vay ngân hàng khó khăn nên phải xoay xở “bên ngoài”, như vay nóng rất nguy hiểm. DN cần có nguồn vốn ổn định, rất muốn sự thông thoáng trong tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng để có nguồn lực phát triển.

Từ khoảng tháng 3-2022 đến nay, lãi suất ngân hàng đồng loạt tăng, có thời điểm mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân lên đến 13% và DN khoảng 9%, tăng 2%/năm so với đầu năm. Sự điều chỉnh tăng lãi suất có chiều hướng tăng cao đã tạo thêm áp lực lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là các DN đang vay vốn ngân hàng với dư nợ lớn. Không chỉ chịu áp lực về lãi vay, từ khoảng nửa năm nay, các DN có nhu cầu vay vốn như “ngồi trên đống lửa” khi đồng loạt các ngân hàng có chính sách siết “room tín dụng”. Khi đó, DN “ăn không ngon, ngủ không yên” mỗi khi đến kỳ đáo hạn. Bởi đáo hạn xong không biết có được vay lại nữa không, mà không có vốn coi như mọi hoạt động đình trệ.

Trước khó khăn của DN về vốn vay tín dụng, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về “room tín dụng”, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới “room tín dụng” thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (tương đương khoảng 240.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào nền kinh tế thông qua các tổ chức tín dụng). Đồng thời, thực hiện siết lãi suất huy động của toàn hệ thống ngân hàng xuống không quá 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất), nếu tổ chức tín dụng nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Siết lãi suất huy động là giải pháp căn cơ giúp hạ mức lãi cho vay, bởi ngân hàng là nơi đi vay để cho vay, một khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng giảm.

Nới “room tín dụng” - cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệpNhiều hộ dân xã Thanh Xuân (Như Xuân) được vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả.

Đến hết tháng 12-2022, vốn huy động tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm; tổng dư nợ tín dụng đạt 173.100 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng hợp lý so với mức tăng trưởng các ngành kinh tế của địa phương, tín dụng khối DN có sự tăng trưởng trở lại sau thời gian 2 năm chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19. Với phương châm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng người dân và DN bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng đã thực hiện tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giúp giảm áp lực cho DN trong trả nợ vay ngân hàng, tạo điều kiện để DN tiếp tục vay mới khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, ngành ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay... Mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là phải bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc quy định các điều kiện cấp tín dụng là cần thiết để bảo đảm chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh và cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc nới lỏng các điều kiện này. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh, với mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm đến hết năm 2023. Chính sách này sẽ giúp DN được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với chi phí lãi suất thấp hơn, từ đó giúp giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các DN được vay vốn ngân hàng thuận lợi. Để đồng vốn đi vào nền kinh tế, tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào các động lực tăng trưởng, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]