(Baothanhhoa.vn) - Trên địa bàn tỉnh ta bình quân mỗi năm, trong quá trình khai thác hải sản xảy ra hàng trăm vụ tai nạn tàu cá, với tổng thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Do vậy, bảo hiểm tàu cá là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, những năm gần đây, các chủ tàu trên địa bàn tỉnh tỏ ra không mấy mặn mà với việc tham gia loại bảo hiểm này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngư dân thờ ơ với bảo hiểm tàu cá - Vì sao?

Trên địa bàn tỉnh ta bình quân mỗi năm, trong quá trình khai thác hải sản xảy ra hàng trăm vụ tai nạn tàu cá, với tổng thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Do vậy, bảo hiểm tàu cá là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, những năm gần đây, các chủ tàu trên địa bàn tỉnh tỏ ra không mấy mặn mà với việc tham gia loại bảo hiểm này.

Ngư dân thờ ơ với bảo hiểm tàu cá - Vì sao?

Tàu thuyền của ngư dân neo đậu tại Cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn).

Trường hợp của anh Bùi Văn Nghị, thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), là một ví dụ. Vay tiền ngân hàng, bạn bè, người thân, gia đình để đầu tư đóng tàu khai thác hải sản trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng, tàu chỉ ra khơi được mấy chuyến thì đến tháng 8-2019, khi đang trên đường trở về nơi tránh trú thì tàu bị sóng dữ đánh chìm. Toàn bộ tài sản của gia đình theo đó chìm xuống biển. Anh Nghị phân trần: Giá như trước đó tôi mua bảo hiểm cho tàu cá thì đã được bồi thường thiệt hại 60% giá trị con tàu và đâu đến nỗi chịu cảnh nợ nần nhiều; vợ, chồng, con cái phải làm thuê kiếm sống như bây giờ.

Chính sự “thờ ơ” của ngư dân đã vô tình đẩy họ vào “thế khó” khi bất ngờ xảy ra tai nạn. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trước hết là do đời sống của ngư dân tỉnh ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trong khi tiền mua bảo hiểm tàu cá lại tương đối cao. Bình quân tàu có công suất từ 90 CV đến 120 CV, nếu mua bảo hiểm tàu cá, trách nhiệm dân sự của chủ tàu và thuyền viên cũng phải mất khoảng 10 triệu đồng/năm. Trung bình mỗi năm, tàu cá của anh Nguyễn Văn Cảnh, xã hải Bình (Tĩnh Gia) ra khơi hơn 10 chuyến, nếu thuận lợi, mỗi chuyến sau khi trừ hết mọi chi phí anh thu về khoảng 8-9 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm tàu anh thu về khoảng 90-100 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải chuyến nào, năm nào cũng thuận lợi nên thu nhập từ nghề biển khá bấp bênh. Tàu của gia đình anh Cảnh trị giá gần 900 triệu đồng nên nếu riêng việc tham gia đóng bảo hiểm tàu cá, chưa kể bảo hiểm thuyền viên thì mỗi năm anh phải đóng khoảng hơn 9 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với ngư dân.

Những năm gần đây, nghề khai thác hải sản đã tạo việc làm và thu nhập cho ngư dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu cá, chuyển khai thác hải sản từ vùng lộng ra vùng khơi; nên năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn trước... Việc tham gia mua bảo hiểm tàu cá là hết sức cần thiết đối với ngư dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại, mỗi khi xảy ra các sự cố trên biển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh ta tham gia mua bảo hiểm hiện đang còn ở mức độ rất khiêm tốn. Tính đến hết tháng 10-2019, toàn tỉnh có 7.193 tàu cá, nhưng trong số đó chỉ khoảng 20% chủ tàu mua bảo hiểm cho phương tiện.

Ngoài việc chi phí mua bảo hiểm hàng năm cao, một nguyên nhân nữa khiến cho ngư dân chưa mặn mà với việc mua bảo hiểm tàu cá là do khi xảy ra sự cố tai nạn trên biển các thủ tục để nhận được tiền bảo hiểm khá rườm rà, kéo dài. Tai nạn tàu cá thường diễn ra trên biển, việc giám định nguyên nhân tai nạn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, hầu hết là lao động tự do, không ký hợp đồng lao động nên việc chủ tàu không mua bảo hiểm cho thuyền viên cũng rất khó kiểm soát.

Để tăng số lượng ngư dân tham gia mua bảo hiểm tàu cá, thiết nghĩ, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh và các địa phương cần vào cuộc để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân. Các công ty hoạt động lĩnh vực bảo hiểm nghề cá cũng cần phải có các chính sách hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục bồi thường, giám định để giúp ngư dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận bảo hiểm tàu cá.

Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích khi tham gia bảo hiểm tàu cá

Ngư dân thờ ơ với bảo hiểm tàu cá - Vì sao?

Hiện nay, do không có quy định bắt buộc chủ tàu phải mua bảo hiểm, nên mặc dù biết rõ lợi ích, quyền lợi khi tham gia nhưng nhiều ngư dân vẫn thờ ơ. Để khắc phục tình trạng này, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các ngư dân về chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển thủy sản; lợi ích khi tham gia bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm thuyền viên. Đồng thời, thường xuyên đấu mối làm việc với các công ty bảo hiểm nhằm hỗ trợ, giảm các thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi trong quá trình thanh toán để ngư dân tích cực tham gia mua bảo hiểm tàu cá.

Đối với các tàu cá đã tham gia mua bảo hiểm, để thuận lợi cho việc làm hồ sơ hưởng bảo hiểm, khi tàu bị nạn trên biển, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng khuyến cáo ngư dân cần thông báo với đài duyên hải gần nhất và các cơ quan chức năng để kịp thời giám định mức độ thiệt hại. Nếu phải thuê tàu khác kéo về thì báo ngay với đơn vị mình tham gia bảo hiểm để xác minh. Sau khi tàu sửa chữa xong phải có hóa đơn tài chính. Trước khi mua bảo hiểm, ngư dân cần hỏi rõ thông tin khi tàu bị nạn cần làm những giấy tờ gì liên quan đến hồ sơ; phía bảo hiểm phải trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ, tránh tình trạng hồ sơ kéo dài, gây tâm lý chán nản, không muốn tham gia mua bảo hiểm tàu cá của ngư dân.

Trần Văn Lực

Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa

Các công ty bảo hiểm cần hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi khi thanh toán

Ngư dân thờ ơ với bảo hiểm tàu cá - Vì sao?

Hiện nay, xã Ngư Lộc có 350 phương tiện khai thác hải sản với tổng công suất 74.800 CV, tạo việc làm cho khoảng 2.600 lao động. Tuy nhiên, chỉ đối với việc đầu tư đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu cá khi làm thủ tục vay vốn, ngư dân tham gia mua bảo hiểm tàu cá thì mới được ngân hàng giải ngân vốn vay. Còn lại phần lớn các chủ tàu cá có công suất nhỏ lại không mặn mà với việc mua bảo hiểm. Tính đến hết tháng 10-2019, chỉ có khoảng 30% tổng số tàu thuyền trên địa bàn xã tham gia mua bảo hiểm tàu cá.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ ngư dân tham gia mua bảo hiểm tàu cá đạt thấp là do thủ tục thanh toán bảo hiểm khi tàu cá xảy ra tai nạn còn khó khăn, kéo dài. Yêu cầu của phía công ty bảo hiểm là phải đầy đủ các loại giấy tờ liên quan, nhưng khi thực hiện, ngư dân thường vướng mắc giấy phép khai thác, hóa đơn giá trị gia tăng về các chi phí sửa chữa tàu cá... Trong khi đó, khi tàu cá gặp nạn trên biển và chưa có đơn vị hay tổ chức nào hoạt động theo mô hình công ty cứu hộ để có hóa đơn cho ngư dân nên thủ tục thanh toán bảo hiểm vẫn còn nhiều khó khăn. Để khuyến khích ngư dân mua bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm thuyền viên, các công ty bảo hiểm cần hướng dẫn, giải thích các quy định có tính nguyên tắc và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân thanh toán khi tàu gặp nạn, hư hỏng trên biển.

Nguyễn Văn Ngữ

Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc (Hậu Lộc)

Ngư dân mong muốn được tiếp tục hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá

Ngư dân thờ ơ với bảo hiểm tàu cá - Vì sao?

Theo Nghị định 89/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản) thì ngư dân tham gia bảo hiểm tàu cá sẽ được hỗ trợ 70% chi phí đối với tàu có công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV và hỗ trợ 90% chi phí đối với tàu có công suất trên 400 CV.

Tuy nhiên, có rất ít ngư dân tham gia mua bảo hiểm tàu cá do quy định có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, thủ tục, giấy tờ còn rườm rà. Cụ thể, để được hỗ trợ bảo hiểm tàu cá thì chủ tàu phải tham gia tổ đội, HTX nghiệp đoàn nghề cá của địa phương. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại số lượng ngư dân tham gia vào tổ đội, HTX tại địa phương vẫn chưa nhiều. Bên cạnh đó, quá trình làm hồ sơ để được phê duyệt còn phức tạp, trước hết phải lập hồ sơ xác định giá trị con tàu, trình các cấp chính quyền phê duyệt, sau đó mới gửi cho công ty bảo hiểm duyệt hồ sơ bảo hiểm. Với tàu chính chủ thì thuận lợi hơn vì có hợp đồng đóng tàu, với những tàu mua cũ thì phần lớn không có giấy tờ, cho nên không đủ điều kiện để cơ quan bảo hiểm xác định độ tuổi, giá trị con tàu. Ngư dân mong muốn các quy định thông thoáng hơn và rõ ràng hơn, nhất là việc xác định tài sản, trị giá con tàu cần được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể và sát tình hình thực tế hơn. Với mỗi ngư dân, tàu là tài sản có giá trị lớn nhất, cho nên việc tham gia bảo hiểm là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa.

Để những tàu khai thác hải sản vươn khơi hiệu quả, chúng tôi mong muốn ngoài sự nhiệt huyết của ngư dân, sự tiếp sức về vốn của ngân hàng, còn cần có sự hỗ trợ triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp khác của các sở, ban, ngành, các công ty bảo hiểm để chúng tôi được dễ dàng tiếp cận với các loại hình dịch vụ bảo hiểm tàu cá.

Bùi Văn Minh

Chủ tàu TH 91729-TS, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia

Bài và ảnh: Minh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]