(Baothanhhoa.vn) - Quy hoạch là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, để tăng trưởng nhanh và mạnh, nhất thiết phải có quy hoạch dài hơi, đi trước một bước.

Mở ra thời kỳ phát triển mới cho tỉnh Thanh Hóa

Quy hoạch là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, để tăng trưởng nhanh và mạnh, nhất thiết phải có quy hoạch dài hơi, đi trước một bước.

Mở ra thời kỳ phát triển mới cho tỉnh Thanh HóaCửa ngõ phía Đông TP Thanh Hóa. Ảnh: tư liệu

Ở vào vị trí địa lý thuận lợi, giàu tài nguyên, có nguồn nhân lực dồi dào, tỉnh Thanh Hóa có nhiều dư địa để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và mạnh, trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước. Sau khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong giai đoạn phát triển mới này, bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, rất cần có một quy hoạch đầy đủ, toàn diện và dài hơi được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở pháp lý, động lực thúc đẩy tỉnh khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế, sắp đặt, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, khâu đột phá mà các nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Chính vì vậy, ngay sau khi Luật Quy hoạch và các văn bản pháp luật có liên quan đến quy hoạch được ban hành, tỉnh Thanh Hóa sớm bắt tay vào xây dựng Quy hoạch tỉnh cho giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu cao hơn, toàn diện và có tính bao quát hơn, đảm bảo các quy định của pháp luật.

Với tất cả quyết tâm, nỗ lực, trên cơ sở góp ý, tiếp thu của các bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương trong khu vực và trong tứ giác phát triển mới ở phía Bắc mà Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành quy hoạch theo quy định. Quy hoạch được các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá bám sát quy định của Luật Quy hoạch và những định hướng về quy hoạch tổng thể quốc gia, cũng như định hướng về quy hoạch, quy hoạch vùng.

Một tin rất vui đến với tỉnh Thanh Hóa, ngày 27-2-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở pháp lý, dấu mốc quan trọng mở ra một cơ hội, thời kỳ phát triển mới cho tỉnh.

Quy hoạch đưa ra quan điểm, mục tiêu là phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Một vấn đề rất đáng chú ý mà quy hoạch đề ra là tỉnh Thanh Hóa sẽ tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cùng với đó là phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho Nhân dân; bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển.

Mục tiêu là đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2045, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Về phát triển ngành, lĩnh vực, sẽ tập trung phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, xem đó là trụ cột phát triển. Cụ thể, với công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tập trung phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, có giá trị và năng suất cao; định hướng một số ngành công nghiệp chủ yếu là: Công nghiệp hóa dầu, hóa chất và chế biến sản phẩm từ hóa dầu; Công nghiệp sản xuất, cung ứng điện; Công nghiệp cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; Công nghiệp dệt may, giày da. Riêng với lĩnh vực này, sẽ tập trung phát triển Thanh Hóa trở thành khu vực phát triển ngành dệt may, da giày lớn nhất vùng Bắc Trung bộ. Với nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào các hoạt động nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và năng suất lao động.

Điểm nhấn trong phát triển du lịch là đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Trong đó, tập trung phát triển du lịch trên ba loại hình du lịch chính là: Du lịch biển; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Với ngành dịch vụ tập trung phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Với khoa học và công nghệ sẽ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ, khoa học - kỹ thuật, các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với giáo dục và đào tạo tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền. Với lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển hệ thống y tế hiện đại và bền vững; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền; thúc đẩy phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm về dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc Trung bộ. Trong văn hóa - thể thao tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; tăng cường liên kết, hợp tác, giao lưu phát triển giữa các vùng, miền; phát triển văn hóa bền vững, hài hòa với phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Phát triển toàn diện thể dục, thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội. Thực hiện tốt chính sách xã hội, chăm sóc người có công; hỗ trợ những người yếu thế vươn lên hòa nhập cộng đồng. Với quốc phòng - an ninh, tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, chủ động phòng ngừa và đấu tranh với các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Quy hoạch cũng đưa ra chi tiết phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia và phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh; Phương án phát triển nguồn điện và mạng lưới cấp điện; Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông; Phương án phát triển hạ tầng thương mại; Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước; Phương án phát triển các khu xử lý chất thải; Phương án phát triển hạ tầng xã hội...

Mở ra thời kỳ phát triển mới cho tỉnh Thanh HóaMột góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: tư liệu

Về nhiệm vụ phát triển không gian lãnh thổ, quy hoạch đề ra Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện thành 5 vùng và phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực theo thứ tự ưu tiên như sau: Trung tâm động lực phía Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn), trung tâm động lực TP Thanh Hóa - Sầm Sơn, trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng), trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn - Thạch Thành). Các hành lang kinh tế: Phát triển theo thứ tự ưu tiên đó là: Hành lang kinh tế ven biển: Là hành lang kết nối Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) và tỉnh Nghệ An qua tuyến đường bộ ven biển và Quốc lộ 10. Hành lang kinh tế Bắc Nam: Là trục trung tâm của tỉnh theo hướng Bắc Nam, giữ vai trò liên kết chính giữa Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, thông qua tuyến đường Quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam. Hành lang kinh tế trung tâm: Là trục trung tâm của cả tỉnh theo hướng Đông - Tây; giữ vai trò chủ đạo trong việc điều tiết các hoạt động kinh tế, đô thị và dịch vụ của cả tỉnh. Kết nối TP Sầm Sơn - TP Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Lê Lợi, đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân. Hành lang kinh tế quốc tế: Là tuyến hành lang kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng Hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15, Quốc lộ 217 và Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (xa lộ nông nghiệp): Là trục kết nối Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Nghệ An; đặc biệt là các huyện khu vực trung du và miền núi của tỉnh. Hành lang kinh tế Đông Bắc: Là tuyến hành lang kết nối Cảng Lạch Sung - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành với các tỉnh phía Bắc thông qua Quốc lộ 217B, Quốc lộ 217 và đường Hồ Chí Minh.

Quy hoạch cũng đưa ra phương án phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với mục tiêu đến năm 2030, quy hoạch, sắp xếp, bố trí 100% hộ dân đang sinh sống trong vùng ảnh hưởng bởi thiên tai và những hộ dân sống rải rác, dân di cư tự do trên địa bàn các huyện miền núi. Rà soát, bố trí các quỹ đất để giao đất cho các hộ chưa có đất sản xuất, thiếu đất sản xuất và các hộ không có đất ở, thiếu đất ở. Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng theo hướng an toàn, bền vững, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung; phát triển nuôi cá lồng trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Về phương án phát triển đô thị, đến năm 2025 toàn tỉnh có 47 đô thị các loại, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 43 đô thị loại V. Đến năm 2030 có 47 đô thị, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 4 đô thị loại IV; thành lập mới 3 thị xã gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương; 40 đô thị loại V. Phương án tổ chức lãnh thổ nông thôn được gắn với quá trình đô thị hóa của tỉnh và đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Việc sắp xếp, bố trí không gian phát triển nông thôn bảo đảm tiết kiệm quỹ đất, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện vật chất cho người dân, gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cấp mô hình làng, xã, bản, tạo thuận lợi trong sản xuất và có tính lâu dài, tránh các vùng có nguy cơ sạt lở cao, vùng thường xảy ra lũ ống, lũ quét...

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt là căn cứ để triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định của pháp luật có liên quan. Những dự định, ấp ủ, khát vọng của tỉnh trên chặng đường phát triển mới sẽ sớm thành hiện thực. Vấn đề đặt ra là sau khi công khai quy hoạch, các cấp, ngành, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm của mình để chung tay cùng tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa làm cơ sở hiện thực hóa quy hoạch.

Việt Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]