(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi trong phát triển nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Vì vậy, để khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn mà mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, cần có giải pháp căn cơ, đột phá để phát triển bền vững.

Khơi mở tiềm năng phát triển ngành thủy sản: Bài 1 - Tiềm năng còn bỏ ngõ

Thanh Hóa là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi trong phát triển nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Vì vậy, để khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn mà mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, cần có giải pháp căn cơ, đột phá để phát triển bền vững.

Khơi mở tiềm năng phát triển ngành thủy sản: Bài 1 - Tiềm năng còn bỏ ngõVùng nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa). Ảnh: Lê Hợi

Thanh Hóa có bờ biển dài 102 km, với vùng biển rộng 17.000km2, là một trong những ngư trường quan trọng, có tính đa dạng sinh học cao. Dọc bờ biển Thanh Hóa có 7 cửa lạch lớn nhỏ; trong đó, có 5 cửa lạch lớn là: Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng, đã tạo nên hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản và là một trong những tỉnh có tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng Bắc Trung bộ. Vùng ven biển gồm 6 huyện, thị xã, thành phố, với 45 xã, phường và là nơi tập trung phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh, bao gồm nuôi trồng, khai thác, dịch vụ hậu cần và chế biến thủy sản, thu hút khoảng 26.000 lao động tham gia trực tiếp trên biển.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về biển, cùng với sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, kinh tế thủy sản ở các địa phương ven biển đã có những bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 19.500 ha, trong đó, nước ngọt 14.110 ha; nước mặn, lợ 5.350 ha... Trong khai thác hải sản, toàn tỉnh có 6.840 tàu cá, trong đó, 4.578 tàu có chiều dài dưới 12m, 976 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m và 1.286 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Hàng năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh 187.000 tấn, trong đó, khai thác 130.000 tấn, nuôi trồng 57.000 tấn. Với sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản hàng năm của tỉnh là nguồn nguyên liệu cung cấp cho hơn 1.000 cơ sở chế biến thủy sản đang hoạt động tại các địa phương ven biển và 81 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản, với tổng công suất khoảng 280.000 tấn/năm. Nhiều mặt hàng chế biến thủy sản của tỉnh đã tham gia xuất khẩu đến các thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha... Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh chưa tương xứng và còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, thách thức lớn nhất trong phát triển thủy sản đó là hạ tầng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, với cầu cảng, luồng lạch ở các địa phương ven biển hiện nay quá tải so với năng lực tàu cá trong tỉnh. Với số lượng tàu cá công suất lớn tăng nhanh, từ năm 2015 đến nay với các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, số tàu khai thác hải sản đóng mới có công suất hơn 400CV tăng nhanh. Trong khi cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá hiện có chưa đáp ứng yêu cầu neo đậu, bốc dỡ sản phẩm, gây khó khăn cho tàu ra vào cảng, làm hạn chế đến hiệu quả khai thác, quản lý tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Các khu phân loại hải sản, công trình xử lý chất thải, nước thải tại các cảng cá chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm sau khai thác, gây tác động xấu đến môi trường xung quanh cảng cá. Việc quản lý, giám sát nguồn gốc, xuất xứ hải sản còn hạn chế gây ảnh hưởng lớn đến công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Hệ thống thông tin giám sát tàu cá hiện có của tỉnh chưa bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển, nhất là trong mùa mưa bão. Trạm bờ quản lý tàu cá của tỉnh hiện nay có quy mô nhỏ, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận, xử lý thông tin quản lý khai thác hải sản hiện nay. Tổn thất sau khai thác thủy sản còn cao, ước tính khoảng 20-25% giá trị sản phẩm. Phương thức bảo quản sản phẩm sau khi khai thác phổ biến là dùng nước đá xay, ướp muối truyền thống, sự hiểu biết của ngư dân về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sơ chế và bảo quản sản phẩm khai thác còn hạn chế. Công nghệ cấp đông sản phẩm trên tàu cá còn lạc hậu, thời gian lên cá và vận chuyển chậm dẫn đến hao hụt lớn sau khai thác, gây lãng phí nguồn lợi và hiệu quả kinh tế thấp. Điều kiện hạ tầng nuôi trồng thủy sản nước lợ phần lớn chỉ đáp ứng cho hình thức nuôi tôm quảng canh, với năng suất thấp do hệ thống cấp thoát nước chung nhau, hệ thống giao thông không thuận lợi, không có điện cho vùng nuôi,... nên gặp khó khăn khi phát triển nuôi thâm canh. Một số địa phương ven biển đã lập dự án chuyển đổi diện tích vùng trồng lúa bị nhiễm mặn, trồng cói kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nước lợ nhưng hiện tại thiếu nguồn vốn đầu tư để đầu tư hạ tầng và các công trình thiết yếu.

Huyện Hậu Lộc có chiều dài bờ biển 12 km và 2 cửa sông lớn Lạch Trường và Lạch Sung, tạo nên một vùng đất bãi triều rộng lớn, là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 1.884 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; trong đó, nước ngọt 729 ha, nước mặn 479 ha, nước lợ 489 ha. Trong khai thác hải sản, toàn huyện có 693 tàu cá các loại, với tổng công suất 139.320 CV. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản hàng năm của huyện đạt 48.500 tấn hải sản các loại, trong đó, khai thác 38.000 tấn, nuôi trồng 10.500 tấn. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, những kết quả đạt được trong lĩnh vực thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương. Việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản những năm qua cũng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tàu cá công suất nhỏ khai thác vùng ven bờ còn cao; nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, sản phẩm thu hoạch có giá trị kinh tế chưa cao; lao động tham gia khai thác hải sản thường không ổn định, trình độ, kỹ năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong khai thác của ngư dân vẫn chưa cao và thiếu lao động đi khai thác xa bờ. Hệ thống thủy lợi cấp thoát nước ở một số vùng nuôi trồng thủy sản vẫn là cấp thoát chung do vốn đầu tư hạn chế, gây khó khăn rất lớn cho quản lý nguồn nước của vùng nuôi trồng và công tác phòng, chống dịch bệnh. Phần lớn các hộ đầu tư vốn vào nuôi trồng thủy sản còn thấp, dàn trải; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất còn khó khăn nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhất là tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát ở một số xã gây tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng sinh thái trong sản xuất nông nghiệp có chiều hướng gia tăng. Sản xuất giống thủy sản tại chỗ quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng chủng loại, số lượng và chất lượng, nên các giống thả nuôi chủ lực trên địa bàn huyện chủ yếu là di ương. Ngoài ra, mật độ nuôi thả ngao ở vùng triều còn cao so với quy định, chất lượng ngao thành phẩm thấp, gầy yếu, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ và cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Năng lực chế biến thủy sản và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá ở các xã ven biển còn nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm thủy sản ướp đá hoặc sản phẩm chế biến sản lượng chưa cao, chưa tương xứng với số lượng nguyên liệu khai thác của ngư dân. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm tai nạn thuyền viên và ngư lưới cụ đạt tỷ lệ thấp, do tập quán của một bộ phận ngư dân quan niệm mua bảo hiểm sẽ hay gặp rủi ro trên biển và bất cập trong việc triển khai thực hiện cơ chế bảo hiểm tàu cá của Nhà nước.

Với những khó khăn, thách thức của ngành thủy sản đang gặp phải, đặt ra yêu cầu cho các cấp, ngành chức năng và các địa phương phải xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tạo thành “cú huých” để nâng cao hiệu quả nuôi trồng, khai thác hải sản, phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên lĩnh vực này.

Phóng viên Kinh tế

Bài 2: Tạo “cú huých” để phát triển bền vững.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]