(Baothanhhoa.vn) - Thủ công mỹ nghệ (TCMN) được đánh giá là một trong những nghề có đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế của các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Khó khăn xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Xưởng sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nông Phú, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc).

Thủ công mỹ nghệ (TCMN) được đánh giá là một trong những nghề có đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế của các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện nay, trước những khó khăn trong cạnh tranh và sự biến động của thị trường thì việc xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất hàng TCMN đang được các cấp, chính quyền và các cơ sở sản xuất quan tâm, chú trọng.

Từ niềm đam mê với những sản phẩm làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, chị Hoàng Thị Hưng, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) đã tìm tòi, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đồ gia dụng làm từ bèo tây, bẹ ngô. Cầm trên tay chiếc túi đang được đính hạt dang dở, chị Hưng cho biết: “Năm 2012, tôi thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nông Phú, với mặt hàng sản xuất chủ yếu là chổi đót. Trong quá trình sản xuất, nhận thấy tại địa phương có nhiều phụ phẩm nông nghiệp như bẹ ngô, bèo tây nên tôi đã tìm đến các tỉnh Ninh Bình, Nam Định để học cách làm các sản phẩm mỹ nghệ từ những nguyên liệu này. Các sản phẩm được tôi thuê lao động gia công và tự tay thiết kế hoa văn. Sau khi thành công ở những sản phẩm đầu tiên, doanh nghiệp đã sản xuất với số lượng lớn hơn để bày bán tại hơn 20 điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, thông qua các công ty trung gian để xuất khẩu đi các nước, như: Anh, Đài Loan, Nga..., doanh thu mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng”. Cũng theo chị Hưng, hiện nay, sản phẩm TCMN làm từ nguyên liệu thiên nhiên của gia đình chị được sản xuất theo chuỗi từ vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ,... đã tạo ra được sản phẩm có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đầu tư sáng tạo mẫu mã mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu đã và đang được chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, do còn gặp nhiều khó khăn trong vốn đầu tư nên chưa xây dựng được cửa hàng bày bán sản phẩm, hầu hết các sản phẩm được giới thiệu mẫu mã qua hình ảnh hoặc tại xưởng sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu chưa ổn định, quy mô sản xuất còn nhỏ nên chưa có điều kiện để đầu tư máy móc hiện đại.

Với gần 900 ha cói và khoảng 13.000 ha lúa/năm, chính là điều kiện thuận lợi để huyện Nga Sơn phát triển sản xuất hàng TCMN, chủ yếu là sản phẩm từ cói, bèo, rơm rạ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp và 11 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh hàng TCMN, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Từ năm 2014, do xây dựng được chuỗi sản xuất bền vững nên có 4 đơn vị sản xuất hàng TCMN từ cói, bèo, rơm rạ của địa phương đã xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Nga Sơn, cho biết: Hiện nay, đối với các mặt hàng TCMN, việc hình thành chuỗi sản xuất chỉ mới ở bước khởi đầu, tuy đã có nhiều kết quả khả quan, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, nhận thức của người dân trong liên kết, hình thành chuỗi giá trị chưa cao do các cơ sở sản xuất phần lớn quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên chưa chú trọng việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư các loại máy móc hiện đại nên chất lượng mẫu mã ít được cải tiến, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đối với các doanh nghiệp, chưa chú trọng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu nên việc thực hiện hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm còn hạn chế...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng TCMN, với các sản phẩm từ: gỗ, mây, cói, tre, luồng, đá... song chủ yếu sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước. Chỉ có một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nga Sơn sản xuất hàng từ cói, bèo tây...; huyện Hoằng Hóa sản xuất đồ mây tre đan, đồ mộc; TP Thanh Hóa sản xuất đá ốp lát,... thực hiện xuất khẩu được hàng hóa. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất hàng TCMN còn hạn chế. Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp có quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đủ khả năng để thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị; việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất còn gặp khó khăn; chất lượng sản phẩm, mẫu mã, kiểu dáng, bao bì chậm đổi mới, ít được cải tiến sáng tạo... Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, sản xuất thiếu ổn định do thiếu nguyên liệu; khả năng liên doanh, liên kết sản xuất, tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ địa phương của các hộ dân còn hạn chế...

Trước thực trạng trên, để xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất các mặt hàng TCMN, các sở, ngành cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN mở rộng sản xuất; đồng thời, cân đối nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án để đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp không ngừng sáng tạo, thay đổi mẫu mã, đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, để tăng khả năng tiếp nhận và thu hút đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng các cửa hàng trưng bày sản phẩm tại các điểm du lịch và hệ thống sân bay, nhà ga... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng trong, ngoài nước...

Lê Ngọc


Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]