(Baothanhhoa.vn) - Du nhập vào địa bàn tỉnh khoảng hơn chục năm trở lại đây, đến nay, nghề nuôi chim yến đang có biểu hiện phát triển khá “nóng”. Với giá bán cao, khoảng 15 - 20 triệu đồng/kg tổ yến thô, nhiều hộ dân tại các địa phương ven biển đang tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, để phát triển mô hình nuôi chim yến hiệu quả và bền vững, người dân cần tìm hiểu, khảo sát sự phù hợp của mô hình này với điều kiện tự nhiên, khả năng tài chính, cũng như trang bị đầy đủ kỹ thuật dẫn dụ, nuôi và phát triển đàn yến.

Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững và hiệu quả

Du nhập vào địa bàn tỉnh khoảng hơn chục năm trở lại đây, đến nay, nghề nuôi chim yến đang có biểu hiện phát triển khá “nóng”. Với giá bán cao, khoảng 15 - 20 triệu đồng/kg tổ yến thô, nhiều hộ dân tại các địa phương ven biển đang tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, để phát triển mô hình nuôi chim yến hiệu quả và bền vững, người dân cần tìm hiểu, khảo sát sự phù hợp của mô hình này với điều kiện tự nhiên, khả năng tài chính, cũng như trang bị đầy đủ kỹ thuật dẫn dụ, nuôi và phát triển đàn yến.

Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững và hiệu quảChế biến tổ yến thô tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng 20 - 30 mô hình nhà yến, tập trung tại các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc, Nga Sơn và TP Sầm Sơn. Phần lớn, các hộ gia đình tận dụng tầng 2, tầng 3 của nhà ở cải tạo làm nơi nuôi chim. Ngoài ra, có một số ít hộ gia đình đã đầu tư xây dựng mô hình nhà yến kiên cố để dụ chim yến đến sinh sống.

Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi mô hình tại các tỉnh phía Nam, năm 2014, anh Nguyễn Văn Tú, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) đã quyết định đầu tư 100 triệu đồng cải tạo tầng 3 của gia đình để nuôi chim yến. Để khắc phục khó khăn do tình hình thời tiết khắc nghiệt ở miền Bắc, anh Tú đã đầu tư hệ thống sưởi tự động chống rét, duy trì nhiệt độ trong nhà 24 - 25 độ C. Đồng thời, lắp đặt hệ thống âm thanh tạo ra tần số phù hợp để dụ chim yến về làm tổ. Sau thời gian khó khăn ban đầu, từ năm 2017 đến nay, đều đặn mỗi năm, gia đình anh Tú thu hoạch được 3 kg tổ yến, mang lại giá trị kinh tế khoảng 100 triệu đồng sau khi tinh chế. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, anh Tú đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh, thực hiện chuyển giao mô hình tại các địa phương lân cận, với khoảng 10 nhà yến tại các xã ở các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa và tỉnh Đắc Lắc. Hàng tháng, các nhà yến vệ tinh này cung cấp khoảng 7 - 10 kg tổ yến thô để Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh chế biến và tiêu thụ.

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi chim yến, khá nhiều hộ dân và các địa phương quan tâm, tìm hiểu để phát triển mô hình này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế, việc phát triển mô hình nuôi chim yến tại miền Bắc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh vốn đầu tư ban đầu lớn, kỹ thuật khắt khe, thời gian chờ đợi thu hoạch lâu, thì thời tiết ở miền Bắc cũng có nhiều cản trở để thu hút thứ “lộc trời” này. Anh Hoàng Văn Sơn, một chủ đầu tư nhà yến tại huyện Nga Sơn, cho biết: Năm 2018, anh đầu tư khoảng 1,8 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất nhà yến trên đất của gia đình. Đồng thời, mời đơn vị chuyển giao kỹ thuật mô hình có kinh nghiệm. Tuy nhiên, do đặc thù thời tiết ở miền Bắc có mùa đông lạnh nên đàn chim phát triển được thường bị hao hụt, hoặc bay đi di cư tránh rét. Không ít thời điểm mùa đông, đàn chim bị hao hụt tới 50% là điều khó tránh khỏi.

Nuôi chim yến là một nghề mới, tạo ra cơ hội cho phát triển kinh tế hộ ở nông thôn. Tuy nhiên, việc cập nhật, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi chim yến hiện nay cũng chưa được thực hiện thường xuyên mà đa phần hộ dân nuôi một cách tự phát, tự mày mò học hỏi kinh nghiệm của nhau. Hơn nữa, việc phát triển nhà yến tràn lan còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, vấn đề ô nhiễm môi trường và âm thanh nếu ở khu vực đông dân cư sinh sống.

Được biết hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện nghiên cứu, rà soát các vị trí có lợi thế phù hợp với nghề nuôi yến của địa phương để quy hoạch vùng nuôi. Đồng thời, rà soát, thống kê và kiểm soát các hộ xây nhà nuôi yến trên địa bàn; thực hiện thủ tục đăng ký chăn nuôi với ngành chức năng và tuân thủ những yêu cầu về bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển nghề nuôi chim yến hiệu quả và bền vững.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]