(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối năm, không khí làng nghề ở Đạt Tài (Hoằng Hà), Hạ Vũ (Hoằng Đạt) - những địa danh nổi tiếng với nghề mộc truyền thống của huyện Hoằng Hóa luôn rộn rã tiếng đục, tiếng máy của những người thợ ngày ngày “thổi hồn” vào những tấc gỗ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để nghề mộc Đạt Tài, Hạ Vũ phát triển bền vững

Những ngày cuối năm, không khí làng nghề ở Đạt Tài (Hoằng Hà), Hạ Vũ (Hoằng Đạt) - những địa danh nổi tiếng với nghề mộc truyền thống của huyện Hoằng Hóa luôn rộn rã tiếng đục, tiếng máy của những người thợ ngày ngày “thổi hồn” vào những tấc gỗ.

Để nghề mộc Đạt Tài, Hạ Vũ phát triển bền vững

Cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Hân, làng Đạt Tài, xã Hoằng Hà.

Đến cơ sở sản xuất đồ gỗ Lâm Hằng của gia đình ông Nguyễn Văn Hân, làng Đạt Tài, xã Hoằng Hà, trong tiếng máy đục vi tính ù ù bên tai, những người thợ, người làm công luôn tất bật để kịp sản phẩm giao cho khách vào dịp tết. Sinh ra trong cái nôi truyền thống làng nghề của xã, ông Hân năm nay 58 tuổi nhưng đã có hơn 40 năm kinh nghiệm làm nghề. Vì vậy, cơ sở của ông lúc nào cũng bận rộn làm cửa, cầu thang, bàn ghế theo đơn đặt hàng của khách. Hiện tại cơ sở sản xuất của ông đang tạo việc làm cho khoảng 6 – 7 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ. Ông Hân cho biết: Truyền thống làng nghề kết hợp với xu hướng, thị hiếu của thị trường đòi hỏi những người thợ phải tìm tòi, cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Năm 2016, gia đình ông đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy đục vi tính để hỗ trợ công việc bởi sử dụng máy móc công nghệ cao vào sản xuất đồ mộc làm ra nhiều mẫu mã phong phú, giá thành cạnh tranh hơn. Đây chính là cách mà đa phần các hộ có cơ sở sản xuất lớn ở địa phương lựa chọn để làm “mới” nghề. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên lượng khách bán lẻ cũng có giảm so với mọi năm, thế nhưng lượng khách hoàn thiện, sửa sang nhà cửa, văn phòng vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể nên công việc vẫn rất bận rộn.

Ông Nguyễn Viết Thiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà chia sẻ: Ở xã hiện có 1 doanh nghiệp và 78 hộ gia đình tại các thôn Đạt Tài 1, Đạt Tài 2, Hà Thái làm nghề mộc truyền thống, chiếm 7% tổng số hộ toàn xã. Doanh thu từ nghề mộc mang lại ước đạt 73 tỷ đồng/năm 2020, đóng góp lớn vào tổng giá trị sản xuất của địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, lao động làm nghề mộc của xã còn hoạt động rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Ở xã Hoằng Đạt, nghề mộc chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương khi toàn xã có 4 doanh nghiệp và 101 cơ sở tại cả 4 thôn của xã, chiếm 6,3% tổng số hộ của xã. Ông Nguyễn Viết Diện, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt, cho biết: Các hộ chủ yếu sản xuất, kinh doanh theo hình thức cơ sở sản xuất với sản phẩm chính là mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ. Nhiều hộ đã đầu tư vốn lớn để mua máy đục điêu khắc mỹ thuật công nghệ cao. Tính trên địa bàn toàn xã hiện có 25 máy đục vi tính công nghệ cao và nhiều máy móc khác phục vụ sản xuất, góp phần giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất, thêm sự đa dạng cho sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm. Bất cập hiện nay đó là làng nghề mộc nằm ở vị trí sát khu dân cư, diện tích nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Để đưa thương hiệu mộc truyền thống làng Đạt Tài và Hạ Vũ phát triển một cách bền vững và vươn xa hơn, ngày 4-12-2020, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành Đề án khu vực phát triển nghề mộc Hà - Đạt giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu nhằm hình thành được một khu vực sản xuất nghề mộc quy mô hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, không chỉ phục vụ cho 2 xã (Hoằng Hà, Hoằng Đạt) mà trở thành trung tâm phát triển nghề Mộc của cả huyện; thu hút các tổ chức, cá nhân từ nơi khác đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời trở thành điểm du lịch làng nghề, thu hút du khách tham quan và tiếp cận sản phẩm làng nghề để thúc đẩy phát triển du lịch.

Theo đề án, căn cứ quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoằng Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 29-4-2020, UBND huyện Hoằng Hóa đã khảo sát thực địa, quy mô, vị trí, chức năng và định hướng khu vực phát triển nghề mộc Hà - Đạt tại vị trí giáp ranh thuộc địa phận hành chính xã Hoằng Hà, Hoằng Đạt với tổng quy mô sử dụng đất khoảng 13,91 ha dự kiến phân thành các lô có diện tích đủ rộng (trung bình khoảng 1.000m2), huy động nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để cho thuê đất, hình thành các khu sản xuất và trưng bày nhà gỗ, khu sản xuất, kinh doanh gỗ mỹ nghệ. Huyện đã và đang xây dựng các giải pháp, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển nghề mộc, như: khuyến khích các cơ sở sản xuất nghề đầu tư đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về kỹ thuật, quản lý cho chủ cơ sở sản xuất và dạy nghề, truyền nghề cho người lao động; hỗ trợ tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý, sản xuất, xúc tiến thương mại và các hoạt động khuyến công khác đối với nghề mộc...

Hy vọng, bằng những định hướng bền vững, những mối quan tâm cụ thể, rõ ràng, Đề án khu vực phát triển nghề mộc Hà - Đạt sẽ là “bước ngoặt” mở ra một thời kỳ mới thịnh vượng cho nghề mộc truyền thống ở vùng đất Hoằng Hóa.

Bài và ảnh: Việt Hương


Bài và ảnh: Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]