(Baothanhhoa.vn) - Theo thông tin của các hộ chăn nuôi gia cầm, từ đầu năm đến nay, giá bán các loại gia cầm có xu hướng giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng, khiến nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Vì vậy, các hộ chăn nuôi đã chủ động sử dụng các nguyên liệu thay thế trong khẩu phần ăn cho con nuôi để giảm lượng thức ăn nuôi công nghiệp, từ đó giảm chi phí đầu tư, ổn định hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi.

Chủ động tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi gia cầm

Theo thông tin của các hộ chăn nuôi gia cầm, từ đầu năm đến nay, giá bán các loại gia cầm có xu hướng giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng, khiến nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Vì vậy, các hộ chăn nuôi đã chủ động sử dụng các nguyên liệu thay thế trong khẩu phần ăn cho con nuôi để giảm lượng thức ăn nuôi công nghiệp, từ đó giảm chi phí đầu tư, ổn định hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi.

Chủ động tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi gia cầmChuồng nuôi gà của gia đình anh Vũ Văn Thịnh, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương.

Thời điểm này năm trước, HTX Nông trại 36, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, liên kết với hơn 21 hộ dân tại các huyện Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy để chăn nuôi gà, với quy mô 40.000 con/lứa, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 20.000 con/tháng. Tuy nhiên, hiện tại, số hộ liên kết chăn nuôi gà với HTX giảm xuống chỉ còn 10 hộ, quy mô cũng giảm xuống chỉ còn 15.000 con/lứa. Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, giá bán gia cầm không ổn định, trong khi giá thức ăn lại tăng nhanh. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đạt lợi nhuận thấp đã tạm dừng việc chăn nuôi, chấm dứt hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với HTX. Đối với những hộ chăn nuôi còn lại, để giữ được mối liên kết; đồng thời, bảo đảm thu nhập cho các hộ chăn nuôi, bản thân HTX đã chủ động đặt vấn đề, hỗ trợ các hộ đang tiếp tục chăn nuôi đầu tư mở rộng quy mô. Khuyến khích các hộ chăn nuôi kéo dài thời gian chăn nuôi để gà bán được giá cao hơn. Giai đoạn gà trưởng thành, sử dụng các loại thức ăn được phối trộn với các phụ phẩm nông nghiệp hoặc cây, rau các loại nhằm giảm chi phí cho thức ăn, tăng lợi nhuận.

Ông Hà Văn Phong, Giám đốc HTX Nông trại 36, hoạch toán: Gà được nuôi trong vòng 4 tháng, đạt trọng lượng bình quân 2,3 kg/con phải sử dụng khoảng 7kg thức ăn công nghiệp, với chi phí 75.000 đồng và cộng thêm các chi phí về con giống, điện, nước, thuốc thú y, công chăm sóc, khấu hao chuồng trại..., thì thời điểm này lợi nhuận chỉ đạt 12.000 đến 15.000 đồng/con. Nếu thời gian nuôi kéo dài 6 tháng, sử dụng nguồn thức ăn phối trộn từ phụ phẩm nông nghiệp và các loại rau, quả có trong tự nhiên thì lợi nhuận tăng lên gấp đôi, đạt khoảng 30.000 đồng/con. Nếu mỗi hộ nuôi quy mô khoảng 2.000 con/lứa trong vòng 6 tháng, thì lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng, bằng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với gia đình anh Vũ Văn Thịnh, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, để duy trì được đàn gà 2.000 con trong nhiều tháng qua, anh đã phải chuyển đổi phương thức từ nuôi nhốt sang bán chăn thả. Thức ăn được anh tận dựng tối đa từ nguồn tự nhiên, các phụ phẩm nông nghiệp, rau xanh các loại. Bên cạnh đó, anh phân thành nhiều lứa nuôi khác nhau để thuận lợi cho việc bán lẻ, thay vì nuôi cùng trà, cùng lứa, xuất bán cùng thời điểm so với trước đây. Việc nuôi rải lứa kết hợp với tăng cường sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, bán tận tay cho người tiêu dùng, giúp anh Thịnh giảm bớt chi phí, từ đó ổn định được hiệu quả kinh tế trong quá trình nuôi.

Năm nay, gia đình chị Phạm Thị Thu, xã Cát Vân, huyện Như Xuân, giảm một nửa đàn nuôi gia cầm so với những năm trước. Hiện, gia đình chị đang duy trì nuôi gần 200 con gà, 100 con ngan và vịt. Chị Thu cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn liên tục tăng cao, trong khi giá bán gia cầm không tăng, thậm chí có thời điểm còn xuống thấp. Do nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, nên để bảo đảm hiệu quả kinh tế, chị chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp cho lứa gà nhỏ. Khi gà từ 28 ngày tuổi trở đi, chị chuyển hoàn toàn sang loại thức ăn phối trộn bột ngô, bột lúa, cám gạo. Đây là những loại thức ăn chị tận dụng được từ các loại phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất; đồng thời, nuôi theo phương thức bán chăn thả, gà sẽ tự kiếm thêm nguồn thức ăn từ tự nhiên, từ đó, giảm chi phí trong quá trình nuôi.

Hiện trên địa bàn tỉnh, tổng đàn gia cầm khoảng 23 triệu con, tăng 630.000 con so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn được nhập về tăng cao, nên giá thức ăn theo đó cũng tăng. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan cử cán bộ chuyên phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi làm tốt công tác phòng, chống dịch; chủ động cập nhật thông tin thị trường, lựa chọn vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương khi tăng đàn, tái đàn, tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu và tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ chăn nuôi nên sử dụng thức ăn chế biến bằng nguyên liệu tại chỗ, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp. Đồng thời, cần chú ý chọn mua các con giống bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, quá trình nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; nghiên cứu, chuyển hướng chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ sinh học an toàn.

Bài và ảnh: Hương Thơm



Từ khóa: Gia cầm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]