(Baothanhhoa.vn) - Từ đầu năm đến nay, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến nhu cầu sử dụng thuốc tân dược, vật tư y tế tăng cao. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước nguy cơ bị ép giá và mua phải hàng hóa kém chất lượng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác quản lý thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.

Bình ổn thị trường thuốc tân dược, vật tư y tế

Từ đầu năm đến nay, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến nhu cầu sử dụng thuốc tân dược, vật tư y tế tăng cao. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước nguy cơ bị ép giá và mua phải hàng hóa kém chất lượng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác quản lý thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.

Bình ổn thị trường thuốc tân dược, vật tư y tế

Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra niêm yết giá thuốc tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Để bảo đảm ổn định thị trường hàng hóa, các ngành chức năng là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chủ động lên kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh và diễn biến cung - cầu, giá các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế, nhất là các mặt hàng: khẩu trang, kit test nhanh, thiết bị đo nồng độ oxi, các thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ giám sát tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư y tế trên địa bàn được phân công quản lý. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi: không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, giá kê khai; lợi dụng tình hình dịch bệnh, tình hình khan hiếm hàng hóa để định giá, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý; găm hàng, đầu cơ tích trữ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, hàng giả.

Bên cạnh việc duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các ngành chức năng cũng đang tăng cường tuyên truyền, vận động, yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thuốc cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không lợi dụng dịch bệnh, tình hình khan hiếm hàng để tăng giá bất hợp lý; không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, hàng hóa chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Đến nay, Cục Quản lý thị trường đã thực hiện ký cam kết với 25 doanh nghiệp, 1.821 cơ sở kinh doanh vật tư y tế và thuốc tân dược trên địa bàn tỉnh.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp với các ngành thành viên như: Công an tỉnh, Sở Tài chính và Sở Y tế Thanh Hóa tổ chức hội nghị đảm bảo bình ổn thị trường thuốc tân dược, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật tư y tế và thuốc tân dược trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, huy động các lực lượng có công tác chuyên môn và đúng, đủ chức năng giám sát để theo dõi thị trường, kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ vi phạm trong niêm yết giá thuốc tân dược và bắt giữ hàng nghìn kit test nhanh không bảo đảm chất lượng. Nhiều vụ việc vi phạm có quy mô lớn được các lực lượng phối hợp xử lý, điển hình như: Ngày 5-3, Trạm Cảnh sát giao thông Quảng Xương, thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Thanh Hóa, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa bắt giữ 1 vụ vận chuyển với số lượng 3.600 bộ kit test nhanh do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ hàng hóa khi kiểm tra đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Các hàng hóa này đều không có nhãn phụ tiếng Việt, không được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Trước tình hình thị trường thuốc tân dược, vật tư y tế vẫn còn những diễn biến phức tạp trước nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới, các lực lượng chức năng hiện vẫn đang tiếp tục phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong đó, giám sát quảng cáo, kinh doanh online các sản phẩm là thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ và điều trị COVID-19 “xách tay” nhập từ nước ngoài, không có phụ nhãn tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng và lưu hành... làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng; tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch... là một trong những giải pháp được chú trọng trong bối cảnh hiện nay.

Bài và ảnh: Tùng Lâm


Bài và ảnh: Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]