(Baothanhhoa.vn) - Nhiều tháng qua, ngành nông nghiệp trong tỉnh đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các loại dịch bệnh. Dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn ra trên địa bàn tỉnh hơn 1 năm vẫn chưa chấm dứt thì lại xuất hiện dịch bệnh COVID-19, rồi dịch cúm gia cầm A/H5N6.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh COVID-19

Bài 2: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp

Nhiều tháng qua, ngành nông nghiệp trong tỉnh đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các loại dịch bệnh. Dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn ra trên địa bàn tỉnh hơn 1 năm vẫn chưa chấm dứt thì lại xuất hiện dịch bệnh COVID-19, rồi dịch cúm gia cầm A/H5N6.

Bài 2: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp

Thu mua ớt xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm, xã Định Liên (Yên Định).

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các loại bệnh dịch trên động vật như: Dịch bệnh tả lợn châu Phi kéo dài đã làm tổn thất gần 220.000 con lợn, hơn 60.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy do dịch cúm gia cầm A/H5N6. Còn đối với dịch bệnh COVID-19 thì đã và đang ảnh hưởng đến toàn diện ngành nông nghiệp.

Cùng một lúc xảy ra nhiều dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19 đang khiến cho ngành nông nghiệp phải đối mặt với những “khó khăn kép” trong việc thực hiện các mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2020. Ngoài thiệt hại thống kê được đối với dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, thì thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với ngành nông nghiệp được dự báo ở mức khoảng 300-400 tỷ đồng.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh đến thời điểm này có lẽ là các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu các loại nông sản và các sản phẩm liên quan đến nông sản. Tiếp đó là đến người sản xuất chịu ảnh hưởng do thiếu thị trường tiêu thụ, giá các loại nông sản giảm sâu. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các địa phương và doanh nghiệp nỗ lực thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Công ty Xuất nhập khẩu Gralimex là doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp để xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản. Thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, mỗi tháng công ty đều đặn xuất khẩu khoảng 500 tấn sản phẩm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên công ty đang bị tồn đọng 1.000 tấn sản phẩm và đang được bảo quản tại các kho chứa, tương đương với 2,5 tỷ đồng. Mặc dù bị tồn đọng hàng hóa, song để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và giữ được vùng nguyên liệu, công ty vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất; đồng thời, huy động nguồn vốn để thu mua nguyên liệu cho người dân với giá như đã cam kết trong hợp đồng.

Ông Lê Tuấn Minh, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Gralimex, cho biết: Ngoài việc ứ đọng nguồn hàng, khó khăn về nguồn vốn, điều khiến doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là nguy cơ mất thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi, khi đối tác tạm dừng đơn hàng thu mua do ảnh hưởng của dịch bệnh thì đồng nghĩa với việc họ phải tìm nhà cung cấp mới, với các điều kiện bảo đảm. Để tháo gỡ khó khăn, trước mắt, doanh nghiệp sẽ chấp nhận thua lỗ 50% so với giá xuất khẩu để tìm kiếm thị trường tiêu thụ nội địa, giảm lượng hàng tồn đọng trong các kho, bãi chứa.

Trong số các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19 là huyện Yên Định. Hiện trên địa bàn huyện còn tới 1.000 ha ớt xuất khẩu đang trong kỳ thu hoạch, chiếm 50% diện tích ớt xuất khẩu hiện có của toàn tỉnh. Trước diễn biến của dịch bệnh, nông sản xuất khẩu bị ngưng trệ, các doanh nghiệp do khó khăn về nguồn vốn nên thu mua cầm chừng và giá ớt cũng theo đó bị giảm sâu. Căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh, huyện đang xây dựng giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích trồng ớt xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro về thị trường tiêu thụ; đồng thời, thay đổi điều kiện canh tác để cải tạo đất.

Đồng hành trong việc tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất nông nghiệp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là nỗ lực bù đắp lại những thiệt hại về kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực trồng trọt, giải pháp được đề xuất để khắc phục khó khăn đối với việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản xuất khẩu hiện nay là chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích cây trồng xuất khẩu; trong đó, các loại cây được ưu tiêu chuyển đổi trước mắt là cây khoai tây phục vụ chế biến theo hướng liên kết với các doanh nghiệp để thay thế diện tích sản xuất ớt trong trường hợp ớt không có thị trường xuất khẩu. Phối hợp với các doanh nghiệp chế biến nông sản để lựa chọn một số đối tượng cây trồng phù hợp để đưa vào gieo trồng, như: Đậu tương rau, ngô ngọt, dưa chuột, chuối tiêu hồng.

Đối với chăn nuôi, các giải pháp được xây dựng và đề xuất thực hiện là tập trung tái đàn lợn, gia cầm theo quy định về chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh để bảo đảm sản lượng thịt tiêu thụ sau Tết Nguyên đán năm 2020; phát triển đàn gia súc ăn cỏ ở các huyện có lợi thế, gắn với trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn thô xanh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng trọt. Hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi, đôn đốc tiến độ đầu tư các dự án chăn nuôi lớn đang đầu tư trên địa bàn tỉnh của các doanh nghiệp: Vinamilk, TH Truemilk, New hope, Phú Gia, Dabaco... đúng tiến độ, bảo đảm nguồn cung sản phẩm chăn nuôi và góp phần tăng trưởng sản xuất nông nghiệp năm 2020. Đối với thủy sản, tăng cường chế biến sâu, bảo quản sản phẩm có chất lượng tốt để kéo dài thời gian sử dụng, chờ cơ hội khi thị trường tiêu thụ truyền thống ổn định trở lại; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ mới, nhất là tiêu thụ nội địa. Tiếp tục phát triển nuôi các sản phẩm có lợi thế là tôm chân trắng, ngao Bến Tre theo hướng tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, bền vững. Áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm chân trắng, lựa chọn mùa vụ nuôi thích hợp để có sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và các nước trong vùng dịch.

Bên cạnh việc xây dựng các giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể, ngành nông nghiệp còn xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ nông sản. Đưa nông sản của tỉnh vào tiêu thụ tại các siêu thị, chợ truyền thống, các chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; đồng thời, vận động nhân dân chung tay tiêu thụ hàng nông sản nội địa. Hướng dẫn các doanh nghiệp và nhân dân thay đổi lịch thời vụ, tiến độ sản xuất, cơ cấu lại sản xuất phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế, phát triển thị trường tiêu thụ nội địa và tìm kiếm thị trường mới, hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2020. Rà soát các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 để có giải pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhân dân tiêu thụ sản phẩm. Vận động các doanh nghiệp chế biến, bảo quản nông sản trong thời gian có dịch bệnh COVID-19. Tập trung xây dựng các chuỗi, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý các cơ sở, vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]