(Baothanhhoa.vn) - Pù Mé - dãy núi cao và trùng điệp, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự ở miền Tây xứ Thanh, thuộc địa bàn các xã Ngọc Phụng, Lương Sơn và Xuân Cẩm của huyện Thường Xuân. Đây được ghi nhận là một trong những nơi đóng quân chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh vào thế kỷ XV.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm dấu tích cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn quanh dãy Pù Mé

Pù Mé - dãy núi cao và trùng điệp, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự ở miền Tây xứ Thanh, thuộc địa bàn các xã Ngọc Phụng, Lương Sơn và Xuân Cẩm của huyện Thường Xuân. Đây được ghi nhận là một trong những nơi đóng quân chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh vào thế kỷ XV.

Các mộ cổ tại chân núi Pù Mé, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân).

Tại Hội thảo khoa học “Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, UBND huyện Thường Xuân phối hợp tổ chức, dưới sự chủ trì của Giáo sư sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu cả nước cũng như của Thanh Hóa đã có những bài tham luận để chứng minh Hội thề Lũng Nhai giữa chủ tướng Lê Lợi và 18 vị anh hùng hào kiệt diễn ra trên dãy núi Pù Mé, xã Ngọc Phụng ngày nay. Thực tế, trong các khu rừng trên dãy Pù Mé, còn khá nhiều dấu tích của nghĩa quân Lam Sơn trong quá trình lui quân chiến lược về miền Tây Thanh Hóa cách đây hơn 600 năm. Sau thời gian khá dài tìm hiểu các thông tin, ghi nhận qua lời kể của người dân bản địa, chúng tôi đã quyết định xuyên rừng tìm lại các dấu tích.

Qua sự giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi đã tìm được những “tay” cự phách đường rừng để dẫn đường. Dẫn đầu đoàn là anh Nguyễn Thanh Lâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng – người đã có trọn tuổi thơ chăn trâu, đi rừng, đốn củi, hái măng... trên dãy Pù Mé. Cùng đồng hành với đoàn chúng tôi có cán bộ văn hóa xã, anh Lê Văn Điệp và bác Lê Đức Thắng, 62 tuổi – người dân thường xuyên vào rừng và biết nhiều dấu tích theo truyền miệng là của nghĩa quân Lam Sơn. Với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng, anh Lâm và bác Thắng đã chuẩn bị sẵn trong ba lô nhiều bánh chưng và bưởi. Theo lý giải của các “hoa tiêu” này, nếu mang xôi hoặc đồ ăn khác thì đến trưa sẽ bị thiu, chỉ có bánh chưng được bao bọc lá dong mới bảo đảm thơm ngon. Khi leo núi sẽ mất nhiều nước do thoát mồ hôi, ăn bưởi giúp duy trì lượng nước sẽ không mệt. Nghe giải thích có lý, mọi người háo hức lên đường.

Hơn 7 giờ sáng, đoàn bắt đầu chống gậy leo núi, băng rừng. Đích đến đầu tiên là khu đồi Bái Tranh thuộc dãy Pù Mé – đã được các nhà sử học chứng minh là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Nơi đây chỉ cách khu dân cư làng Mé, thôn Xuân Thành của xã Ngọc Phụng chưa đầy một cây số. Gần đây, theo một dự án du lịch, huyện Thường Xuân đã mở đường lên và đổ bê tông kiên cố nên chỉ sau vài chục phút đi bộ trên con đường dốc thoai thoải, chúng tôi đã đến địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Địa danh lịch sử này hiện đã nằm trong rừng keo xanh ngút ngàn của người dân địa phương. Dùng dao rừng phát quang những cây bụi trên gần đỉnh ngọn đồi Bái Tranh, một phiến đá lớn hiện ra với một vài bát hương của người dân địa phương gắn đã lâu. Theo anh Lâm, hằng năm, đến ngày 21 và 22 – 8 âm lịch, người dân trong vùng đều lên đây thắp hương. Người dân bản địa truyền miệng, truyền thống này có từ sau khi Khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc, vua Lê Lợi trở lại nơi này để cáo tế trời đất, thăm lại vị trí mình và 18 người anh em cùng “thề hải minh sơn” đồng lòng giết giặc, bình định giang sơn. Từ đó, người dân địa phương tỏ lòng ngưỡng vọng, coi nơi này là nơi linh thiêng nên hằng năm cứ đến ngày này là lên thắp hương – đó cũng là lý do đồi này có tên là đồi Bái Tranh.

Từ địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai, vạch cây bụi và lau lách che kín lối đi, chúng tôi băng qua những triền núi dốc. Dưới mặt đất, trên thân cây đều có đàn vắt bò lổm nhổm, chực để bám vào người. Gai rừng giăng mắc đường đi cũng làm cho tay chân ai nấy đều chảy máu, xước da. Qua khoảng 4 - 5 đỉnh núi trùng điệp, các thành viên đều mệt mỏi khiến đôi chân trở nên nặng nề. Bác Thắng tìm một tảng đá ven suối để chúng tôi nghỉ ngơi. Những “cốc” nước mát lành được bác Thắng chặt ra từ thân măng nứa khiến mọi người như hồi tỉnh. Được tiếp thêm năng lượng, chúng tôi qua một đỉnh cao nữa, mở ra trước mắt là một thung lũng với đồng cỏ xanh mướt hiện ra. Theo anh Lâm và bác Thắng, không hiểu vì sao xung quanh là rừng rậm nhưng từ nhỏ họ đã thấy, khu vực này lại toàn đồng cỏ như thảo nguyên, rất thơ mộng, được bao bọc bởi những dãy núi xung quanh. Qua truyền miệng từ nhiều đời của nhân dân địa phương, đây chính là nơi huấn luyện voi, ngựa và cho lính mới tập cưỡi ngựa của nghĩa quân Lam Sơn khi đóng quân trên núi. Giả thuyết này khá thuyết phục bởi nơi đây có suối, địa hình lại khá bằng phẳng, được che chắn bởi các dãy núi cao.

Chinh phục thêm nhiều đoạn “đường” mòn đã bị cây dại bít lối, phải chặt cây bụi mở lối cả nửa giờ đồng hồ mới di chuyển được vài trăm mét. Khi qua những rừng trúc và nứa dại, phải lách mình, thậm chí bò sát đất để tránh những thân cây đổ ngang. Khó chịu nhất là băng qua các khu rừng toàn lau lách dày đặc khiến trên mặt, trên cổ mọi người đều dính lông sâu, gây ngứa ngáy, vô cùng khó chịu. Để rồi sau tất cả, chúng tôi bật lên niềm hân hoan bởi chinh phục được ngọn núi cao nhất của dãy Pù Mé - đỉnh Pù Sèo. Từ đây, nhìn phía Đông Bắc, toàn bộ vùng Lam Sơn – nơi phát tích cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn đều thu gọn trong tầm mắt nên nghĩa quân có thể quan sát được động tĩnh của giặc Minh. Hướng về phía Bắc và Tây Bắc, dễ dàng trông thấy dòng sông Âm hiền hòa chỉ cách chân núi chừng 2km, che chắn an toàn cho nghĩa quân từ hướng Bắc. Phía Nam ngọn núi, hồ Cửa Đạt và dòng sông Chu rộng lớn cuộn chảy luôn án ngữ, tạo sự ngăn cách để tránh được kẻ thù tấn công từ hướng Nghệ An... Những giả thuyết của các nhà sử học tại hội thảo khoa học “Hội thề Lũng Nhai trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn” đã nhắc ở trên, càng trở nên chính xác khi chúng tôi được trải nghiệm tại vị trí này. Cũng theo các phân tích, cùng với núi Pù Rinh ở huyện Lang Chánh ngày nay, Pù Mé cao hơn 1.000m so với mực nước biển chính là dãy núi có ý nghĩa lớn về mặt quân sự.

Qua tổng thể 7 ngọn núi lớn nhỏ của dãy Pù Mé, chúng tôi đã tìm được dấu tích ngôi đền thờ nghĩa quân trên núi, những hòn đá còn dấu tích đục đẽo của bàn tay con người... Hành trình trở về bằng một con đường khác, những gian nan vất vả cũng không kém hành trình lên núi. Qua phần núi thuộc xã Lương Sơn, chúng tôi được dẫn vòng lại khu vực chân núi thuộc thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng. Nơi đây còn quần thể hàng nghìn ngôi mộ cổ mà theo truyền miệng của nhân dân địa phương, đó chính là mộ của những nghĩa quân Lam Sơn tử trận. Mỗi mộ được đánh dấu bằng một phiến đá lớn dựng đứng ở đầu và cuối, cách nhau khoảng 2,5 m. Có những phiến đá ở đầu mộ rộng tới 1,6 m, đa phần còn lại chỉ rộng khoảng từ 40 cm đến gần 1m. Sự rộng, hẹp của những phiến đá được cho rằng phụ thuộc vào ngôi thứ, chức tước lớn nhỏ của người đã hy sinh. Dân cư địa phương chủ yếu là người Mường, không có lối chôn cất như vậy, hơn nữa cũng không ai nhận là mồ mả tổ tiên họ. Thực tế, gần đó có địa danh là làng Phụng Dưỡng, tương truyền là nơi nhân dân và nghĩa quân nuôi quân lính bị thương trên chiến trường nên sau mới được đổi tên như vậy.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]