Hội nghị thượng đỉnh NATO 2024: Vấn đề Ukraine được đặc biệt quan tâm
Từ ngày 9-11/7, Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 75 được tổ chức tại Washington. Ngoài việc thúc đẩy hợp tác nội khối, đây là dịp để lãnh đạo các quốc gia thành viên tập trung thảo luận về cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, đặc biệt là tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả của các gói viện trợ quân sự cho Ukraine.
Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của khối
Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, với thách thức an ninh ngày càng gia tăng, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington thảo luận hàng loạt vấn đề liên quan đến tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời tìm cách thu hẹp bất đồng trong nhiều vấn đề còn gây tranh cãi trong khối.
Theo Reuters, một trong những nội dung quan trọng nằm trong chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh lần này là thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện, đồng bộ giữa các nước thành viên NATO. Mặc dù đã cải thiện mức đầu tư đáng kể cho quốc phòng, song năng lực quốc phòng của các nước NATO còn thiếu đồng đều, nhất là ở các nước châu Âu. Theo thống kê, trong năm 2022, chi tiêu quân sự của các nước châu Âu là 240 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với Mỹ (khoảng 794 tỷ USD) và thấp hơn cả Trung Quốc (273 tỷ USD). Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, hơn 20 quốc gia thành viên sẽ đáp ứng mục tiêu của liên minh quân sự này là dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng trong năm nay. Số nước đáp ứng mục tiêu trên của NATO đã tăng so mức dưới 10 quốc gia ở thời điểm cách đây 5 năm.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tập trung đánh giá, rà soát các chương trình hợp tác đã thông qua, từ kết quả đạt được, hạn chế còn tồn tại để đề ra giải pháp khắc phục. Không thể phủ nhận, trong một vài năm trở lại đây, NATO tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao năng lực quốc phòng, tính răn đe của khối. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023, 4 nhóm tác chiến mới của NATO đã được thành lập để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Các nhóm này được triển khai ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia, bổ sung cho các nhóm chiến đấu hiện có ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, tất cả đều có biên giới chung với Nga. Theo người phát ngôn NATO Oana Lungescu, tại khu vực Đông Âu, hiện có 8 nhóm tác chiến của NATO với 10.000 quân, so với 4 nhóm tác chiến với 5.000 quân hồi năm 2021. Tuy nhiên, quan sát các cuộc tập trận gần đây nhằm xác định mức độ sẵn sàng chiến đấu của tất cả 8 nhóm chiến đấu, các chuyên gia từ Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, chỉ có 2 trong số đó, có trụ sở tại Lithuania và Latvia là có kế hoạch tăng cường sức mạnh lên quy mô lữ đoàn (lên tới 5.000 quân). Điều này cũng thể hiện sự mất cân bằng lực lượng trong khu vực của NATO, và đặt ra yêu cầu cấp thiết cho NATO trong bối cảnh nguy cơ xung đột với Nga có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Sự tham gia của lãnh đạo một số đối tác, đặc biệt là các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy chương trình nghị sự của hội nghị lần này bao gồm các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ của NATO với các đối tác ở khu vực này. Cố vấn cấp cao về châu Âu tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng, Đại sứ Michael Carpenter tuyên bố: NATO sẽ không mở rộng sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng liên minh này có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác với Hàn Quốc và các đối tác khác trong khu vực. Quan chức Mỹ nhấn mạnh, NATO và các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nhiều lợi ích chung và cơ hội hợp tác tốt hơn trong nhiều vấn đề, như an ninh mạng, chống thông tin sai lệch, xây dựng các căn cứ công nghiệp quốc phòng.
Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine là trọng tâm chương trình nghị sự
Bên cạnh tăng cường hợp tác nội khối và mở rộng hợp tác với các đồng minh, đối tác quan trọng, Hội nghị thượng đỉnh NATO 2024 là dịp để các nước tập trung xây dựng chính sách mới trong vấn đề Ukraine, mà theo tờ RBC, chính sách này sẽ bao gồm 3 nội dung chính sau:
Thứ nhất, thảo luận về tiến trình gia nhập NATO của Ukraine. Ở khía cạnh dân sự, các nước phương Tây tập trung xây dựng lộ trình giúp Ukraine thực hiện các cải cách dân chủ và chống tham nhũng cần thiết để trở thành thành viên. Ở khía cạnh quân sự, NATO thúc đẩy các hình thức huấn luyện, hỗ trợ quân sự để phát triển quân đội Ukraine theo tiêu chuẩn của NATO. Ngoài ra, một vấn đề khác cũng cần phải tính đến là thảo luận về quá trình phục hồi đất nước Ukraine sau chiến tranh. Theo các chuyên gia phân tích phương Tây, đất nước Ukraine hiện nay gần như không có một dấu hiệu gì của một quốc gia đúng nghĩa do tác động từ cuộc xung đột quân sự với Nga. Lãnh thổ bị phân chia, nền kinh tế bị kiệt quệ, bộ máy quản lý nhà nước quan liêu, tham nhũng, các vấn đề an sinh xã hội rất nghiêm trọng do đất nước không có đủ ngân sách để giải quyết.
Thứ hai, gia tăng về quy mô và nâng cao hiệu quả các gói viện trợ quân sự cho Ukraine giúp quân đội nước này cải thiện tình hình chiến sự. Theo các chuyên gia quân sự, các gói hỗ trợ hiện nay từ phương Tây cho quân đội Ukraine về cơ bản vẫn được thực hiện một cách tự phát, tuỳ thuộc theo kho vũ khí của các nước phương Tây và theo yêu cầu của quân đội Ukraine, chứ không được bảo đảm tính chiến lược, dài hạn, tính hiệp đồng tác chiến giữa các vũ khí mà phương Tây hỗ trợ cho quân đội Ukraine. Điều này được thể hiện qua thực tế rằng có những thời điểm quân đội Ukraine thiếu vũ khí trầm trọng, song cũng có thời điểm vũ khí phương Tây được vận chuyển ồ ạt, và các cơ sở hạ tầng, kho vũ khí phương Tây ở Ukraine trở thành mục tiêu của các đợt pháo kích của quân đội Nga. Bên cạnh đó, việc các vũ khí phương Tây cung cấp cho quân đội Ukraine, mặc dù rất hiện đại và được kỳ vọng, nhưng khi tác chiến độc lập, không có lực lượng hiệp đồng phối hợp, đã không mang lại kết quả đáng chú ý trên thực địa. Ví dụ như xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, Challenger 2 và M1A1 do phương Tây hỗ trợ, đều gần như không có cơ hội thể hiện hoả lực hay khả năng cơ động của mình. Thay vào đó, những vũ khí này luôn đối mặt với các mối đe doạ từ UAV tự sát, nên rất khó để tiến về phía trước.
Thứ ba, bàn luận kế hoạch thành lập một trung tâm đào tạo phân tích chung mới ở Ba Lan (Jates), nhằm rút ra những bài học đúng đắn từ cuộc chiến. Có một thực tế là kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra, quân đội Ukraine đã áp dụng học thuyết, chiến lược của NATO nhưng đã không mang lại hiệu quả. Chuyên gia Vitaly Kabernik, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu quân sự và chính trị thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO)/Nga đánh giá, chiến thuật của NATO sẽ chỉ tỏ ra hiệu quả nhất nếu được hỗ trợ bởi ưu thế vượt trội về sức mạnh quân sự, đặc biệt là sự yểm trợ của hoả lực bằng các cuộc pháo kích, không kích và tấn công bằng vũ khí dẫn đường chính xác cao, những điều mà Ukraine không có hoặc chỉ có thể sử dụng một cách hạn chế. Ngoài ra, ngay cả chính NATO cũng chưa thể kiểm chứng được hiệu quả của các chiến thuật do liên minh này xây dựng trong một cuộc xung đột với một đối thủ ngang tầm hoặc có tiềm lực mạnh hơn. Ngay cả khi phương Tây “bật đèn xanh” cho quân đội Ukraine được phép sử dụng vũ khí do phương Tây hỗ trợ để tấn công vào lãnh thổ của Nga cũng chưa mang lại hiệu quả cao nhất. Nguyên nhân là do các vũ khí do phương Tây hỗ trợ tấn công Nga đều nằm trong tầm bắn của các hệ thống phòng không của Nga ở khu vực biên giới, đặc biệt là các hệ thống S-300, S-400.
Mục tiêu của nước chủ nhà Mỹ
Theo RT ngày 10/7, các nước NATO cho biết sẽ cung cấp thêm một số hệ thống phòng không chiến lược cho Ukraina để đáp lại lời đề nghị giúp chống lại các cuộc không kích của Nga. Cũng tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố “khoản hỗ trợ lịch sử” cho Ukraine. Cụ thể, 3 hệ thống sẽ đến từ các nước Mỹ, Đức và Romania, trong khi Hà Lan và các đối tác khác sẽ cung cấp các linh kiện hỗ trợ những hệ thống này. Italia cũng cam kết cung cấp 1 hệ thống phòng không SAMP-T mới cho Ukraina.
Theo tờ Izvestia, những kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 2024 có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc bởi được tổ chức tại Washington nơi trong nhiều năm qua thực tế đã là trung tâm đưa ra các quyết định an ninh quan trọng của phương Tây. Điều này, một mặt, khẳng định vai trò dẫn dắt, “đầu tàu” của Mỹ trong việc hoạch định đường lối, chính sách của NATO; mặt khác, thông qua NATO, Mỹ muốn gia tăng ảnh hưởng, vai trò, vị thế quốc tế, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu.
Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh NATO 2024 diễn ra đúng vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút. Hiện nay, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đang ở thế bất lợi, nhất là sau màn trình diễn thiếu thuyết phục tại cuộc tranh luận trực tiếp vào ngày 28/6 với đối thủ Donald Trump. Nhiều đảng viên đảng Dân chủ, cũng như nhóm cử tri trung thành của đảng Dân chủ kêu gọi đảng này thay thế ông Biden trong cuộc bầu cử sắp tới. Do đó, theo giới phân tích chính trị, những kết quả mang tính biểu tượng tại hội nghị lần này có thể là cơ hội tốt để ông Biden lật ngược tình hình; bởi lẽ, đa số cử tri Mỹ đều ủng hộ chính sách của Tổng thống Biden đối với các đồng minh lâu năm của Mỹ và lo ngại cách tiếp cận ngoại giao mà cựu Tổng thống Trump thúc đẩy sẽ lại gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh. Ngay cả các đồng minh NATO cũng mong muốn Tổng thống Biden sẽ giành được nhiệm kỳ thứ hai, giúp bảo đảm gắn kết xuyên Đại Tây Dương, giúp châu lục này có thêm thời gian và sự ủng hộ để đảm nhận phần trách nhiệm lớn hơn đối với lục địa và khu vực giáp biên bất ổn. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể sẽ làm trầm trọng những bất ổn châu Âu đang phải gắng gượng xử lý.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-16 11:22:00
Chúng ta biết gì về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza?
-
2025-01-16 10:18:00
Quan hệ Nga và Iran: Hoạn nạn có nhau
-
2024-07-11 08:08:00
Khoảng 2 triệu người di cư bất hợp pháp đang mắc kẹt ở Lybia
Argentina: Cảnh báo đỏ về bão tuyết và giá lạnh khắc nghiệt
Các nước Baltic thông báo tách khỏi hệ thống điện của Nga
Hàn-Nhật tổ chức cuộc họp quan chức cấp phòng cấp cao đầu tiên sau 9 năm
An ninh quốc tế 11/7: Rộ tin Triều Tiên đưa lực lượng ưu tú đến Nga, Mỹ nói phải để mắt tới
An ninh quốc tế 10/7: Nga - Trung cùng đưa tàu chiến đến “điểm nóng” vùng biển Philippines
Hàn Quốc chìm trong mưa lớn kỷ lục trong 200 năm
Các nước NATO tuyên bố gửi 4 hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine
Hàn Quốc yêu cầu tất cả học sinh phải được giáo dục phòng chống tự tử
Cơ quan Vũ trụ châu Âu lần đầu tiên phóng thành công tên lửa Ariane 6